Việc Mỹ dùng nguồn cung USD làm vũ khí trừng phạt các nước có thể gây suy yếu sự thống trị của đồng tiền này.
Giới phân tích cho rằng vũ khí mạnh nhất của Mỹ không phải là quân đội, mà là đồng đôla. Hiện tại, sau gần 80 năm thống trị, đồng tiền này có lẽ đang đứng trước rủi ro để mất vị thế là tiền tệ dự trữ toàn cầu.
Khoảng 60% trong số 12.800 tỷ USD dự trữ ngoại hối toàn cầu là dưới dạng đôla Mỹ. Việc này giúp Mỹ có đặc quyền rất lớn so với các nước khác. Vì trái phiếu chính phủ Mỹ được ưa chuộng, lãi suất của chúng rất thấp. Mỹ đi vay các nước khác bằng chính tiền tệ của mình. Vì thế, khi đôla mất giá, số nợ cũng giảm theo. Doanh nghiệp Mỹ thì có thể giao dịch quốc tế bằng đồng đôla mà không phải trả phí đổi tiền.
Có lẽ quan trọng nhất là, trong các trường hợp đặc biệt, Mỹ có thể cắt nguồn cung đôla của các ngân hàng trung ương khác, khiến nền kinh tế của họ bị cô lập. Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Raghuram Rajan gọi quyền lực này là "vũ khí hủy diệt hàng loạt về kinh tế".
Hiện tại, Mỹ đang sử dụng vũ khí này với Nga, sau khi nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2. Mỹ đã đóng băng hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga và khiến đồng ruble mất giá. Việc này giúp họ trừng phạt Nga mà không cần dùng đến quân đội.
Tuy nhiên, quyền lực lớn cũng có cái giá của nó. Khi bạn sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, dù là về kinh tế, mọi người sẽ sợ hãi. Để mình không rơi vào tình cảnh như Nga, nhiều nước đã đa dạng hóa tiền tệ dự trữ ngoài đôla Mỹ.
Đây là khi vị thế tiền tệ dự trữ của Mỹ gặp vấn đề. Michael Hartnett – chiến lược gia tại Bank of America cho rằng việc vũ khí hóa đồng đôla có thể dẫn đến việc giảm vị thế. "Sự phân mảnh của hệ thống tài chính toàn cầu sẽ làm suy giảm vai trò tiền tệ dự trữ của Mỹ", ông nói.
Một nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận thấy tỷ trọng đồng đôla trong dự trữ quốc tế đã giảm từ 70% xuống 60% trong 2 thập kỷ qua cùng thời gian Mỹ bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố và áp đặt nhiều lệnh trừng phạt. Một phần tư mức giảm này là chuyển sang nhân dân tệ. Phần còn lại chuyển sang các tiền tệ nhỏ hơn.
"Việc này cho thấy hệ thống quốc tế đang dịch chuyển", Serkan Arslanalp, Barry Eichengreen và Chima Simpson-Bell – các tác giả của nghiên cứu – cảnh báo.
Nga và Trung Quốc cũng đang kỳ vọng can thiệp vào quá trình này. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 31/3 tuyên bố sẽ ngừng xuất khẩu khí đốt sang các nước "không thân thiện" nếu không mở tài khoản tại ngân hàng Nga và thanh toán bằng ruble. Liên minh châu Âu (EU) mua khoảng 40% khí đốt và 30% dầu tiêu thụ từ Nga. Và họ không có lựa chọn thay thế dễ dàng.
Saudi Arabia cũng đang đàm phán với Bắc Kinh về việc nhận nhân dân tệ thay vì đôla khi bán dầu cho Trung Quốc.
Phó Tổng giám đốc IMF Gita Gopinath tuần trước cũng cảnh báo các lệnh trừng phạt tài chính lên Nga sẽ khiến sự thống trị của đồng đôla giảm sút. Do nó khuyến khích các nhóm nước sử dụng tiền tệ khác.
"Đồng đôla vẫn sẽ là tiền tệ lớn của toàn cầu trong bối cảnh này. Tuy nhiên, sự phân mảnh ở mức độ nhỏ hơn là hoàn toàn có khả năng", bà cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times.
Gopinath cho biết việc sử dụng thêm các tiền tệ khác trong thương mại toàn cầu sẽ khiến tài sản dự trữ của các ngân hàng trung ương càng phân mảnh. "Các nước có xu hướng dự trữ đồng tiền dùng để trao đổi thương mại và vay nợ. Vì thế, xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra. Các đồng tiền khác sẽ dần đóng vai trò lớn hơn", bà nói.
2 năm qua đã dạy cho thế giới bài học rằng không gì là không thể. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ngôi vương của đồng đôla khó bị soán mất. Lý do đầu tiên là không có lựa chọn thay thế tốt.
Nga đã nỗ lực giảm phụ thuộc vào đồng đôla từ nhiều năm nay, sau khi bị Mỹ trừng phạt vì sáp nhập Crimea năm 2014. Tuy nhiên, khoảng 20% dự trữ ngoại hối của nước này vẫn là tài sản niêm yết bằng đôla Mỹ.
Trung Quốc nhiều năm nay thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Nhưng hiện đồng tiền này mới chỉ chiếm 3% thanh toán toàn cầu – khá thấp so với 40% của đồng đôla.
Mỹ vẫn là cái tên hấp dẫn với phần còn lại của thế giới. Thị trường chứng khoán nước này hiện lớn nhất và có thanh khoản cao nhất. Vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang chảy vào đây. Năm ngoái, FDI toàn cầu tăng 77% lên xấp xỉ 1.650 tỷ USD. Tuy nhiên, FDI vào Mỹ tăng 114% lên 323 tỷ USD, theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).
Gopinath cũng khẳng định sự thống trị của đồng đôla sẽ khó bị thách thức trong trung hạn. Nhân dân tệ chưa thể thay thế đôla Mỹ làm tiền tệ dự trữ thống trị trên toàn cầu. "Việc này đòi hỏi đồng tiền cần được tự do chuyển đổi hoàn toàn, có thị trường vốn mở và các tổ chức hỗ trợ. Quá trình này cần nhiều thời gian. Vì thế, đồng đôla chưa thể bị đe dọa", bà nói.