Đồng chí Nguyễn Lương Bằng những ngày ở ấp Dọn

20/03/2014 04:23

Bị lính Pháp dẫn giải về ấp Dọn lục soát, khi đó cả ấp này mới biết anh học trò làm ruộng giỏi - anh Hai kia chính là đồng chí Nguyễn Lương Bằng...



Bên trong ngôi chùa đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tổ chức tuyên truyền cách mạng
 ở ấp Dọn, xã Thái Dương (Bình Giang). Ảnh: Ngọc Hùng


Cuối năm 1932, lúc đó tôi 14 tuổi, đã được đi học. Mới đọc thông viết thạo thì phải nghỉ học vì nhà nghèo quá. Gầy bé nhưng hằng ngày phải làm việc ngoài đồng, nếu không thì cõng cháu con bà chị. Một hôm, tôi sang nhà chị Hai Lạp chơi thì thấy bên nhà chị Tư Hợi có một người đàn ông lạ. Dần dần, tôi để ý đến anh. Anh mặc bộ quần áo màu cháo lòng, đầu cắt trọc, khuôn mặt có vẻ hiền lành nhưng da thì trắng bợt. Đặc biệt là ở cổ anh, lúc nào cũng thấy quấn một cái khăn kiểu phu-la, cắt ra từ mảnh chăn chiên. Tôi tò mò hỏi chị Hai Lạp:

- Chị ơi, anh ấy là ai thế?

- À - chị xoa đầu tôi - Anh ấy ở Tân Thế Giới mới về đấy!

- Tân Thế Giới là ở mãi đâu?

- Xa lắm em ạ. Mà thôi, đừng có thóc mách...

- Nhưng anh ấy về đây làm gì?

- Làm thuê ruộng như mọi tá điền trong ấp...

Sau này, gần gũi anh Hai - tên đồng chí Nguyễn Lương Bằng bấy giờ - tôi mới biết, lúc đó anh vừa vượt ngục. Anh bị giam tại Hỏa Lò. Ở đó, anh đã phải tự gây sát thương ở hầu để cùng sáu bạn tù nữa kiếm cớ đi cấp cứu ở bệnh viện Phủ Doãn. Chính ở đó, các anh đã tổ chức trốn ra ngoài.

Thoát ngục, để tránh khủng bố và truy nã, anh Hai về làng Đỗ Lâm, cạnh quê anh. Nhờ lúc cùng ở nhà lao Hải Dương, quen nhau nên anh liên hệ được với cựu Tần, lúc đó đã ra tù. Thế rồi, anh về ấp Dọn. Chẳng bao lâu, anh trở thành một nông dân của ấp. Từ việc đồng áng như cày bừa, nhổ mạ, tát nước gầu dai, gầu sòng đến những việc xay lúa, giã gạo, anh làm việc gì cũng khéo. Cả những việc ít khi đàn ông làm như sàng sảy thóc gạo, anh cũng làm thành thạo. Dần dà, trên đầu anh tóc đã mọc xanh, nước da trắng bợt đã được nắng gió đồng quê nhuộm màu xăm xắn. Bà con ấp Dọn ai cũng bảo: "Cái anh Hai rõ tướng học trò dài lưng tốn vải thế mà việc gì cũng làm giỏi".

Có lẽ vì anh đã cùng đổ mồ hôi sôi nước mắt như bà con tá điền để làm ra hạt thóc nên anh Hai rất thương dân trong ấp. Anh nói cho mọi người gần gũi anh hiểu vì sao ta một nắng hai sương làm ra hạt thóc mà lại phải nộp cho chủ ấp gần hết, còn mình thì nhịn đói. Chúng ngồi mát ăn bát vàng. Anh khuyên bảo bà con từ đó phải chống lại bọn cai quản ấp. Nó gọi nộp tô thì đừng nộp ngay. Nó gọi nhiều thì nộp ít. Nó bắt bẻ thì khất lại để có bát ăn, có bát ăn mới tiếp tục cấy cày làm ra thóc lúa... Bà con nghe và tin anh nói, thấy rõ xã hội bất công này cần thay đổi...

Do sống gần anh và có trí tò mò nên tôi cũng được anh Hai chú ý, gần gũi tôi. Nhà tôi nghèo. Bố tôi cũng là người đã đi đây đó, biết chữ quốc ngữ, cả một chút chữ Tây, chữ Hán nên nói chuyện với anh Hai rất tâm đắc. Đêm đêm tôi ngủ với anh Hai. Chúng tôi nằm trên cái phản ghép bằng gỗ. Tôi hay hỏi và anh không bao giờ từ chối. Anh kể chuyện rất hay. Mà lạ, chuyện gì anh cũng biết. Tôi đã được đi học chút ít. Nhưng những điều anh kể, tôi thấy thật là mới mẻ, đẹp đẽ mà chưa có sách nào dạy. Trong trí óc của một thiếu niên đang lớn như tôi, hình ảnh anh cùng những việc làm anh kể đã gây cho tôi một ấn tượng thật sâu đậm. Một đêm, anh bảo tôi:

- Chưng có dám đi xa một mình không?

- Đi đâu? - tôi hỏi lại anh.

- Lên chợ Sặt chẳng hạn. Mình có việc nhờ Chưng.

- Em đi được - tôi vội nhổm đầu dậy - Em đi được thật mà.

Anh Hai xoay người vào phía tôi:

- Thế thì tốt lắm. Ngày mai, đến phiên chợ Sặt. Chưng đi chợ giúp mình, mua hộ mình một số giấy mực...

Tôi sốt sắng:

- Giấy mực để làm gì cơ anh?

- Để in báo.

- Ôi, anh Hai in được báo? Em đã được xem báo rồi, nhưng in thì chưa biết thế nào...

- Nhưng mà này, cấm không được nói với ai đâu nhé?

- Vâng, anh yên tâm. In báo để làm gì hả anh?

- Để gửi cho các bạn tù cùng trốn với anh và các nơi, để họ biết là mình vẫn còn sống và hoạt động...
Đêm ấy tôi chỉ mong trời mau sáng. Tôi sung sướng, phấp phỏng, đợi chờ. Tôi không nghĩ rằng mình lại được giao một công việc có ý nghĩa quan trọng thế.

- Ngay việc mua giấy mực, cũng phải giữ kín - anh Hai dặn tiếp - Một là phải thay đổi chủ hàng luôn. Hai là có ai hỏi mua làm gì nhiều thế thì nói giấy mực để đi học. Nhớ nhé...

- Vâng, em nhớ...

Sáng hôm sau, tôi đi chợ Sặt. Anh Hai vẫn dặn với theo: "Bem" (bí mật) đấy!

Thế là nhà tôi trở thành nơi ra đời của tờ báo, anh Hai lấy tên là "Công Nông". Đó là khoảng giữa năm 1933. Anh Hai giải thích:

- Công Nông là hai giai cấp đang bị đế quốc và phong kiến bóc lột. Song, vì bị đè nén, áp bức, ở Nga Xô công nhân và nông dân đã vùng lên làm Cách mạng Tháng Mười. Còn ở ta cũng đã có Xô Viết Nghệ Tĩnh. Báo "Công Nông" là tiếng nói góp phần vào phong trào ấy...

Anh Hai miệt mài viết bài. Trên cái phản gỗ ở nhà tôi là cái tráp cũ, nắp tráp bản lề đã hỏng, rời ra, được anh Hai làm bàn để viết. Những lúc ấy, tôi được anh giao gác ở ngoài sân, hễ động tĩnh gì thì có ám hiệu cho anh. Viết rồi đến "công nghệ" in. Thật là thú vị. