Đó là dòng họ Nhữ ở thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học (Bình Giang).
Dòng họ Nhữ còn giữ được 31 đạo sắc phong của các triều đại
Trong khoảng 150 năm ở thời phong kiến, dòng họ này có tới 5 người ruột thịt đỗ đại khoa (tiến sĩ). Ngoài ra còn có hơn 20 người đỗ trung khoa từng làm quan huyện, tri phủ ở các miền.
Truyền thống khoa bảngLàng Vạc có hơn 4.000 dân thì có tới trên 1.400 người mang họ Nhữ. Theo gia phả, họ Nhữ phát tích từ thôn An Tử Hạ, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Cụ thủy tổ là Nhữ Văn Lan (sinh năm 1443, đậu tiến sĩ khoa thi Quý Mùi 1463) làm quan dưới triều Lê Thánh Tông. Trong 40 năm làm quan, ông từng đảm nhiệm đến chức Thượng thư Bộ Hộ. Ông chính là ông ngoại của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một danh nhân văn hóa. Các tài liệu nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm đều nhắc đến ảnh hưởng của thân mẫu Nhữ Thị Thục và ông ngoại Nhữ Văn Lan. Dòng họ Nhữ có mặt tại làng Hoạch Trạch (nay là xã Thái Học, huyện Bình Giang) khi người con trai thứ hai của tiến sĩ Nhữ Văn Lan là Nhữ Huyền Minh làm Tri huyện Lục Ngạn di cư về đây. Nhiều đời về sau, họ Nhữ không ngừng lớn mạnh và phát đường khoa bảng.
Người thứ nhất là tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng sinh năm 1623. Năm 42 tuổi, ông thi đỗ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn (1664), làm quan tới chức Lễ bộ cấp sự trung. Sinh thời vốn là người chất phác thuần hậu, học giỏi, làm quan khiêm nhường, hay giúp đỡ những người khó khăn do vậy ông được mọi người kính trọng.
Tiến sĩ Nhữ Đình Hiền sinh năm 1659, là con trai tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng. Ông vốn là con người thông minh, mới 17 tuổi đã thi đỗ Hương cống, năm 21 tuổi đỗ tam giáp đồng tiến sĩ khoa thi Canh Thân (1680). Trong 36 năm làm quan dưới triều vua Lê Hy Tông, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau: Hàn lâm viện hiệu thảo, Binh khoa cấp sự trung, Hình bộ Tả thị lang, Hình bộ Thượng thư, Bồi tụng Ngự sử đài… Ở mỗi cương vị ông luôn là một đại quan thanh liêm, chính trực. Khi còn giữ chức Hình bộ Ngự sử đài, đi đến đâu ông cũng điều tra tìm hiểu ngọn ngành những oan khuất của dân tình. Sử sách còn ghi lại nhiều vụ sử kiện công minh của ông như: vụ án “thóc nảy mầm”, vụ xử gian tăng ở chân tháp Phù Đồ… Người thời đó từng có lời ca ngợi: “Văn chương Lê Anh Tuấn/Chính sự Nhữ Đình Hiền”.
Tiến sĩ Nhữ Trọng Đài, sinh năm 1696, năm 38 tuổi đã thi đỗ đình nguyên đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhị danh (bảng nhãn) khóa Quý Sửu (1733), làm quan đến chức Hiến sát sứ.
