Cầu Phước Khánh vượt sông Lòng Tàu vừa được động thổ sáng 18-7 có độ tĩnh không thông thuyền cao nhất Việt Nam (55 m).
Nhân, vật lực đã sẵn sàng để xây cầu Phước Khánh
Sáng 18-7, tại ấp Bình Thuận (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tổ chức lễ động thổ gói thầu J3 (xây dựng cầu Phước Khánh và cầu cạn nối huyện Cần Giờ, TPHCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Cầu Phước Khánh dài 3,18 m, rộng 21,75m có kết cấu dây văng và cầu dẫn phía Tây, khẩu độ chính của cầu dài 300 m, trụ chính cao 135m với độ tĩnh không thông thuyền lên tới 55 m, cao hơn cầu Phú Mỹ 10 m. Nhà thầu thực hiện là liên danh Sumimoto Mitsui và Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4). Tổng giá trị gói thầu là trên 2.844 tỷ đồng và gần 4 tỷ Yên Nhật. Thời gian thi công gói thầu là 42 tháng.
Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng chiều dài 57,1 km đi qua các tỉnh Long An, TPHCM, Đồng Nai. Dự án đường thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, gồm 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc 100km/h.
Phối cảnh cầu Phước Khánh
Do dự án đi qua vùng địa chất yếu nên phải xây dựng hơn 20km cầu cạn, trong đó có hai cầu dây văng lớn là cầu Bình Khánh (qua sông Soài Rạp) và cầu Phước Khánh. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là trên 31.320 tỷ đồng.
Dự án này sau khi hoàn thành sẽ giúp kết nối giao thông vùng miền Tây và Đông Nam Bộ mà không phải đi qua TP Hồ Chí Minh, kết nối với hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành và cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, trở thành một phần của hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng từ Bangkok qua Phnôm Pênh, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu.
Theo Tiền phong