Đồng đội

18/12/2011 10:11



Trời nắng thật khủng khiếp. Mặt đất như đang bị đun nóng lên dưới một cái lò than khổng lồ, không khí ngưng lại và ngột ngạt lạ thường. Mặt đường bốc hơi ngùn ngụt. Bầu trời thành phố như bị bao vây, bó hẹp dần. Giữa lúc ấy, ngay cổng nhà tôi, xuất hiện một người đàn ông chừng ngoài bảy mươi tuổi, gầy gò, yếu đuối, mặt mũi đen nhẻm. Ông ta mặc bộ quân phục đã bạc và sờn bật sợi vải ở nhiều chỗ. Tôi thoảng nghe hình như có tiếng gọi rất khẽ, rất yếu. Tôi chưa kịp có phản ứng gì, bất chợt thấy hai tay ông ta bám vào thành cổng, hai đầu gối từ từ khuỵu xuống đất. Cả cái thân người tong teo lăn ra bất động dưới cái nắng đang dội lửa.

Bất ngờ và hoảng hốt, tôi gọi giật bà vợ chạy ra. Hai vợ chồng tôi hì hụi khiêng ông ta vào trong nhà. Người ông mềm nhũn, nhẹ tênh. Tôi vội vã cởi bớt cúc áo, nới lỏng thắt lưng... Nghĩa là tôi làm tất cả những gì mà tôi hiểu biết về cách cấp cứu người bị cảm nắng. Hàng xóm láng giềng thấy vậy chạy sang tíu tít mỗi người một chân một tay giúp đỡ. Tự nhiên tôi có cảm giác mình bị thừa ra. Việc tiếp theo đã có những người thạo công thạo việc. Ông Tư vừa là trưởng xóm lại vừa là bác sĩ, ngồi xổm trên đất, im lặng cầm tay nạn nhân tìm mạch. Khuôn mặt ông không biểu lộ điều gì. Bà già hàng xóm ghé sát tai tôi, thầm thì: “Anh nên gọi xe cấp cứu đưa lên bệnh viện kẻo để tại nhà lỡ xảy ra chuyện gì không tiện lắm”. Hiểu ý của bà hàng xóm tốt bụng, tôi lắc đầu nhè nhẹ: “Cám ơn bà đã lo lắng. Theo cháu, ông ta chỉ bị say nắng thôi, có lẽ ta nên để nghỉ tại đây một lát sẽ khỏi”. Tôi đứng quan sát kỹ người đàn ông lạ lẫm, phần vì lo lắng, phần vì cảnh giác nữa. Ngắm một lúc khá lâu, tôi nhận ra một khuôn mặt quen quen mà không thể nhớ nổi đã từng gặp ở đâu. Hàm răng ông ta vổ, khấp khểnh và ám đầy khói thuốc lào. Hai bờ môi thâm xịt, có thể là di chứng của những trận sốt rét rừng nhiều năm. Các cụ xưa thường bảo: “Những người có hàm răng hô như thế thường là người dễ tính và xởi lởi”. Chẳng biết người gặp nạn trong nhà tôi có thế không chứ tôi có vài người bạn thì quả là “ruột để ngoài da”. Đố có giận ai lâu bao giờ. Được ông Tư tiêm cho một mũi trợ tim và làm một số động tác cấp cứu, người đàn ông lạ mặt dần dần hồi tỉnh. Ông Tư quay sang vợ tôi, bảo: “Chị Thành làm ơn pha giúp cho cốc nước chanh đường”.

Khi đã tỉnh,người đàn ông lạ vừa uống từng ngụm nước vừa kể về mình. Một cái lý lịch trích ngang được vắn tắt thế này. Quê ông ta ở miền Trung. Có vợ nhưng lại đau ốm liên miên vì đẻ nhiều. Bốn lần đẻ “tòi” ra năm đứa. “Gớm, đẻ gì mà lắm thế? Nghèo đói là chuyện đương nhiên”. Một chị hàng xóm chen ngang. Người đàn ông lạ gật đầu công nhận. Tất cả chỉ vì ham muốn có được một đứa con ra đứa con. Sáu miệng ăn trông mong vào đôi bàn tay của ông. Lũ lụt miền Trung hồi cuối năm ngoái đã cướp đi tất cả những gì gọi là tài sản của ông: một ngôi nhà cấp 4 ba gian, một chiếc xe công nông đầu dọc chở thuê đất cát chạy quanh trong xã, một chiếc xe đạp tự lắp, một cái đài bán dẫn nhặt được từ lâu do ai đó làm rơi hay vứt đi. Và nếu phải kể thì kể thêm con búp bê mắt nhắm mắt mở mua từ hồi mới giải phóng. Con búp bê này đã từng là người bạn của tất cả các con ông suốt thời kỳ chúng còn bé. Bây giờ chưa phải mùa gặt hái nên ông ra ngoài này làm thuê. Ai thuê gì làm nấy. Đào đất, phụ hồ, rửa bát, lau bàn… ông đều làm tuốt luốt. Bốn, năm ngày hôm nay không có việc làm, người ta chê ông già yếu. Được ít tiền dành dụm, hôm vừa rồi ra ga mua vé tàu định về quê, lớ ngớ thế nào lại bị kẻ gian móc mất. Thật họa vô đơn chí. Đành muối mặt đi xin. Chỉ cần đủ tiền mua cái vé tàu thôi.

