Ngoài di chứng phổ biến nhất của đột quỵ là vận động, người bệnh còn có rối loạn về giao tiếp, ngôn ngữ, chức năng sinh hoạt, tâm lý, cảm xúc.
Chỉ 40% bệnh nhân tiếp cận được dịch vụ phục hồi chức năng phù hợp
PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu, Phó Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, cho biết, theo thống kê năm 2019, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật trên 2 tuổi (chiếm hơn 7% dân số).
Tuy nhiên, nếu theo chuẩn Luật Người khuyết tật Việt Nam, tỷ lệ này khoảng 15-30%, tương đương với các nước trên thế giới. Ông lấy ví dụ người có mắt kém cũng là khuyết tật thị giác dù chưa đến mức phụ thuộc phải hỗ trợ. Ngoài ra, số người còn lại chưa khuyết tật vẫn có nguy cơ khuyết tật (do tai nạn thương tích, lão hóa, già hóa,…).
Bộ Y tế ước tính cả nước sẽ có hơn 30 triệu người cần được phục hồi chức năng, trong đó tỷ lệ bệnh nhân nữ cao hơn so với nam, tập trung nhiều hơn ở độ tuổi 50-59 và nhiều nhất thuộc nhóm bệnh rối loạn cơ xương khớp.
Nhu cầu người bệnh cần được phục hồi chức năng có rất nhiều. Dù vậy, theo điều tra Bộ Y tế năm 2020, tỷ lệ người dân tiếp cận phục hồi chức năng chỉ hơn 40%. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 sẽ nâng tỷ lệ này lên 80%.
Một trong những nguyên nhân khiến việc tiếp cận phục hồi chức năng khó khăn là do sự quá tải của hệ thống y tế công lập, đặc biệt là bệnh viện tuyến Trung ương.
Nhân lực có chuyên môn phục hồi chức năng ở Việt Nam hiện rất ít.
Bộ Y tế thống kê, nhân lực phục hồi chức năng của nước ta rất ít, chỉ đạt 0,25/10.000 dân, trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mức 0,5 - 1/10.000 dân. Để đạt được mức trung bình theo khuyến cáo của WHO, Việt Nam hiện còn thiếu khoảng gần 5.000 nhân lực có chuyên môn được đào tạo về phục hồi chức năng.
Đột quỵ trẻ hóa, bệnh nhân không chỉ có nhu cầu phục hồi chức năng đi, nói
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 200.000 người đột quỵ mới. Không chỉ vậy, đột quỵ còn có dấu hiệu trẻ hóa. Trước đây, đột quỵ xếp hàng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong (sau ung thư, tim mạch), nay bệnh lý này đã lên hàng 2 (vượt ung thư).
Những năm gần đây, mạng lưới cấp cứu, điều trị đột quỵ mở rộng giúp người dân tiếp cận sớm hơn, tốt hơn, nhiều người được cứu sống.
"Tuy nhiên, sau điều trị đột quỵ, rất nhiều người vẫn còn tổn thương, di chứng. 80% có tổn thương nặng nề và 30% trong đó không thể hồi phục" - nguyên Chủ nhiệm khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện 108 Nguyễn Trọng Lưu nói.
PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu (áo blouse trắng) cho hay nhiều người có nhu cầu phục hồi chức năng nhưng chỉ mới 40% được đáp ứng. Ảnh: V.N
PGS Lưu cũng cho biết, đột quỵ là một trong số các bệnh có nhu cầu tập phục hồi chức năng cao. Đây được xem là bệnh lý đa tàn tật bởi có nhiều dạng khuyết tật khác nhau trong một người bệnh đột quỵ.
Di chứng phổ biến, dễ thấy nhất của bệnh lý này là vận động, nhưng thực tế người bệnh đột quỵ còn có di chứng, rối loạn về nhận thức, giao tiếp, ngôn ngữ, chức năng sinh hoạt. Đặc biệt, bệnh nhân sau đột quỵ cũng có rối loạn tâm lý, cảm xúc, chức năng tình dục (do xu hướng trẻ hóa), hiện ngành Phục hồi chức năng đang dần tiếp cận vấn đề này.
Do đây là bệnh lý đa tàn tật nên phương pháp phục hồi phải đa dạng, đa mô thức từ thuốc, can thiệp ngoại khoa, can thiệp phục hồi chức năng (bằng máy, tay, bài tập và chia ra nhiều giai đoạn).
“Phục hồi chức năng sau đột quỵ được hình dung là giúp người bệnh học lại những động tác quen thuộc như một đứa trẻ, từ tập đi, nói, cầm nắm vật dụng…”, PGS Lưu chia sẻ.
Theo WHO, phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ chia ra 4 giai đoạn. Sau giai đoạn cấp, tối cấp diễn ra trong 48 giờ đầu ưu tiên cứu sống bệnh nhân, người bệnh bước vào giai đoạn hồi phục sớm. Giai đoạn 2 này diễn ra từ sau 48 giờ đến 3 tháng, là giai đoạn “vàng”, tuy nhiên thực tế không phải bệnh nhân nào cũng tiếp cận được sớm.
Giai đoạn tiếp theo diễn ra từ 3 - 6 tháng sau đó, cũng là giai đoạn phục hồi tốt nhưng chậm hơn. Sau 6 tháng, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn mạn tính. Đặc biệt, theo PGS Lưu, sau 1 năm, tổn thương do đột quỵ cơ bản đã định hình, khả năng thay đổi phục hồi không còn nhiều, dù nếu có tập luyện vẫn tốt hơn.
Thực tế có những bệnh nhân phục hồi tốt sau thời gian dài bị đột quỵ. Điển hình như một nam bệnh nhân 46 tuổi (ở Hà Nội) bị chảy máu não lớn. Sau khi thoát chết, anh chịu tổn thương lớn khi bị di chứng liệt nửa người bên phải.
Đến với PGS Lưu sau 36 tháng từ ngày cấp cứu đột quỵ, anh phải di chuyển bằng xe lăn. Ngoài ra anh còn bị rối loạn ngôn ngữ hỗn hợp rất nặng khi cả diễn đạt, nghe hiểu, tiếp nhận đều không được. Bệnh nhân cũng khó cầm nắm các vật dụng, thầy thuốc, kỹ thuật viên phải buộc dây vào tay để giữ vững.
Sau khi tập được vài tháng, bệnh nhân đi lại dễ dàng hơn, sự co cứng của chi trên nhẹ nhàng hơn. Bác sĩ Lưu đánh giá khả năng cầm nắm thanh tường và các dụng cụ tập của nam bệnh nhân đã dần chắc hơn. Được tập các bài tập tình huống chống đỡ mất thăng bằng chuyên dụng, bệnh nhân đã có thể di chuyển, dù dáng đi chưa được mềm dẻo nhưng tiến bộ nhiều về độ vững chắc và giảm nguy cơ ngã.
Theo vị chuyên gia, bệnh nhân đột quỵ nên tranh thủ phục hồi chức năng trong 1 năm đầu, đặc biệt trong 6 tháng đầu. Việc xác định bài tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả đánh giá tình trạng khuyết tật của người bệnh tại thời điểm đó, như các bài tập theo tầm vận động, tập thay đổi vị thế, tập kiểm soát thăng bằng, tập di chuyển...
Ngoài ra, các bài tập ngôn ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu cũng rất cần thiết ở giai đoạn người bệnh đã có những tiến triển hồi phục tốt nhằm giúp cho họ có khả năng giao tiếp, có thể tự độc lập trong sinh hoạt hằng ngày, cũng như trong hoạt động nghề nghiệp về sau.
Theo Vietnamnet