Tiếp theo chuyên đề về dòng sông khát vọng, trường đoạn Dòng sông dậy sóng gồm 3 bài: Vạn Kiếp oai hùng, Yết Kiêu-Đệ nhất đô soái thủy quân, Hùng khí lưu truyền.
Trải qua hàng nghìn năm, Vạn Kiếp (còn có tên gọi Kiếp Bạc) ở TP Chí Linh (Hải Dương) đã trở thành địa danh lịch sử ghi dấu bao chiến công oai hùng của dân tộc, gắn với tên tuổi của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Vị trí trọng yếu
Kiếp Bạc có núi Rồng hình tay ngai, bao bọc những thung lũng của sông Thương ăn sâu vào hẻm núi, có thể tập kết hàng nghìn chiến thuyền trước khi xung trận. Phía Bắc là hệ thống núi rừng trùng điệp, nơi có thể giấu hàng vạn quân, lập căn cứ an toàn. Phía nam có làng mạc trù phú, lắm của nhiều người, là nguồn cung cấp nhân lực, vật lực to lớn cho chiến tranh. Từ trên các đỉnh núi có thể quan sát cả một vùng sông nước bao la, tạo thế "tiền công hậu thủ", trở thành trọng địa quân sự.
Cùng với đó, sông Lục Đầu (còn gọi là sông Bình Giang hay Bình Than) là đoạn cuối sông Thương dài hơn 10 km, chỗ rộng nhất hơn 1 km chảy sát qua mé tây nam đất Vạn Kiếp là nơi hợp lưu của 6 con sông gồm sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Thái Bình và sông Kinh Thầy. Do đó, Vạn Kiếp có vai trò quan trọng về giao thông, phục vụ giao thương kinh tế, chính trị và quân sự của cả vùng Đông Bắc. Với vị trí địa chính trị quan trọng nên trong các cuộc hành binh xâm lược của phương Bắc, chúng thường đi đường thuỷ vào sông Bạch Đằng rồi ngược vào sông Kinh Thầy, tập kết ở sông Lục Đầu trước khi tấn công vào Thăng Long cùng với cánh quân bộ từ Lạng Sơn xuống. Với vị thế quân sự trọng yếu đó, suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, sông Lục Đầu luôn là điểm quyết chiến chiến lược, căn cứ quân sự chốt giữ ở phía đông bắc kinh đô Thăng Long.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông cuối thế kỷ XIII, sông Lục Đầu là nơi diễn ra những trận thuỷ chiến dữ dội giữa ta và địch, cùng Hội nghị quân sự Bình Than của nhà Trần.
Sau kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Vương) đã về Kiếp Bạc đóng đại bản doanh vì ông nhận thấy đây là nơi giặc Bắc tập kết để tấn công vào Thăng Long. Kiếp Bạc có thể di chuyển, điều động quân tiến thoái, đều thuận lợi theo hai đường thủy và bộ.
Nỗi khiếp đảm của quân Nguyên Mông
Trong cuộc kháng chiến thần thánh của quân và dân nhà Trần chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2 và 3, Vạn Kiếp trở thành khu vực giao tranh ác liệt của hai bên, trở thành nỗi khiếp đảm của quân giặc.
Tháng 2/1285 (cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2), sau trận giao chiến quyết liệt với quân Nguyên Mông ở ải Nội Bàng (Bắc Giang), Trần Hưng Đạo lui về Vạn Kiếp. Tại đây, ông đã tập trung binh lực rất lớn.
Dựa vào địa thế vùng này, Trần Hưng Đạo đã bố trí một phòng tuyến lớn trên sông Lục Đầu. Ông cho đóng quân ở Vạn Kiếp và một số địa điểm khác dựa vào thế núi ở tả ngạn sông Lục Đầu, ở hữu ngạn quân ta còn đóng tại núi Phả Lại (huyện Quế Võ, Bắc Ninh).
