Sau khi mất gần một nửa giá trị vào tháng 3 do các lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng tiền ruble của Nga đã phục hồi bất thường, tăng lên mức chưa từng thấy trong hơn hai năm qua.
Đồng tiền ruble của Nga tại thủ đô Moskva ngày 24.3.2022
Theo đài RT, ông Sergey Kopylov, đối tác của công ty tư vấn BSC và là nhà nghiên cứu chính tại Đại học Kinh tế Nga Plekhanov, đã lý giải về khả năng phục hồi của đồng ruble.
Theo nhà nghiên cứu này, phương Tây đã vi phạm về nghĩa vụ đối với Nga khi đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga. Ông nói: “Đây là hành vi kiểu như tẩy chay khi bãi bỏ các quy tắc của quan hệ tài chính quốc tế dựa trên tổng mức hoán đổi hoàn vốn toàn cầu, phân bổ lại rủi ro, bảo đảm quyền tài sản và phân phối quyền sở hữu”.
Chính những quy tắc này đã xác định tỷ giá hối đoái cũ của đồng ruble và các phương pháp tiếp cận mà chúng ta đã quen thuộc, thế những những quy tắc đó không còn được áp dụng nữa.
Theo ông Kopylov, đồng ruble mạnh lên là do đồng ruble hiện nay hoàn toàn dựa vào xuất khẩu và nhập khẩu. Giá trị của đồng tiền này được xác định theo sức mua tương đương (PPP). Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính PPP của đồng tiền Nga vào cuối năm 2021 là 29,127 ruble trên 1 USD. Theo Chỉ số Big Mac, tỷ giá đó đứng ở mức 23,24 ruble đổi 1 USD.
Chuyên gia Kopylov cũng lưu ý rằng trước khi có các lệnh trừng phạt, sự suy yếu giả tạo của đồng tiền Nga là do dòng vốn chảy ra. Như vậy, vào năm 2021, xuất khẩu ròng (xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vượt quá nhập khẩu) lên tới 122 tỷ USD. Ông nói, số tiền thu được từ ngoại hối đó được sử dụng để mua tài sản nước ngoài.
Ông Kopylov cho biết: Vào thời điểm xảy ra các lệnh trừng phạt và phương Tây vi phạm các nghĩa vụ tài chính đối với Nga, dòng chảy này đã trở nên bất khả thi. Do đó, con số 58 tỷ USD mà nền kinh tế Nga nhận được trong quý đầu tiên đã gây áp lực tăng giá của đồng ruble.
Ông Kopylov kết luận: “Đánh giá của các chuyên gia cho thấy trong những điều kiện này, đồng ruble có thể mạnh lên ở mức 45-50 ruble đổi 1 USD nếu không có sự điều chỉnh trong chính sách tiền tệ”.
Đồng tiền của Nga đã được giao dịch quanh mức 69 ruble đổi 1 USD vào ngày 6.5. Trước đó, ngày 5.5, giá trị đồng ruble của Nga so với đồng USD đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3.2020 nhờ sự hỗ trợ từ các biện pháp kiểm soát vốn.
Đồng ruble (phải) và biểu tượng hệ thống thanh toán quốc tế Mir của Nga trên một thẻ ngân hàng ở Moskva ngày 14.3.2022
Cụ thể, vào đầu phiên giao dịch trên sàn giao dịch Moskva, đồng ruble được giao dịch ở mức 65,31 ruble/1 USD. Đến 13 giờ 39' giờ GMT (20h39' theo giờ Việt Nam), tỷ giá 1 USD đổi được 66,14 ruble, mạnh hơn 0,2% so với mức đóng cửa trong phiên giao dịch trước đó một ngày. Mức cao nhất ghi nhận được trong phiên sáng 5.5 là mức chưa từng thấy kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
So với đồng euro, đồng ruble cũng mạnh hơn 0,3%, giao dịch ở mức 70,20 ruble/1 euro, mức cao nhất kể từ tháng 2.2020.
Đồng ruble đã tăng giá trong vài tuần qua nhờ các công ty chuyên xuất khẩu bắt buộc phải chuyển đổi ngoại tệ. Ngoài ra, nhu cầu đối với đồng USD và euro suy yếu trong bối cảnh nhập khẩu suy giảm và các hạn chế đối với các giao dịch xuyên biên giới cũng góp phần khiến giá trị đồng ruble so với đồng USD và euro đi lên.
Thị trường đang hướng chú ý vào các biện pháp trừng phạt mới dự kiến của phương Tây nhằm vào Nga, bao gồm cả lệnh cấm vận dầu mỏ. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất cấm vận dầu mỏ từng bước, cũng như trừng phạt các ngân hàng lớn của Nga và cấm các hãng truyền thông Nga phát sóng tại châu Âu.
Theo báo Tin tức