Tiến sĩ Nhữ Đình Toản là con tiến sĩ Nhữ Đình Hiền. Nhữ Đình Toản tuổi trẻ thông minh, do năm 18 tuổi làm văn mắc lỗi nên năm 26 tuổi mới được đi thi. Năm 1736 đời Lê Ý Tông, ông đỗ hội nguyên tiến sĩ. Đầu thời Lê Hiển Tông, ông từ chức Tự khanh được thăng lên làm Tham tụng. Lúc đó Đàng Ngoài có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, Nhữ Đình Toản cùng 2 vị lão thần được giao việc nội trị. Ông được chúa Trịnh Doanh yêu mến, cho đổi tên là Công Toản. Năm 1751, ông tham gia hiệu đính quyển sách Bách khoa chức chưởng, được người đương thời khen ngợi. Nhữ Công Toản đề nghị khôi phục lại nếp văn chương thời Hồng Đức, các kỳ thi hương, thi hội đều dùng văn chương giản dị, bỏ lối viết vụn vặt. Nhữ Công Toản làm Tể tướng hơn 10 năm, sau vì muốn tránh nơi quyền thế nên xin đổi sang chức võ. Khi về hưu, ông được ban danh hiệu Quốc lão. Năm 1773, Nhữ Đình Toản qua đời, được truy tặng làm Thái bảo.
Tiến sĩ Nhữ Công Chấn, chắt nội cụ Nhữ Tiến Dụng, sinh năm 1751, năm 22 tuổi thi đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn (1772), làm quan tới chức Hàn lâm thị chế, Lễ bộ Hữu thị lang.
Dẫn chúng tôi ra cánh đồng thăm mộ tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng, ông Nhữ Đình Hoạch, trưởng dòng họ Nhữ cho biết: Tên các vị tiến sĩ dòng họ Nhữ đã được ghi trên bia Văn miếu Quốc Tử Giám. Hiện mộ của các vị tiến sĩ vẫn được con cháu trông nom và dòng họ Nhữ còn giữ được 31 đạo sắc phong của các triều đại. Phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, hằng năm dòng họ Nhữ có khoảng 10 cháu thi đỗ vào các trường đại học. Nhiều người noi gương ông cha có bằng tiến sĩ, thạc sĩ.
Ông tổ nghề lược Vạc Trong các ông tiến sĩ họ Nhữ có một vị được người làng Vạc, xã Thái Học (Bình Giang) coi là ân nhân, tôn là ông tổ nghề đó là tiến sĩ Nhữ Đình Hiền. Chuyện kể, trong những năm đi sứ Trung Quốc (1697-1700) để đàm đạo việc đất đai biên giới, ông đối đáp thông minh khiến triều Thanh nể trọng, đồng ý trả lại vùng biên cương bị lấn chiếm. Với những công lao đó, ông được triều đình nhà Lê phong “Thái bảo, Thái phó thọ quận công Trượng trụ quốc”.
Cũng lần đi sứ ấy, ông đã học nghề làm lược bí rồi về truyền lại cho người dân quê hương. Trải qua nhiều thế kỷ, nghề lược được duy trì, phát triển, trở thành nghề thủ công độc đáo của làng. Năm 2009, nghề sản xuất lược tre thôn Hoạch Trạch đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề. Cũng nhờ lược tre, nhiều gia đình nông dân nghèo đã trở nên giàu có, xây được nhà cửa khang trang. Ngày nay, tuy nghề lược đã mai một song trong làng vẫn còn một số gia đình làm nghề. Nhớ ơn người đã mang nghề về làng, nhân dân thôn Hoạch Trạch đã tôn ông làm tổ nghề. Tháng 2-1993, nhà thờ họ Nhữ đã được chọn thờ ông tổ nghề làm lược và được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đền thờ tổ nghề lược Nhữ Đình Hiền nằm ở thôn Sồi Tó, xã Thái Học (Bình Giang). Ngôi đền có 3 gian tiền tế, 3 gian hậu cung. Phía trước có con sông nhỏ chảy qua. Tuy nhiên, theo ông Nhữ Đình Hoạch, trưởng dòng họ Nhữ thì diện tích đất đền thờ đang bị xâm lấn. Dòng họ Nhữ đã đề nghị UBND xã Thái Học sớm giải quyết tình trạng vi phạm để trả lại sự tôn nghiêm cho di tích, giá trị tâm linh, cảnh quan văn hóa và sự an toàn của công trình.
NGỌC HÙNG