Đóng góp của Bộ Tổng Tham mưu trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975

30/04/2021 16:30

Bộ Tổng Tham mưu vừa là cơ quan tham mưu, đề xuất, vừa là cơ quan tổ chức, chỉ huy, điều hành, đặc biệt trong các chiến dịch lớn, tạo nên bước ngoặt trong chiến tranh trên các địa bàn quan trọng.


Xe tăng quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đã mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đánh giá tầm vóc, ý nghĩa thời đại của sự kiện lịch sử trọng đại này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12.1976) đã khẳng định: “Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc và là một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn, có tính chất thời đại sâu sắc".

Thắng lợi vĩ đại ấy là kết quả của nhiều nhân tố, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam - cơ quan tham mưu, chỉ huy chiến lược, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tổng Tham mưu với Tổng cục Chính trị và các cơ quan chiến lược của Bộ Quốc phòng. Nhờ đó, quân đội ta đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, nhất là trong chiến đấu, góp phần đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.

Trong cuốn “Đông Dương đỏ", R.Salan, một viên tướng lừng danh trong quân đội thực dân Pháp, từng nhiều năm tham chiến ở chiến trường Đông Dương, đã viết về tổ chức quân sự của ta trong chiến tranh: “Đó là một bộ máy chiến tranh không gì sánh kịp".

Còn trong cuốn “Chân trần, chí thép", Trung tá Thủy quân lục chiến Mỹ James G.Zumwalt, người từng tham chiến tại Việt Nam, đánh giá: “Họ bao quát được không những nghệ thuật quân sự mà còn giải quyết những vấn đề quân sự rất phức tạp”; đồng thời viên trung tá này còn cho rằng muốn nhìn thấu bản lĩnh, ý chí, sức mạnh sáng tạo của Quân đội nhân dân Việt Nam thì hãy nhìn vào đường mòn Hồ Chí Minh hay địa đạo Củ Chi - những kỳ tích quân sự, ví dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc.

Trong bộ máy chỉ đạo, tổ chức tiến hành các cuộc chiến tranh đó, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam là cơ quan tham mưu chiến lược với truyền thống sáng ngời đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân khẳng định: “Trung thành-mưu lược, Tận tụy-sáng tạo, Đoàn kết-hiệp đồng, Quyết chiến-quyết thắng". Đó là sự tổng kết cô đọng nhất những phẩm chất đặc biệt nổi bật của cơ quan tham mưu chiến lược này.

Cùng với sự phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam và từ thực tiễn hoạt động cực kỳ phong phú qua các cuộc chiến tranh, Bộ Tổng Tham mưu đã xác định được chức năng kép của mình. Một mặt, trên cơ sở quán triệt chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ quân sự của Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong từng giai đoạn, từng chiến trường, Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu cụ thể hóa thành các chỉ thị, kế hoạch, mệnh lệnh... và chủ trì phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị liên quan, tổ chức triển khai thực hiện và trực tiếp chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn các đơn vị quân đội tiến công địch về mặt quân sự.

Mặt khác, Bộ Tổng Tham mưu có chức năng theo sát diễn biến cuộc chiến, nghiên cứu, đánh giá tương quan lực lượng giữa ta và địch, phán đoán âm mưu, thủ đoạn của địch, từ đó kịp thời đề xuất chủ trương, biện pháp đối phó, trực tiếp góp phần vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Với chức năng kép đó, Bộ Tổng Tham mưu vừa là cơ quan tham mưu, đề xuất, vừa là cơ quan tổ chức, chỉ huy, điều hành, đặc biệt trong các chiến dịch lớn, tạo nên bước ngoặt trong chiến tranh trên các địa bàn quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ.

Trong 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng, mỗi chiến dịch lớn, mỗi đòn tấn công có ý nghĩa chiến lược, tạo nên bước ngoặt của chiến tranh đều là biểu hiện cao của tầm trí tuệ dân tộc, được tựu trung ở Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, ở Bộ Tổng Tham mưu - cơ quan “vắt óc tìm mưu đánh giặc". Những sự kiện lớn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã góp phần soi rõ thêm tầm trí tuệ của Bộ Tổng Tham mưu trong quá trình đóng góp vào chiến thắng lịch sử ngày 30.4.1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đầu tháng 12.1974, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Bộ Tư lệnh Miền tiến công vào thị xã Phước Long - thị xã đầu tiên mà ta quyết tâm giải phóng. Đây là “phép thử” quan trọng để có thể đi tới quyết tâm chiến lược mới, táo bạo và chắc thắng.

Bên cạnh đó, Bộ Tổng Tham mưu đã liên tục triển khai một khối lượng công việc khổng lồ trên các mặt trận ở miền Bắc và miền Nam, như: Chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 học tập nghệ thuật chiến dịch tấn công, tăng khối lượng vận chuyển của Bộ Tư lệnh Trường Sơn cho các chiến trường ở miền Nam, ra mệnh lệnh hành quân cho Sư đoàn 316, đưa Sư đoàn 10 vào chiến trường Tây Nguyên, điều động lực lượng và trang bị thông tin cho các chiến trường ở miền Nam, giao nhiệm vụ năm 1975 cho Quân đoàn 1-Binh đoàn chiến lược để sử dụng vào thời cơ quan trọng nhất và giải quyết nhiệm vụ chủ yếu nhất...

Trong tháng 2.1975, Bộ Tổng Tham mưu triển khai kế hoạch vận chuyển hàng quân sự và dân sinh cho chiến trường miền Nam với số lượng vô cùng lớn để phục vụ cho cuộc tổng tiến công và cho cả khả năng chiến đấu lâu dài; điều một số tiểu đoàn xe tăng-thiết giáp với số lượng lớn vào chiến trường; thành lập Đoàn 232 vào tháng 2.1975, đồng thời lập kế hoạch đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc khi địch bị thua đau ở miền Nam...

Ngay sau chiến thắng vang dội giải phóng Buôn Ma Thuột với chiến thuật tài tình cài thế và nghi binh, đánh lạc hướng địch và sử dụng đánh binh chủng hợp thành vào tháng 3.1975, với nhận định sắc bén về tình hình, Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xây dựng kế hoạch phát triển tiến công với nhịp độ nhanh hơn, chỉ đạo Quân khu Trị-Thiên và Quân đoàn 2 đẩy mạnh tiến công tiêu diệt địch với tinh thần táo bạo, khẩn trương hơn. Với sự chỉ đạo đó, sự phối hợp trên các hướng chiến trường trở nên ngày càng khẩn trương, nhịp nhàng, đồng bộ và hiệu quả.

Ngay sau khi Bộ Chính trị quyết định giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa (tháng 4.1975), Bộ Tổng Tham mưu đã đề xuất một loạt kế hoạch tiến công trên các mặt trận, đặc biệt là từ Đà Nẵng trở vào.

Trong suốt tháng 4.1975, Bộ Tổng Tham mưu bám sát tình hình các mặt trận, liên tục đốc chiến trên các hướng tiến công và tổ chức tác chiến hiệp đồng binh chủng, sử dụng lực lượng chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng.

Bộ Tổng Tham mưu đã vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự “tạo lực, lập thế, tranh thời, dùng mưu”; nhận định đánh giá đúng tình hình địch, ta, nắm chắc thời cơ, tham mưu cho Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và trực tiếp chỉ đạo động viên tổng lực sức mạnh của cả nước, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch, rút ngắn thời gian tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, từ đó góp phần quan trọng đem tới chiến thắng 30/4 lịch sử, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, hoàn thành nhiệm vụ chiến lược, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của toàn dân tộc: thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.

Không những làm tốt chức năng vừa là cơ quan tham mưu, đề xuất, vừa là cơ quan tổ chức, chỉ huy, điều hành các chiến dịch, trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu đã phối hợp với Tổng cục Chính trị tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước xây dựng quân đội vững mạnh, từng bước tiến lên chính quy; giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm chiến đấu cho lực lượng vũ trang; xây dựng cơ chế, nguyên tắc giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; nâng cao hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, phát huy nhân tố chính trị-tinh thần trong tác chiến chiến dịch, chiến lược; quản lý, rèn luyện kỷ luật bộ đội, chống tư tưởng sợ gian khổ, hy sinh...


Bốn chiến sỹ Binh đoàn Hương Giang mang cờ tiến thẳng vào Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975

Vấn đề được chú trọng là xây dựng bộ đội chủ lực, mở rộng các quân, binh chủng; nghiên cứu cách đánh của các lực lượng, phát triển nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân-binh chủng; kết hợp giữa tác chiến của các binh đoàn chủ lực với phong trào nổi dậy của quần chúng; huấn luyện quân sự, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu và phát triển chiến tranh nhân dân.

Nhân tố quyết định làm nên những thắng lợi - đóng góp quan trọng của Bộ Tổng Tham mưu trong chiến tranh cách mạng chính là sự lãnh đạo của Đảng, biểu hiện trước hết của việc Trung ương Đảng trực tiếp tổ chức, rèn luyện và định hướng cho hoạt động của Bộ Tổng Tham mưu.

Bên cạnh đó, Bộ Tổng Tham mưu luôn chủ động xây dựng nội bộ ngành tham mưu toàn quân vững mạnh toàn diện; tham mưu, chỉ đạo tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân lớn mạnh làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc...

Phát huy tinh thần trong kháng chiến chống Mỹ, mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, trong điều kiện hiện nay, những nhân tố trên vẫn giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm cho Bộ Tổng Tham mưu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ là cơ quan tham mưu chiến lược về công tác quân sự, quốc phòng của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Đóng góp của Bộ Tổng Tham mưu trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975