Các hội viên trong CLB làm kinh tế thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ nhau về giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi, đầu ra cho sản phẩm...
Mỗi năm gia đình anh Vũ Quang Tiến ở thôn Thọ Chương, xã Lam Sơn (Thanh Miện)
thu lãi 180 triệu đồng từ cây lúa
Anh Vũ Quang Tiến ở thôn Thọ Chương, xã Lam Sơn, là một trong nhiều hộ nhận được sự hỗ trợ của tổ chức đoàn trong phát triển kinh tế. Năm 2006, gia đình anh nhận đấu thầu lại khu ruộng trũng của xã. Lúc đó anh đang làm công nhân tại Công ty Honda Việt Nam (Vĩnh Phúc). Nhà neo người nên anh quyết định về quê. Năm 2007, vợ chồng anh bắt tay cải tạo, quy hoạch lại trang trại. Trong khi nhiều hộ trong thôn chuyển đổi toàn bộ khu ruộng trũng sang đào ao thả cá, trồng cây ăn quả và chăn nuôi cho thu nhập cao, thì anh vẫn quyết tâm gắn bó với cây lúa. Có chút vốn tích góp được từ những ngày làm công nhân, anh Tiến vay thêm của họ hàng và được Đoàn xã Lam Sơn tạo điều kiện cho vay 15 triệu đồng đầu tư cải tạo trang trại. Anh thuê máy xúc đắp bờ bao xung quanh, mua máy bơm chủ động điều tiết nước cho khu ruộng. Anh tham dự các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do tổ chức đoàn, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức nên anh luôn chủ động trong phòng, chống dịch bệnh cho cây lúa và vật nuôi. Khu trang trại rộng 6 mẫu, anh dành 5 mẫu để cấy lúa, 9 sào đào ao thả cá, chủ yếu là các loại cá truyền thống, kết hợp chăn nuôi 30 con lợn và 400 con ngan, vịt. Nhận thấy hiệu quả từ việc chủ động điều tiết nước ở các khu ruộng trũng cấy lúa, năm 2009, gia đình anh Tiến lại mạnh dạn đấu thầu thêm 1 mẫu ruộng ở vùng ngoài của thôn. Mỗi vụ, gia đình anh thu hoạch 15 tấn thóc, trừ chi phí, thu lãi hơn 180 triệu đồng… Anh Phạm Văn Mừng, Bí thư đoàn xã cho biết: “Xã hiện có 20 hộ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia phát triển kinh tế. Đoàn xã đã tín chấp với các ngân hàng hơn 300 triệu đồng cho 20 lượt hộ ĐVTN vay vốn, phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh nhỏ. Bên cạnh đó, hằng năm, đoàn xã thường xuyên phối hợp với các ngành tổ chức 3-4 lớp chuyển giao kỹ thuật mới cho ĐVTN…”.
Đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi của mình, anh Phạm Ngọc Hồi, Bí thư đoàn xã Ngũ Hùng cho biết: “Tổng diện tích khu chăn nuôi theo mô hình VAC của gia đình tôi rộng 2 mẫu. Năm 2007, tôi được vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua kênh của tổ chức đoàn và vay thêm hơn 100 triệu đồng từ họ hàng để cải tạo lại trang trại. Lúc đầu, khu chuyển đổi có 5 sào ao, chủ yếu thả các loại cá truyền thống, trên bờ tôi kết hợp trồng 60 cây vải lai và xây chuồng chăn nuôi lợn, ngan. Năm 2008, thời tiết bất lợi làm cá chết hàng loạt. Không lùi bước trước khó khăn, vợ chồng tôi vẫn tiếp tục quay vòng vốn đầu tư, chuyển sang chăn nuôi lợn và gột gà, mở rộng thêm 4 sào ao thả cá. Đến nay, mỗi năm trừ chi phí, gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng".
Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên nuôi trồng thủy sản của xã Ngũ Hùng có 25 hội viên, chủ yếu theo mô hình VAC, mỗi năm trừ chi phí, các hộ thu lãi từ 80 đến trên 100 triệu đồng. Hằng năm, các thành viên được tạo điều kiện vay nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. CLB tổ chức các buổi sinh hoạt theo quý và đột xuất khi có dịch bệnh để hướng dẫn các hội viên cách phòng, chữa bệnh cho vật nuôi. Thường xuyên tổ chức cho thành viên tham quan mô hình chăn nuôi hiệu quả trong và ngoài huyện để học hỏi thêm kinh nghiệm. Đến nay, đoàn xã đứng ra quản lý ủy thác 3,2 tỷ đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cho 146 hộ vay, trong đó hơn 2,6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vay phục vụ học tập, gần 600 triệu đồng cho các hộ vay phát triển kinh tế…
Huyện Thanh Miện hiện có gần 20 CLB thanh niên nuôi trồng thủy sản và CLB sản xuất, kinh doanh giỏi, thu hút hàng trăm lượt hội viên tham gia. Các hội viên trong CLB thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ nhau về giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi, đầu ra cho sản phẩm... Đến tháng 6 năm nay, các cấp bộ đoàn trong huyện đã tín chấp trên 13 tỷ đồng với các ngân hàng cho hơn 700 lượt ĐVTN vay vốn. Để hỗ trợ thanh niên về kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, các cấp bộ đoàn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật cho 210 lượt ĐVTN. Thanh Miện là một trong 6 huyện có Văn phòng Giới thiệu việc làm thanh niên. Văn phòng thường xuyên tổ chức sàn giao dịch việc làm vào ngày 15 hằng tháng, tạo điều kiện cho ĐVTN tìm hiểu thông tin, lựa chọn công việc phù hợp. Bên cạnh đó, Huyện đoàn thường xuyên phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp cho các ĐVTN khối trường học. Vận động 100% các đoàn trường xây dựng quỹ “khuyến học, khuyến tài” giúp đỡ các học sinh vượt khó học giỏi trên 150 triệu đồng; tổ chức sân chơi ngoại khóa cho ĐVTN khối trường học …
THANH HOA