Quan hệ Việt Nam-Pháp ngày càng phát triển sâu rộng, đã chín muồi và đạt mức tiến tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Nhận lời mời của Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault, hôm nay (23-9), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân rời Hà Nội sang thăm chính thức Cộng hoà Pháp từ 24 đến 26-9. Chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này được đánh giá là chuyến thăm lịch sử, thiết lập nền tảng vững chắc hơn để Việt Nam và Pháp tạo bước đột phá thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12-4-1973. Suốt 40 năm qua, Việt Nam và Pháp không chỉ trao đổi nhiều đoàn cấp cao nhằm tăng cường quan hệ chính trị tin cậy, thắt chặt sự hiểu biết lẫn nhau mà còn thiết lập nhiều cơ chế hợp tác song phương cả đối thoại cấp chiến lược và đối thoại thường niên cấp cao trên các lĩnh vực như kinh tế, an ninh, quốc phòng…
Bên lề Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 9 (ASEM 9) được tổ chức tại thủ đô Vientiane - Lào năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ Tổng thống Pháp François Hollande |
Đến nay, Pháp đã trở thành bạn hàng châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,2 tỷ USD trong năm 2012, trong đó Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là giày dép, dệt may, đồ gia dụng, thủy sản, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử và nhập khẩu từ Pháp chủ yếu là thiết bị hàng không, dược phẩm, sản phẩm cơ khí, sản phẩm điện tử, hóa chất và đồ uống có cồn.
Tính đến cuối năm ngoái, Pháp đứng thứ 2 trong các nước châu Âu và đứng thứ 15 trong tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 375 dự án và số vốn lên tới hơn 3,1 tỷ USD. Pháp cũng luôn giữ vị trí nhà tài trợ châu Âu song phương ODA lớn nhất của Việt Nam với tổng vốn tài trợ 2,5 tỷ USD tập trung ưu tiên vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp và tài chính.
Quan hệ hợp tác Việt Nam –Pháp trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch, khoa học công nghệ, an ninh, quốc phòng, y tế, pháp luật, nông nghiệp, môi trường cũng như hợp tác giữa các địa phương hai nước và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ cũng ngày càng phát triển thực chất và hiệu quả. Nổi bật là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, hai bên đang hợp tác chặt chẽ xây dựng trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội trở thành 1 trong 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam.
Hiện nay tại Pháp có tới trên 7.000 du học sinh Việt Nam, trở thành nơi có lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ 3 trên thế giới. Pháp khẳng định sẽ hợp tác và hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch đào tạo 10.000 tiến sỹ từ nay đến 2020. Pháp cũng dành ưu tiên hàng đầu ở châu Á và thứ 3 trên thế giới đối với Việt Nam trong chính sách hợp tác văn hóa và khoa học kỹ thuật.
Cùng là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ nên Việt Nam và Pháp đã và đang tích cực tham gia nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ, đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp, giảng dạy đại học và các hoạt động nghị viện…
Trong số khoảng 300.000 Việt kiều đang sinh sống tại pháp thì có tới 40.000 Việt kiều có trình độ đại học hoặc trên đại học thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Họ là cầu nối quan trọng, không chỉ đóng góp tích cực cho sự phát triển của nước sở tại mà còn góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
Cách đây tròn 20 năm, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mitterrand năm 1993 đã ghi dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, thì chuyến thăm Pháp lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra đúng vào thời khắc lịch sử hai nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trên mọi bình diện tại cả Việt Nam và Pháp.
Trả lời phỏng vấn phóng viên thường trú tại Pháp, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng nhấn mạnh: “Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thực hiện trong giai đoạn quan hệ hai nước Việt Nam-Pháp ngày càng phát triển sâu rộng, đã chín muồi và đạt mức tiến tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đây là mốc quan trọng, đánh dấu sau 40 năm quan hệ hai nước, phát triển sâu rộng và tăng cường lên ở mức độ khác. Và sau khi hai nước, hai Thủ tướng ký kết tuyên bố đối tác chiến lược, hai nước sẽ có nhiều cơ hội, nhiều cơ chế để thực sự tiến gần nhau hơn, trao đổi thực chất các vấn đề chiến lược, các vấn đề hợp tác để hợp tác không ngừng phát triển, hợp tác các ngành nghề phát triển và không những thế, hai nước có thể cùng trao đổi những vấn đề chiến lược của khu vực, của toàn cầu để đóng góp cho thế giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và phồn vinh”.
Trên cơ sở thiết lập nền tảng vững chắc, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất hợp tác song phương Việt Nam-Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm Pháp lần này sẽ cùng với các nhà lãnh đạo Pháp truyền tải những thông điệp rõ ràng về vai trò, vị trí cũng như thống nhất các biện pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, nhất là đẩy mạnh hợp tác kinh tế đi vào chiều sâu, tạo bước đột phá trong phát triển thương mại, hợp tác đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo và văn hóa giữa hai nước.
Thành Chung (VOV)