Tôi nhìn đăm đắm vào khuôn mặt ấy để cố nhớ xem mình đã gặp ở đâu. Chịu không thể nhớ nổi. Nhưng lời ông ta kể, tôi tin ngay. Một con người rơi vào cảnh ngộ tận cùng thế này không thể có những lời xảo trá. Chẳng riêng gì tôi, mọi người chứng kiến cứ dần dần im lặng lắng nghe. Có tiếng sụt sịt của một bà mau nước mắt nào đó. Có tiếng thở dài nhè nhẹ kèm theo: “Ai ngờ thời buổi này vẫn còn người khổ đến thế”. Ông trưởng xóm khua khua cánh tay trước mặt mọi người, nói to: “Nào, bà con ta, cảnh ngộ ông lão như vậy, chúng ta của ít lòng nhiều, lá lành đùm lá rách, mỗi người bớt ra chút ít giúp đỡ kẻ khó lấy tiền về quê. À quên chưa hỏi, người quen của ông Thành à?”. Ông trưởng xóm quay sang hỏi tôi. Tôi lắc đầu trả lời: “Không phải…”. Bất chợt tôi liếc sang người đàn ông lạ. Ông ta đưa mắt nguýt tôi một cái, đầu cúi xuống, mặt hơi tái đi. Trời ơi! Tôi đã gặp cái lườm nguýt này ở đâu rồi. Cái lườm ra chiều giận dỗi nhưng lại rất thân thương kia tôi từng gặp ở đâu? Người đàn ông lạ nhấp nhổm muốn đứng dậy. Mau lên. Tôi giục ký ức. Có phải là Vinh, là Hiển,  là Giáp… Không phải. Họ không có hàm răng vổ như ông ta. Nào là Tâm, là Tầm… Đúng rồi. Đúng cậu ta là Tầm. Ngày xưa ở đơn vị, chúng tôi thường gọi vui là “Tầm nhìn” (ý nói cậu ta bị hạn chế về tầm nhìn, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Tôi túm lấy vai ông ta lắc lắc: “Cậu là Tầm phải không? Có đúng cậu Tầm không? Vì sao nên nông nỗi này?”. “Vâng. Em là Tầm. Cứ nghĩ anh không nhận ra nên em không dám xưng tên”. Tôi kêu lên: “Trời đất! Cậu học ở đâu được cái kiểu khách sáo ấy?”. Quả thực trông Tầm già quá, đổi thay nhiều quá.  Tôi không thể nhận ra. Tầm kém tôi chừng năm, sáu tuổi, năm nay chắc cũng chưa đầy sáu chục mà sao trông như ông lão bảy mươi. Chao ôi! Cái dáng đứng hùng dũng hiên ngang, vai vác khẩu B41 đã biến mất tự bao giờ?

Đầu năm 1972, cấp trên điều về đại đội chúng tôi một số tân binh từ khu Vĩnh Linh, trong đó có Tầm. Khỏi phải nói mức độ gian khổ, sự hy sinh vô cùng lớn ở nơi đây. Ai từng sống, từng chiến đấu ở vùng giáp ranh mới thấu hiểu sự mất mát, tổn thất đến nhường nào. Đầu năm đủ ba chục thằng, vài trận giao tranh, dăm lần “đổ bộ” xuống đồng bằng gùi gạo, quay đi, quay lại quân số chỉ còn non nửa. Lại bổ sung, lại hy sinh, lại bổ sung. Rồi đại đội chúng tôi cũng đi đến cái trận cuối cùng trong đội hình hành tiến của trung đoàn: Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trở lại câu chuyện về cậu Tầm với ngày đầu mới về đơn vị. Đại đội trưởng nghĩ cậu ta mắt kém, khổ người nhỏ bé như đứa trẻ nên phân công sang bộ phận “anh nuôi”. Tầm không chịu. Sau cái lườm nguýt rất điệu đà đáng yêu là câu hỏi của cậu ta: “Thưa đồng chí chỉ huy kính mến, tôi đi bộ đội có phải chỉ để nấu cơm không ạ?”. Đại đội trưởng phì cười: “Đồng chí Tầm thân mến. Đấy không phải là câu trả lời”. Nhưng rồi năn nỉ mãi Tầm cũng được bổ sung về tiểu đội của tôi. Sau này vui chuyện tôi hỏi: “Này cậu bé! Mắt cậu kém thế làm sao lại lọt qua được mấy ông bác sĩ khó tính như mấy mụ dì ghẻ?”. Tầm đáp luôn: “Thứ nhất, em không phải cậu bé. Mười bảy tuổi rưỡi rồi nhé, bây giờ là đồng chí của anh. Thứ hai, trong phiếu khám sức khỏe làm gì có ảnh, một thằng bạn khám hộ. Anh hiểu rồi chứ? Đi đánh giặc đừng nên phân biệt mắt tốt với mắt kém. Ăn nhau ở cái tinh thần”. Cả tiểu đội tôi cười lớn: “Khá lắm, rất xứng đáng là chiến sĩ vùng “lõm”.

