Đống Phú không sinh con thứ 3

14/03/2013 10:00

Trong khi ở nhiều nơi tình trạng sinh con thứ 3 diễn ra khá phổ biến, thì ở thôn Đống Phú, xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ), hơn 10 năm nay không có người sinh con thứ ba.


Cộng tác viên dân số thôn Đống Phú thường xuyên đến từng gia đình tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ

Người dân ở đây, từ già tới trẻ đều có nhận thức đúng đắn về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), góp phần nâng cao đời sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Vợ chồng anh Bùi Viết Hạnh (40 tuổi) và chị Phùng Thị Tuyết (32 tuổi) sinh được 2 con gái, cháu lớn học lớp 1, cháu thứ hai đang học mẫu giáo. Mặc dù sinh con một bề, anh Hạnh lại là con trai duy nhất, song vợ chồng anh vẫn quyết định sẽ không sinh thêm con. Anh Hạnh tâm sự: "Nhiều người ở ngoài cứ châm chọc, bảo tôi không biết đẻ con trai. Có người khuyên, hai vợ chồng không làm trong cơ quan nhà nước thì cứ cố đẻ lấy cậu con trai để sau này có người "nối dõi tông đường", nhưng vợ chồng tôi quyết sẽ không đẻ thêm. Chúng tôi đều làm công nhân, thu nhập mỗi tháng chỉ được vài triệu đồng, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nuôi 2 con ăn học đã vất vả, giờ sinh thêm đứa nữa biết lấy gì nuôi nó. Tôi muốn dừng lại ở hai con để có điều kiện nuôi dạy các cháu tốt nhất...". Bác Trần Thị Tuyền (67 tuổi), mẹ của anh Hạnh cho biết: "Tôi vẫn bảo các cháu đừng có đẻ thêm con làm gì cho vất vả. Nhà tôi không quan niệm cứ phải có người nối dõi tông đường. Quan trọng nhất là được thấy gia đình các con hạnh phúc, yêu thương nhau, các cháu khỏe mạnh, học hành đầy đủ, tiến bộ là vui lắm rồi...".

Ở cùng thôn, vợ chồng anh Đoàn Huy Trường (37 tuổi) và chị Trần Thị Giang (30 tuổi) cũng sinh con một bề là nữ nhưng cũng quyết tâm không sinh con thứ 3. Chị Giang bảo: "Mẹ chồng em cũng muốn chúng em sinh thêm cháu thứ 3 để kiếm cậu con trai. Chúng em đã nói chuyện mong mẹ thông cảm cho điều kiện kinh tế còn khó khăn, nếu sinh thêm sẽ không chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu đàng hoàng. Các bác ở Chi hội Phụ nữ thôn cũng tham gia nên mẹ đã nghe ra, vui vẻ...".

Từ năm 2002 đến nay, thôn Đống Phú không có trường hợp nào sinh con thứ 3. Ông Đoàn Huy Vị, Trưởng thôn cho biết: Để có được kết quả này, Chi bộ thôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ, coi việc thực hiện đầy đủ các chính sách về dân số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Hằng năm, thôn giao cho các chi hội, đoàn thể, đặc biệt là Chi hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn thanh niên đi đầu trong việc tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân về công tác DS-KHHGĐ. Việc lồng ghép tuyên truyền không sinh con thứ 3 được các chi hội, đoàn thể áp dụng linh hoạt qua các buổi họp giao ban, sinh hoạt chi hội, sơ, tổng kết hoặc trên hệ thống loa truyền thanh. Do các thông tin về chính sách DS-KHHGĐ được truyền tải liên tục nên đã giúp nhân dân nâng cao nhận thức, thấy rõ được thực tiễn của cuộc sống, từ đó chấp hành tốt công tác dân số.

Chị Đoàn Thị Linh, cộng tác viên dân số thôn Đống Phú cho biết, thôn hiện có 70 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Để thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, chúng tôi luôn bám sát địa bàn được phân công, thường xuyên gặp gỡ các cặp vợ chồng để tìm hiểu, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, phân tích để họ thấy được những hậu quả của việc sinh con thứ 3 như: làm cuộc sống khó khăn, con cái đói kém, thua thiệt người khác và không có điều kiện được học tập, trở thành gánh nặng của xã hội... Đồng thời, cung cấp đầy đủ tài liệu, tư vấn, hướng dẫn các biện pháp tránh thai hiệu quả, an toàn, phù hợp cho từng cặp vợ chồng.

Thôn Đống Phú có 120 hộ dân với 380 nhân khẩu. Nhân dân trong thôn chủ yếu sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ, lẻ. Song nhờ thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ nên đã góp phần làm cho đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, kinh tế - xã hội địa phương có nhiều khởi sắc. Hiện tại, tỷ lệ hộ khá và giàu trong thôn đạt 69%, hộ nghèo giảm còn 8,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 17,15 triệu đồng/năm (tăng 4 triệu đồng so với năm 2006); số nhà kiên cố, cao tầng chiếm trên 80%, không còn nhà tranh tre, dột nát; 100% đường trong làng và trên 50% đường ra đồng đã được trải bê-tông. Kể từ khi được công nhận là làng văn hóa đến nay (năm 2005), thôn luôn giữ vững danh hiệu này.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đống Phú không sinh con thứ 3