Hưng Đạo Vương đem hơn 1.000 chiến thuyền bày trận "dực thuỷ" cách Vạn Kiếp mười dặm ở khu cửa sông Đuống thông với sông Lục Đầu. Quân thuỷ nhà Trần dựa vào bãi nổi Đại Than xây dựng một hệ thống phòng thủ kiên cố, có thuyền chiến kết hợp cọc gỗ giữa sông. Trên bờ, rào gỗ được dựng lên làm chiến luỹ. Sau chiến luỹ, các cỗ pháo đã chuẩn bị sẵn sàng bắn vào quân giặc. Qua việc tập trung quân cũng như cách bố phòng ở Vạn Kiếp - Lục Đầu, có thể thấy Hưng Đạo Đại vương quyết tâm thực hiện một trận quyết chiến ở đây để chặn đứng bước tiến của quân thù.
Ngày 11/2/1285, Ô Mã Nhi chia quân tấn công vào các căn cứ của quân ta ở Vạn Kiếp và núi Phả Lại. Một cuộc chiến đấu ác liệt đã xảy ra trên phòng tuyến sông Lục Đầu, kéo dài 4 ngày liên tục. Trước thế quân giặc rất mạnh, quân dân nhà Trần tạm thời rút khỏi Vạn Kiếp chờ thời.
Tháng 6/1285, nhằm tiêu diệt đội quân chủ lực do Thoát Hoan cầm đầu trên đường rút chạy khỏi Đại Việt, Trần Hưng Đạo quyết định chọn Vạn Kiếp-Lục Đầu làm nơi quyết chiến chiến lược. Tại đây, ông đã giao Phạm Ngũ Lão thống lĩnh trên 3 vạn quân chủ lực cùng quân và dân địa phương lập trận địa mai phục kéo dài gần 13 km từ Phả Lại đến Vạn Kiếp. Khi quân Nguyên Mông đến đã trúng phải phục kích và phản công của quân dân nhà Trần, bị chết quá một nửa. Dòng sông Lục Đầu, cánh đồng Vạn Kiếp biến thành nấm mồ khổng lồ chôn vùi đoàn quân xâm lược. Cũng từ việc phản kích ác liệt trên, Thoát Hoan đã phải chui vào ống đồng mới thoát chết để về nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ III (năm 1287 - 1288), nhận thấy vai trò quan trọng của khu vực Vạn Kiếp, Thoát Hoan đã chiếm đóng vùng Vạn Kiếp-Lục Đầu, biến nơi này thành căn cứ vững chắc rồi mới tiến quân. Sau khi chiếm được kinh thành Thăng Long, quân Thoát Hoan đã dần suy yếu do đội quân vận chuyển lương thực bị đánh tan tác, thiếu lương thực, nhiều người mắc bệnh tật và gặp sự truy kích mạnh mẽ của quân dân nhà Trần.
Ngày 30/3/1288, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đem thuỷ quân theo sông Lục Đầu ra cửa Bạch Đằng để về nước. Trên đường tháo chạy từ Vạn Kiếp-Bạch Đằng chưa đầy 30 km nhưng quân Nguyên Mông phải đến ngày 9/4/1288 mới đến được Bạch Đằng. Trên quãng đường di chuyển này, quân ta bố trí nhiều trận địa mai phục để tiêu hao sinh lực địch.
Các trận chiến ở Vạn Kiếp đã góp phần quan trọng tiêu diệt binh lực địch để quân ta ca khúc khải hoàn ở trận đại chiến trên sông Bạch Đằng, chính thức quét sạch quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi, bước vào thời kỳ xây dựng nền tự chủ, tự cường phồn thịnh.
Đôi câu đối hiện nay ở đền Kiếp Bạc đã nói lên hồn cốt của Vạn Kiếp trong lịch sử oai hùng của dân tộc: "Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí/Lục Đầu vô thủy bất thu thanh", dịch nghĩa: Núi Vạn Kiếp chỗ nào cũng có hơi kiếm (bốc tỏa lên)/ Sông Lục Đầu không có sóng nào là không có tiếng thu (gầm thét vang).
Kỳ sau: Yết Kiêu-Đệ nhất đô soái thủy quân
DANH TRUNG