Đồng trũng hồi sinh từ bàn tay lao động

25/01/2016 09:12

Từ xa xưa, người nông dân luôn coi đồng ruộng là tài sản quý. Nhưng hiện nay, trước sự phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ, nhiều người không còn thiết tha với đồng ruộng.



Chị Dương thuê hơn 3 mẫu ruộng để trồng hoa, cho hiệu quả kinh tế cao


Chán ruộng

Khu đồng Cúc Tần và Sáu Đầu của thôn An Đông, xã An Bình (Nam Sách) là khu ruộng trũng, mương máng không thường xuyên được cải tạo, động mưa là ngập, chân ruộng xấu lại xa khu dân cư nên hiệu quả sản xuất không cao. Đến mùa thu hoạch, lúa gặt ra nhưng không xe nào dám xuống chở vì không có đường đi, bờ lại lầy lội. Bà Nguyễn Thị Út ở thôn An Đông có 1,3 sào ruộng ở khu đồng này nói: "Mươi năm trước, chúng tôi còn tranh nhau đấu thầu từng xá bừa ở những khu được bơm bùn giáp ao để cấy, duy trì một năm 2 vụ lúa mong có thêm mấy chục cân thóc. Nay thấy hiệu quả không cao bằng đi làm các việc khác, nhất là trong điều kiện làm ruộng nhiều khó khăn. Nếu tính toán kỹ, trừ tiền thuê máy cày, máy gặt, tiền phân bón... thì làm chẳng có công". Nhiều người cùng tâm trạng như bà Út nên họ không muốn cấy, dần dần có tới 4 lô ruộng liền nhau cùng nhiều ruộng lẻ khác nằm rải rác, tổng cộng 20 mẫu bị bỏ hoang, cỏ mọc lưng người.

Giáp với An Bình, cánh đồng thôn Đông Thôn của xã Quốc Tuấn vốn màu mỡ, người dân quanh năm duy trì 2 vụ lúa, 1 vụ màu nhưng nay nhiều người cũng chán ruộng, có ý định bỏ không. Bà Nguyễn Thị Ngát thôn Đông Thôn nói: "Tôi chỉ cấy hơn 1 sào để lấy gạo ăn, diện tích còn lại tôi cho người khác hoặc cho thuê. Tôi đi làm hương cũng được từ 3,5-4 triệu đồng/tháng".    

Những năm gần đây, người dân xã Quốc Tuấn chuyển mạnh sang các nghề như làm hương, làm bún, bánh... đem lại nguồn thu cao gấp nhiều lần so với làm ruộng. Mặt khác, các khu công nghiệp mọc lên cũng thu hút nguồn lao động đáng kể từ lĩnh vực nông nghiệp sang khiến ngày càng nhiều người dân bỏ ruộng để đi làm công việc khác.

"Tìm vàng" trong đất

"Cánh đồng cỏ mọc dại nay trở thành khu đồng lúa nếp, đến mùa thu hoạch cả cánh đồng phủ một màu vàng óng ả".

Trong khi nhiều người tìm nguồn thu nhập cao từ các công việc khác thì vẫn có những người nâng niu, trân trọng, "tìm vàng" trong từng tấc đất. Xót xa khi chứng kiến 20 mẫu ruộng trở thành bãi cỏ mênh mông, bà Đàm Thị Mài có nghề phụ làm hàng xáo ở thôn An Đông rủ thêm hàng xóm cùng cải tạo lại khu đồng, thuê máy cày, thợ cấy... đến mùa thu hoạch lấy công làm lãi, coi như mình mua được thóc rẻ. Bà Mài làm được 1,5 mẫu. Để có nước cấy, vợ chồng bà thuê người đào hơn 60 m mương. "Trước đây, nếu nhà nào phạt bờ quá tay để cấy thêm một hàng lúa là nhà bên cạnh có ý kiến ngay. Vì với người nông dân thì con trâu và mảnh ruộng là cả cơ nghiệp. Vậy mà nay ruộng đất lại bỏ không, thật phí của giời", bà Mài bảo.

Cùng với bà Mài còn có bà Nguyễn Thị Lý, ông Nguyễn Đình Thử cùng ở thôn Đa Đinh, ông Nguyễn Đình Chiến ở thôn An Đoài, ông Nguyễn Đình Lợi ở thôn An Đông đều ở xã An Bình và một số hộ khác cùng nhau canh tác hết số ruộng bỏ hoang. Nhận thấy khu đồng trũng dễ ngập nhưng hệ thống mương máng lại kém hiệu quả, mương cao hơn ruộng, các gia đình đã bảo nhau tập trung đào đắp lại hệ thống kênh mương. Đến nay, khu đồng có hệ thống mương máng chạy ngang dọc, kết nối với nhau như bàn cờ nên bà con dễ dàng lấy nước vào ruộng, tháo róc để chân ruộng khô, bờ cứng, thuận tiện cho máy vào gặt và đem thóc về.

