Từ khi có điện, các gia đình ở Soi Đồng Hạ (Thanh Hà) đã sắm máy bơm phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu. Đám cưới của những đôi trẻ lớn lên ở soi này đã có thêm loa đài, tăng âm, ánh sáng, không khí thêm phần rôm rả...
Một đám cưới qua sông bằng con đò không mấy chắc chắn
Ngày nay, ai về khu Hà Đông (Thanh Hà) sẽ không còn nhìn thấy hình ảnh bến phà Gùa quen thuộc gắn bó bao đời nữa, thay vào đó là cây cầu Hợp Thanh vững chãi bắc qua sông Văn Úc. Tuy nhiên, cách đó không xa vẫn tồn tại bến đò Nhân, nối soi Đồng Hạ với xã Hợp Đức.
Cách đây hơn một năm, soi Đồng Hạ được ví von như “vùng thiểu số” giữa đồng bằng, không có điện, không trường học, không trạm xá. Được sự quan tâm của tỉnh, điện đã về với gần 100 hộ dân ở đây. Trước đây, về Đồng Hạ, nóng vã mồ hôi thì cũng chỉ biết chờ gió trời. Đêm đến, các ngõ xóm chìm trong vùng tối mịt mù, mỗi gia đình leo lét dưới ngọn đèn dầu. Từ lúc điện về, cuộc sống đã thay đổi rất nhiều. Người dân có ti-vi màu để xem, có đài để nghe, có quạt để xua đi cái nóng bức mùa hè. Nhà anh Nguyễn Văn Vui ở ngay đầu soi, sau khi có điện đã sắm một chiếc tủ lạnh để kinh doanh nước giải khát, cung cấp đá lạnh cho người dân. Anh còn chạy máy xay xát gạo cho bà con. Soi Đồng Hạ cũng là một vựa vải lớn ở Thanh Hà, nhiều nhà có đến hàng trăm gốc vải. Trước đây, để chăm sóc vải, người dân phải ra tận bờ sông xách nước hoặc đào mương nhỏ dẫn nước rất vất vả. Từ khi có điện, các gia đình đã sắm máy bơm phục vụ tưới tiêu. Đám cưới của những đôi trẻ lớn lên ở soi này đã có thêm loa đài, tăng âm, ánh sáng, không khí thêm phần rôm rả.
Có điện khiến đời sống ở đây thay đổi hẳn. Tuy nhiên, người dân vẫn luôn mong mỏi về một con đò chắc chắn, bảo đảm an toàn. Tất cả việc đi lại, buôn bán, học hành, ma chay, cưới hỏi... của hàng trăm người dân ở đây đều phụ thuộc vào một con đò. Mỗi ngày, con đò này phải chở hàng trăm lượt khách. Anh Nguyễn Văn Cơ, người dân ở đây cho biết: “Mấy hôm nữa, vào mùa thu hoạch vải chính thì khủng khiếp lắm, người với người chen nhau chở vải lên đò, đò cứ chao đi chao lại, nhưng quen rồi nên chẳng còn sợ nữa”. Qua thời gian, con đò đã xuống cấp nhiều. Mái che han gỉ, mỏng manh, mấy chiếc phao được sắm từ lâu nên đã rách và cũ kỹ như những phần còn lại khác của con đò.
Trực tiếp chứng kiến một đám cưới đưa dâu bằng con đò này, những ai không sống ở đây hẳn phải nín thở. Chàng thanh niên lấy vợ tận Hoà Bình, đi đón dâu từ 1 giờ sáng. Sau 10 tiếng, đón dâu trở về, nàng dâu vừa say xe, vừa mệt lại mặc váy dài lòe xòe run rẩy bước lên đò. Mấy người khách họ nhà gái không quen sông nước nên lưỡng lự, ngại ngần bước xuống con đò chênh vênh. Anh Hoàng Văn Chuyền nửa đùa nửa thật: “Dân ở đây mà có ai bị đau ruột thừa thì chỉ có chết, vì trạm y tế nằm tận bên làng mà đò thì chỉ có một… Thật may, bao nhiêu năm qua cũng chưa có trường hợp đáng tiếc nào như thế. Nhưng chẳng lẽ cứ đến khi nào nước đến chân mới nhảy? Có tai nạn đáng tiếc mới được quan tâm?”.
Người dân ở đây mong mỏi các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ họ cải tạo lại bến đò, đổ bê - tông hai bên bờ để lấy chỗ lên xuống an toàn hơn nữa, nhất là đầu tư cho họ một con thuyền thực sự vững chắc, đủ tiêu chuẩn an toàn. Có người dân nói vui: “Phà Gùa biến thành cầu Hợp Thanh mà bến Nhân này biến thành phà Gùa thì hay biết mấy”. Được như vậy, đời sống xã hội của dân Đồng Hạ mới bớt thiệt thòi so với bên kia sông và kinh tế nơi này sẽ phát triển hơn rất nhiều.
LÊ HIỀN