Đồng quê ngan ngát hương sen

10/07/2010 06:26


Ban mai trời trong veo, mọi vật vừa thức giấc, thoảng nhẹ, từ ngoài cánh đồng, một mùi thơm ngan ngát bay vào xóm. Cái mùi thơm mang mác khiến người ta thấy lâng lâng như chứa đầy lồng ngực một cảm giác không gian của hương đồng gió nội mà lòng thêm rạo rực. Cái cảm giác ấy chỉ có được ở một vùng thôn quê nơi có những đầm sen ngát hương.

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Sen ở Việt Nam, ta còn gọi là sen Việt. Khắp cõi trong Nam, ngoài Bắc nơi đâu có đầm, có hồ, có ao, có mương là nơi ấy có sen. Sen là tượng trưng cho loài cây hoa có sức sống thật diệu kỳ.

Rễ sen trắng ngần, nhưng có thể xuyên sâu xuống lớp bùn. Người ta chỉ cần vài ngó sen cắm xuống lòng ao hồ, chỉ năm sau, sen đã toả khắp mặt nước xanh rờn. Và rồi, đến tuần sau nữa màu hồng của hoa đã bắt đầu rung rinh dưới nắng và đây đó trong đầm đã ngạt ngào hương bay.

Sức sống của sen nằm cả ở bốn mùa. Như một quy luật của thiên nhiên ''Sen tàn cúc lại nở hoa. Tình dài ngày ngắn đông đà sang xuân'' (Kiều -  Nguyễn Du). Cuối thu và cả mùa đông lá tàn, sen tạm ngủ yên dưới bùn, chờ cho mùa xuân, ngó sen bắt đầu nảy mầm rừng rực dưới lớp bùn sâu, để đến đầu hè những cọng lá xanh bắt đầu ngoi lên mặt nước. Bẵng đi ít ngày nhìn lại, đã thấy sen lan toả ra mênh mông xanh ngắt cả một vùng. Giữa hè hoa sen bắt đầu vươn lên thành búp hồng ngời ngợi giữa đầm sen. Khi sen ở vào độ hoa, người ta bắt đầu ngắt bông, xếp đầy lên thuyền, lên mủng chuẩn bị cho buổi chợ sớm mai. Cuối hè hoa sen bắt đầu kết hạt. Trong vòng 45 ngày sen chín, người ta đem về tách hạt, bóc vỏ, phơi khô rồi chứa vào ang vào vại.

Theo thống kê, sen Việt không dưới 10 loài: sen hồng, sen trắng, sen vàng, sen cạn, sen chiêm, sen mùa... Song tất cả đều chung một dáng: cọng thẳng, lá to, cánh hoa mỏng tang, xếp thành những đài, nhị vàng và có hương thơm mang mác.

Cây sen từ rễ cho đến hạt, bất kể thứ gì trong nó đều là thuốc quý. Không những vậy, sen còn là thức ăn ngon trong bữa ăn hằng ngày. Hạt sen, đỗ đen, bột gạo, thêm ít đường kính đồ lên là có ngay một thứ chè sen đặc sản rồi. Ngày xưa có lạng mứt sen để lên bàn thờ chiều 30 tết, thắp nén nhang thơm đã thấy hương vị tết ấm cúng. Cái mùi ngầy ngậy thơm của bọc cốm lá sen sao mà đằm thắm và thương nhớ đồng quê đến lạ lùng.

Tính thuần khiết, tao nhã vào cao dung của sen đã được đạo Phật đón lấy từ rất xa xưa. Tượng phật ngồi trên đài sen là tượng trưng cho cõi vô biên trời đất. Những thép đài sen, trụ sen, là dáng vũ trụ vĩnh hằng nơi cửa Phật, là sự thanh khiết, ước vọng, bám sâu vào lòng đất vươn lên giữa trời cao. Hoa sen vẫn là cái gì đó ẩn chứa một miền tin đức độ, một sự thanh cao. Vì vậy ai vào cửa chùa cũng sùng kính dâng lên đó những đoá sen còn thơm ngát.

Sen với người, người với sen đẹp trong ngời ngợi. Sức sống cao thượng, thuần khiết và cả cái triết lý đức độ ẩn chứa bên trong đã tạo cho sen mãi mãi là loài hoa không thể lụi tàn. Vì thế sen là loài hoa không có cái gì sánh nổi. Chỉ có tên Cụ Hồ mới được ví như hoa sen để tỏ lòng thành kính thương yêu:

Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ


Sáng nay, sương mát lạnh, hương sen ngan ngát đồng quê. Cái hồn quê và hương sen chẳng thể bao giờ mất đi giữa lòng đất Việt…

Tản bút của TIÊU HÀ MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng quê ngan ngát hương sen