Trận đánh không cân sức giữa chúng tôi với tiểu đoàn số 3 thuộc sư đoàn 1 của ngụy có xe tăng yểm trợ. Những chiếc xe tăng M48 của giặc lồng lộn quần nát mảnh ruộng trước mặt. Theo sau xe là lũ lính bộ binh. Đạn các loại dầy đặc như nông dân gieo mạ ngay trước bờ công sự của chúng tôi. Đại đội trưởng Lân mím chặt môi tính toán. Phải hạ gục những con bọ hung này. Anh hạ lệnh cho hai chiến sĩ xách B41 xông ra đón đầu lũ xe tăng. Đạn địch bắn trả rát quá. Một chiến sĩ hy sinh ngay trên đường vọt tiến. Người còn lại không làm sao tiếp cận được xe tăng cũng như góc bắn cần phải có. Tầm nói: “Đại đội trưởng để em “chăn” lũ trâu điên này cho”. Anh Lân gật đầu: “Nhớ cẩn thận nhé!”. “Vâng. Em biết rồi”. Nói xong Tầm lao vút vào màn khói dầy đặc. Cả đại đội nín thở, căng mắt dõi theo bóng Tầm. Không thấy gì hết. Hay Tầm đã dính đạn kẻ thù? Xe tăng địch mỗi lúc một gần. Một trăm mét, rồi bảy mươi mét, rồi năm chục mét. Trận địa phía ta đột ngột im tiếng súng. Tầm hiện đang nằm ở đâu? Đạn của địch nổ xối xả vào đội hình phòng ngự của ta. Đã có thương vong. Đại đội trưởng Lân không còn bình tĩnh như ban đầu nữa. Nét bối rối hiện rõ trên khuôn mặt anh. Bỗng chiếc xe tăng đi đầu của địch khựng lại như húc vào vách núi. Vài chiếc đi sau vón cục lại thành một hàng dài. Trong màn khói đạn bom mờ ảo là Tầm của chúng tôi đứng thẳng người trước đầu mũi tăng. Anh như từ trên trời rơi xuống. Khẩu B41 nằm ngay ngắn trên vai, hướng về chiếc xe tăng đi đầu. Cái dáng đứng của Tầm in đậm trong ký ức của chúng tôi suốt từ bấy đến nay. Hai bên gườm gườm nhìn nhau trong khoảng cách chừng hai chục mét. Có lẽ đến lúc nhắm mắt lìa đời, lũ giặc trong xe tăng cũng không thể hiểu nổi người lính giải phóng làm cách nào lại xuất hiện trước mũi xe mà chúng không hề biết. Hình như chúng cảm thấy hơi thở lạnh ngắt của thần chết đang phả vào mặt, khẩu pháo trên xe quay lên, quay xuống hoảng loạn và bất lực. Vòng xích xe tăng rục rịch quay ngang. Chúng định chạy trốn tử thần. Muộn rồi. Khi chiếc xe quay ngang chính là góc bắn đạt hiệu quả tối đa. Một quầng lửa vàng rộm trùm lên chúng. Rồi hai, rồi ba quầng lửa bùng lên trong khoảnh khắc. Cả đại đội chúng tôi ào lên yểm trợ cho Tầm.

