Dự án "Cải tạo, nâng cấp đường 191N và tuyến nhánh" ở huyện Tứ Kỳ vướng mắc lâu nay do nhiều hộ dân chưa đồng tình với phương án giải phóng mặt bằng.
Việc cải tạo, nâng cấp tuyến nhánh đường 191N đang bị tắc do 5 hộ chưa đồng ý với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng
Ngày 1.9.2011, UBND tỉnh phê duyệt dự án "Cải tạo, nâng cấp đường 191N" với tổng vốn đầu tư 97,5 tỷ đồng. Ngày 18.7.2012, UBND tỉnh điều chỉnh dự án với vốn đầu tư 178,9 tỷ đồng. Ngày 9.11.2012, tỉnh lại tiếp tục điều chỉnh dự án, giữ nguyên mức đầu tư 178,9 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, tỉnh, huyện nhưng bổ sung việc cải tạo, nâng cấp tuyến nhánh từ xã Văn Tố sang xã Phượng Kỳ (cùng huyện Tứ Kỳ). Dự án thực hiện trong 5 năm, chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2013-2015, giai đoạn 2 từ năm 2015-2017 đều làm ở tuyến chính; giai đoạn 3 từ năm 2016-2017 làm tuyến nhánh. UBND huyện Tứ Kỳ làm chủ đầu tư dự án. Tuyến chính đường 191N được cải tạo, nâng cấp dài 9 km đi qua các xã Văn Tố, Phượng Kỳ và Hà Kỳ; tuyến nhánh dài 2,49 km qua xã Văn Tố và Phượng Kỳ. Quy mô đường cấp 5, nền đường rộng 7,5 m.
Để làm tuyến nhánh, huyện Tứ Kỳ cần thu hồi đất của 295 hộ dân. Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, đến ngày 3.7.2020 còn 5 hộ chưa đồng ý phương án bồi thường với tổng diện tích 936,1 m2 nằm ở giữa và cuối tuyến nhánh thuộc thôn Như Lâm, xã Phượng Kỳ.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn Như Lâm có 167 m2 đất ở cần thu hồi. Gia đình bà được bồi thường, hỗ trợ 983 triệu đồng nhưng bà không chấp thuận. Bà nêu lý do: "Phần đất cần thu hồi lấy gần hết diện tích đất của gia đình nên phải tháo dỡ quán bán hàng, nhà ở 2 tầng kiên cố và công trình phụ trợ. Số tiền bồi thường trên tôi thấy không hợp lý và muốn gặp đơn vị giải phóng mặt bằng để thỏa thuận mức giá".
Gia đình ông Nguyễn Thế Học cũng ở thôn Như Lâm có 283,3 m2 đất cần thu hồi để mở rộng đường nhưng ông Học chưa đồng ý với phương án bồi thường. Theo ông Học, miếng đất của gia đình sẽ chia làm đôi nếu Nhà nước thu hồi làm đường. Diện tích đất còn lại nhỏ hẹp không thể xây nhà. Ông Học đề nghị cấp một miếng đất thổ cư khác hoặc hợp thức hóa ngõ đi chung giáp thửa đất của nhà ông thành đất ở để cấp cho gia đình.
Các hộ còn lại có diện tích đất thu hồi vào công trình phụ trợ như sân, nhà tắm... cũng chưa đồng ý tháo dỡ công trình để làm đường.
Theo ông Phạm Văn Minh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tứ Kỳ, dự án được thực hiện theo hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Trong đó, Nhà nước đầu tư xây dựng nền, mặt đường, hệ thống thoát nước dọc, cầu bản, các công trình phòng hộ, báo hiệu; vận động nhân dân tự nguyện hiến đất nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng (huyện chỉ hỗ trợ phần tài sản, cây cối hoa màu trên đất). Huyện không áp dụng biện pháp cưỡng chế mà tuyên truyền, vận động. Nếu các hộ không đồng thuận thì dự án này vẫn ách tắc.
Hàng trăm gia đình nằm trên trục đường 191N đã hiến hàng chục nghìn m2 đất ở, đất 03, phá dỡ công trình phụ trợ. Các hộ còn lại chưa đồng thuận ở tuyến nhánh chủ yếu muốn nâng mức giá đền bù hoặc bù đất ở. "Thời gian tới, Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về chủ trương và lợi ích lâu dài khi nâng cấp, cải tạo tuyến đường. Huyện chỉ hỗ trợ phần tài sản, cây cối, hoa màu trên đất chứ không cấp đất mới cho các hộ có diện tích đất thu hồi", ông Minh khẳng định.
THẢO NGUYỄN