Khó khăn nhiều nhưng càng làm càng thấy đất không phụ công người. Cánh đồng cỏ mọc dại nay trở thành khu đồng lúa nếp, đến mùa thu hoạch cả cánh đồng phủ một màu vàng óng ả. Nhìn bông lúa trĩu hạt, bà con thấy mát lòng. Vụ mùa vừa qua, trung bình mỗi gia đình thu hoạch hơn 1 tấn thóc nếp/mẫu. Với giá bán từ 16.000-17.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí mỗi gia đình thu lãi hơn 10 triệu đồng. Chưa kể vụ chiêm, các hộ bảo nhau cùng cấy giống Q5, mỗi nhà cũng thu lãi từ 7 - 15 triệu đồng/mẫu.

Khác với bà Mài và các hộ nông dân ở xã An Bình, chị Nguyễn Thị Dương ở thôn Đông Thôn, xã Quốc Tuấn vốn là một người buôn hoa nên chị đã vận động và thuê lại của bà con hơn 3 mẫu ruộng trên cánh đồng Đông Thôn để trồng hoa. Đây là nguồn hàng phong phú cho cửa hàng hoa tươi của chị và cung cấp cho các đại lý ở Nam Sách, Chí Linh. Quá trình vận động, thuê ruộng của bà con không khó, chị Dương chỉ phải chi 700.000 đồng/sào/năm. Diện tích trồng hoa của chị được chia thành 3 khu nhỏ, mỗi khu được quây kín bằng tre, nứa, phía trên có một lớp lưới đen để bảo vệ cho cây. Ngoài ra, hệ thống đèn điện thắp sáng cũng được bố trí đều khắp nhằm giữ nhiệt vào ban đêm, kích thích cây tăng trưởng. Chị Dương trồng nhiều loại hoa cúc vì cúc dễ chăm sóc và thông dụng. Ngoài ra, chị Dương cũng dành ra 5 sào trồng hoa ly, dơn. Trước đây, để cung cấp cho các đại lý 2 loại hoa này, chị phải nhập từ Đà Lạt về rất mất thời gian, nhiều khi bị nhỡ hàng. Hiện nay, chị Dương đã tự chủ động được nguồn hàng.

Theo chị Dương, trồng hoa còn vất vả hơn đi buôn: theo dõi lứa sâu, phun thuốc, tạo nhánh, tỉa nụ... "Lúc nào khu trồng hoa của nhà tôi cũng phải thuê từ 5-7 lao động nhưng tôi vẫn phải trực tiếp làm và hướng dẫn họ. Có hôm người làm đã về hết, mình tôi phun thuốc sâu, về đến nhà đã 11 giờ đêm". Trước đây chị đi buôn, chỉ bỏ tiền vốn, vất vả lúc sáng sớm lấy hàng và bán hàng, còn lại chiều đã được thảnh thơi tính lãi nhiều hay ít. Còn nay kham cả việc trồng hoa, chị hầu như không có thời gian rảnh. Tuy vất vả nhưng bù lại, sau khi trừ các chi phí, gia đình chị Dương thu lãi từ 5-7 triệu đồng/sào, cao hơn từ 2-3 lần cấy lúa. Bình quân mỗi năm gia đình chị Dương  thu lãi từ 150-210 triệu đồng.

Trong bối cảnh kinh tế phát triển, người nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng như trước, tình trạng bỏ ruộng xảy ra không còn hiếm. Đất bị bỏ hoang lâu ngày, không được cải tạo thường xuyên sẽ dẫn đến chai cứng và bạc màu, làm suy giảm chất lượng đất, khả năng phục hồi độ màu mỡ kém. Chính vì vậy, ngoài việc người dân chủ động tìm tòi những cách làm mới, tìm các giống cây trồng phù hợp, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng cần có những biện pháp lâu dài giúp người nông dân tạo ra giá trị kinh tế cao trên mảnh ruộng của mình để họ thực sự gắn bó với ruộng đất, không để đất bỏ hoang.

LÊ HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng trũng hồi sinh từ bàn tay lao động