Danh tướng thuỷ quân thời Trần - Yết Kiêu đã lập nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược.
Trung thành bậc nhất
Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, sinh ngày 13/2 năm Nhâm Dần (1242) trong một gia đình ngư dân nghèo ở vùng sông nước thuộc ấp Hạ Bì, huyện Trường Tân, lộ Hồng (nay là thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, Gia Lộc, Hải Dương). Sinh sống bằng nghề chài lưới nên Yết Kiêu giỏi bơi lặn, thuộc quy luật nước thuỷ triều lên xuống.
Với tài dùng người, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã nhận ra tố chất của Yết Kiêu rồi tiến cử cho triều đình. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 và 3, Yết Kiêu xả thân cứu chủ tướng thoát khỏi vòng vây của giặc và tham gia nhiều trận lớn đánh bại Ô Mã Nhi, Toa Đô, mưu trí bắt sống Phạm Nhan.
Năm 1285, quân Nguyên Mông ồ ạt kéo sang xâm lược nước ta lần thứ 2. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi lại rằng: Khi quân Nguyên Mông tới, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân, Dã Tượng đi theo. Đến lúc quan quân thu trận, thuỷ quân tan cả, Hưng Đạo vương định rút theo lối chân núi, Dã Tượng nói: “Yết Kiêu chưa thấy Đại vương thì nhất định không dời thuyền”. Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn ở đó. Vương mừng lắm, nói: “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi”.
Mưu trí
Bấy giờ, giặc Nguyên Mông kéo mấy trăm chiếc thuyền theo đường biển vào đánh cướp Đại Việt. Yết Kiêu không quản mùa đông giá rét, đêm đêm lặn xuống biển, nằm dưới đáy thuyền, lấy dùi sắt nhọn đục thủng thuyền. Thuyền giặc bị nước chảy vào, chìm ngay. Quân giặc sợ lắm. Lúc đầu chúng không hiểu vì lẽ gì. Sau giặc chăng lưới vây bắt được Yết Kiêu. Chúng hỏi ông: “Nước mày có bao nhiêu người có tài bơi lặn như mày?”. Ông đáp: “Nước Nam có rất nhiều người có tài bơi lặn như tôi. Hiện nay, họ vẫn ẩn nấp ở dưới biển để đục thuyền, chỉ một mình tôi chẳng may bị bắt. Nếu các ông tha tôi ra tôi sẽ dẫn các ông đến chỗ họ ẩn nấp, tha hồ cho các ông bắt”. Bọn giặc hí hửng, chúng lấy một chiếc thuyền nhẹ chở ông đi. Thừa lúc giặc sơ ý, ông nhảy tùm xuống nước, lặn trốn về, tiếp tục cùng quân dân ta đánh giặc cứu nước. Quân giặc đành trơ mắt nhìn nhau căm tức.
Một lần Yết Kiêu đem một toán quân đến mai phục trong bụi lau sậy ven bờ sông, nơi đoàn thuyền giặc Nguyên Mông đậu. Rồi một mình ông dùng chiếc khoan nhọn, khoan các đáy thuyền của chúng. Cứ khoan xong một lỗ, ông lại lấy giẻ đút nút dùng dây một đầu buộc vào nút giẻ đầu kia giòng lên bờ chờ cho giặc ngủ say, ông giật các đầu dây, nước ùa vào thuyền. Bọn giặc tỉnh dậy nhốn nháo. Yết Kiêu cho hiệu nổi quân reo. Còn ông nhảy lên thuyền túm cổ tên tướng Phạm Nhan lôi tuột xuống sông, kéo hắn vào bờ. Trận đánh kết thúc, nghĩa quân toàn thắng, Phạm Nhan bị chém đầu tại bãi bơi Kiếp Bạc. Vì thế, vua Trần thăng cho Yết Kiêu chức "Đệ nhất bộ đô soái thủy quân".
Sau khi ông mất, được ban tặng chức Đại vương, phong làm Phúc thần. Vua Trần truyền lập đền thờ ông ở bờ sông làng Hạ Bì quê ông (tên nôm là làng Quát). Hội đền Quát được tổ chức hằng năm vào ngày 15/8 âm lịch để tưởng nhớ Yết Kiêu. Lễ hội có tục bơi thuyền chải nam, nữ rất sôi động ngay trên dòng sông trước cửa đền.
Kỳ sau: Hùng khí lưu truyền
NGUYỄN THẢO