Cả nước hiện có tới 8.000 lễ hội, trong đó tỉnh ta cũng có những lễ hội lớn. Điều kiện kinh tế của người dân khá giả, giao thông đi lại thuận tiện, nên lễ hội nào cũng rất đông.
Đi lễ là một truyền thống lâu đời. Đi lễ để bày tỏ lòng tri ân gia tiên, cầu may, mong muốn nhân khang, vật thịnh. Trong tâm linh, ai cũng mong được "giải hạn", "có thờ có thiêng, có kiêng có lành".
Điều đáng quan tâm là đốt vàng mã gây lãng phí. Tục này bắt nguồn từ thời phong kiến ở Trung Quốc. Các vua chúa qua đời, người ta chôn theo cả gia nhân và vật dụng. Đời nhà Hán, người ta dùng hình nhân thế mạng, đốt vàng mã thay người. Nay đốt vàng mã trong các lễ hội cũng như dịp giỗ Tết trong từng gia đình rất phổ biến. Cứ nghĩ rằng "dương sao, âm vậy", đốt quá nhiều, đốt cả đồ mã mang hình ô tô, xe máy, ti vi, tủ lạnh (mà nhiều vị khi sinh thời trước kia không hề biết đến). Một con số được công bố trên báo chí làm ta giật mình: mỗi năm, người Việt đốt 50.000 tấn vàng mã. Theo TS Nguyễn Việt Cường (Đại học Kinh tế quốc dân) khảo sát trong 5 tháng (trừ tháng Tết), bình quân mỗi gia đình ở Việt Nam năm 2012 chi 574.000 đồng, đến năm 2016 chi tăng lên 654.000 đồng cho việc cúng lễ. Nhân với số hộ do Tổng cục Thống kê cung cấp, cả nước năm 2012 chi 13.000 tỷ đồng, năm 2016 con số đó là 16.000 tỷ đồng (chỉ tính vàng mã, hương hoa, không kể lễ vật sau khi cúng còn sử dụng). Số tiền "khủng" này (số liệu theo báo Lao Động cuối tuần số 10 tháng3.2018) nếu chi vào việc công ích thì ích lợi biết bao.
Chúng ta biết Singapore là quốc gia nhỏ bé nhưng thu nhập của người dân vào hàng cao nhất thế giới. 70% số dân ở đó là người Hoa, trước đây họ cũng đốt vàng mã, nhưng không nhiều. Cách đây 15 năm, tại chùa Peter Low, khi đốt pháo và hóa vàng, đã xảy ra hỏa hoạn. Từ đó, chính phủ cấm đốt vàng mã, được nhân dân cả nước đồng thuận. Dịp xuân Mậu Tuất vừa rồi, các nhà báo thăm Singapore kể lại các chùa lớn như Budda Tout (chùa Răng Phật), Bugis..., khách thập phương vào lễ chỉ thắp ba nén hương và đĩa hoa, tuyệt nhiên không có các lò hóa vàng nghi ngút khói. Không đốt vàng mã cầu xin, nhưng dân đảo quốc nhỏ bé này lại thu nhập đầu người và sở hữu hệ thống chăm sóc sức khỏe vào bậc nhất trong số gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đầu năm nay, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có công văn hướng dẫn các địa phương - nơi tổ chức lễ hội phải có các biện pháp thiết thực chống mê tín dị đoan, trong đó có việc thắp hương, hóa vàng. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn quy định việc bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự vì trái với giáo lý nhà Phật. Ở phường Quang Trung (TP Uông Bí, Quảng Ninh), chùa Ba Vàng xây dựng khang trang to lớn nhất vùng nhưng không cúng vàng mã. Còn ở TP Hồ Chí Minh, chùa Liên Hoa nhiều năm khuyến khích phật tử không đốt vàng mã, dành tiền làm từ thiện. Kết quả riêng năm 2016 đã đóng góp từ việc không đốt vàng mã 2 tỷ đồng, năm 2017 vừa qua tăng lên 3,7 tỷ đồng giúp người nghèo.
Hy vọng rằng các mô hình mới, thay đổi quan niệm đốt vàng mã trước đây sẽ ngày càng được nhân rộng, tránh lãng phí cho nhân dân.
HỮU NGUYỄN