Động đất ở Điện Biên

14/03/2022 13:16

Vào 9 giờ 22 phút 36 giây ngày 14.3, tại vị trí 21.123 độ vĩ Bắc-103.184 độ kinh Đông, thuộc khu vực xã Pú Hồng và Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông, (Điện Biên) đã xảy ra trận động đất có độ lớn 4.5.

Chú thích ảnh

Vị trí tâm chấn xảy ra trận động đất

Ông Nguyễn Thái Sơn, Trạm trưởng Trạm Quan sát địa chấn thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết, vào 9 giờ 22 phút 36 giây, ngày 14.3 (giờ Hà Nội), tại vị trí 21.123 độ vĩ Bắc-103.184 độ kinh Đông, thuộc khu vực xã Pú Hồng và Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, cách trung tâm TP Điện Biên Phủ khoảng 30-35 km đã xảy ra trận động đất có độ lớn 4.5, độ sâu chấn tiêu khoảng 13.2 km, thời gian rung lắc kéo dài từ 5-6 giây, cấp độ rủi ro thiên tai tại khu vực tâm chấn đạt mức 2.

Ngay sau khi xảy ra hiện tượng động đất, Trạm Quan sát địa chấn thành phố Điện Biên Phủ đã gửi số liệu địa chấn đến Viện Vật lý địa cầu.

Thực tế, tại Điện Biên, ông Nguyễn Thái Sơn cho biết thêm: Trận động đất có cường độ tương đối mạnh nên tại khu vực tâm chấn, các nhà xây cấp 4, tường yếu có thể sẽ xảy ra hiện tượng nứt rõ rệt. Đối với  khu vực thành phố Điện Biên Phủ, người dân có thể cảm nhận rõ sự rung lắc mạnh, tuy nhiên khó có khả năng gây thiệt hại về cơ sở vật chất.

Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) Nguyễn Xuân Anh cho biết: Hiện Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến động đất tại khu vực này để thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng và chính quyền địa phương.

Trước đó, vào cuối tháng 12.2021, tại tỉnh Phongsaly, Lào (tiếp giáp với tỉnh Điện Biên của Việt Nam) đã xảy ra nhiều trận động đất có độ lớn từ 3.0-5.5. Theo đó, trận động đất có độ lớn 5.5 xảy ra vào tối 24.12.2021 đã gây ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Sau đó, liên tiếp xảy ra 3 trận động đất có độ lớn từ 3.0-3.7 cũng tại tỉnh Phongsaly vào các ngày 26 và 31/12/2021, tâm chấn của các trận động đất trên chỉ cách tỉnh Điện Biên từ 21-50 km.

Chú thích ảnh

Ông Nguyễn Thái Sơn, Trạm trưởng Trạm Quan sát địa chấn thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên), kiểm tra thông số trận động đất

Theo Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh, trận động đất lần này có độ lớn 4.5 và mức độ rủi ro thiên tai tại tâm chấn đạt mức 2 nên người dân và chính quyền khu vực này cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng; các cấp chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh. Đặc biệt, khi có động đất xảy ra, chính quyền và người dân tại khu vực bị ảnh hưởng cần thực hiện nghiêm các quy định tại Quyết định số 78/2007/QĐ-TTg ngày 29.5.2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần.

Theo đó, khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn; Ủy ban nhân dân các cấp phải bằng mọi hình thức thông báo tin trên đến người dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp người dân sơ tán đến nơi an toàn, đồng thời có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực. Ngay sau khi xảy ra động đất, sóng thần, chính quyền các cấp phải huy động mọi nguồn lực tại chỗ theo quy định để cứu người bị nạn, cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích, đồng thời tổng hợp thông tin và báo cáo khẩn cấp đến cấp có thẩm quyền để chỉ đạo các biện pháp cần thiết, hạn chế thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra.

Theo báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Động đất ở Điện Biên