Sau trận đánh, Tầm được công nhận là dũng sĩ diệt xe tăng. Tuy vậy, tôi vẫn trách Tầm lần sau không nên tiến gần quá, rất nguy hiểm cho người bắn: “Đánh địch nhưng phải bảo vệ lực lượng của mình chứ!”. Tầm nguýt tôi một cái: “Mắt các anh tinh, nhìn được xa. Còn em, phải vào gần mới nhìn rõ”...
Ông trưởng xóm vỗ mạnh vào vai tôi, cười khà khà: “Đánh nhau vỡ đầu mẻ trán mới nhận ra anh em. Thật chán cho ông. Thôi chúng tôi về.  Chúc hai ông một ngày tốt lành”. Khi hàng xóm đã về hết, tôi hỏi Tầm: “Từ ngày về, ông sinh sống ra sao?”. “Khổ lắm anh ạ. Nhưng vợ chồng chúng em chịu được. Chỉ thương các cháu”. Tầm im lặng. “Ngót sáu chục tuổi đời, đi qua cuộc kháng chiến vài năm, một hai nghề học không thành, vinh nhục đủ cả, giờ đây côi cút giữa xứ người, vốn liếng chỉ còn dăm ngàn đồng tiền lẻ rách tướp. Nghĩ cho cùng cũng còn hơn bao thằng bạn không bao giờ trở về được nữa. Xương thịt chúng nó tan rữa từ lâu mà chẳng biết ở góc rừng nào”. Tầm thủ thỉ như tâm sự. Tầm không hề khác xưa: Bản lĩnh và tình cảm. Là một người đã quá quen với mọi nỗi đoạn trường mất mát, sự việc này chỉ khiến anh hẫng hụt chút ít. Tuyệt nhiên không thấy buồn phiền, tuyệt vọng hay phẫn nộ oán trách ai hết. Có khi nó lại thúc đẩy nhen nhóm một hy vọng nào đó. Tầm kết luận: “Ngày xưa bị lạc nhiều ngày trong khu rừng già toàn lồ ô còn sống được huống chi bây giờ”. Tôi hỏi: “Vậy cậu lấy gì để sống?”. “Xin đừng lo cho em”. Tôi chợt hiểu. Nếu như chúng tôi còn lại cái gì đó của người lính năm xưa thì đó chính là nghị lực chịu đựng mọi cơ cực và ý chí vươn lên. Ngày ấy chúng tôi có thể chịu đói chịu khát, không ngủ vài ba ngày liền mà đầu óc vẫn minh mẫn, chân tay vẫn hoạt động bình thường. Khi ngủ, có thể ngủ bất cứ ở tư thế nào. Ngủ một phút hay ngủ cả ngày cũng chả hơn gì nhau. Tôi bảo: “Hay ông vứt ra đây cho tôi một, hai đứa. Tôi hứa với ông sẽ nuôi chúng ăn học nên người. Vợ chồng tôi già rồi mà chẳng có mống nào để vui cửa vui nhà. Cô đơn muốn chết”. Tầm chợt kêu lên thảm thiết: “Không được đâu anh ơi! Tất cả các con của em đều bị nhiễm chất độc đi-ô-xin”. Tôi choáng váng như có ai cầm thanh củi lớn phang trúng đầu một nhát cực mạnh. Trời có mắt hay không có mắt? Tại sao ông trời lại đầy đọa những người lính chúng tôi đến tận cùng của sự khổ đau? Vợ chồng tôi mong mỏi ngày đêm có được một mụn con để nâng niu mà không được. Đồng đội tôi đẻ một dây một lũ tưởng phúc ấm đầy nhà nào ngờ lại bị di chứng của chất độc màu da cam. Chiến tranh đã lùi xa.Chẳng nhẽ đám mây màu da cam trùm lên trận địa hôm ấy đã đeo đẳng suốt cuộc đời chúng tôi đến tận ngày hôm nay? Có người trong lúc trà dư tửu hậu, cao hứng nói rằng: “Chiến tranh là trò đùa của tạo hóa”. Không. Họ đã nhầm. Hết sức nhầm.

Vài hôm sau, Tầm nằng nặc đòi về vì nhớ vợ nhớ con. Trước khi Tầm bước lên tàu, tôi ấn vào tay người đồng đội chiếc phong bì trong đó đựng một chút tiền gọi là tấm lòng thơm thảo của vợ chồng tôi: “Ông cầm lấy, về vay mượn thêm, mua một chiếc xe chạy thuê cho đỡ vất vả”. Tầm rưng rưng: “Cám ơn anh chị đã quan tâm. Nhưng anh chị cũng chả khá giả gì. Em chỉ xin đủ tiền về quê thôi”. Tôi vờ gắt: “Này, hãy bỏ cái giọng điệu khách khí ấy đi. Nó không hợp với ông đâu. Nếu ông ngại thì cứ coi như tôi cho các cháu. Ngoài này tôi sẽ vận động anh em cũ quyên góp thêm chút nữa, gửi vào sau. Chúng ta là đồng đội cơ mà”. Tầm ôm chầm lấy tôi. Người Tầm run lên, giọng nói nghèn nghẹn trong tiếng nấc: “Vâng... Vâng... Chúng ta là đồng đội”.

NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng đội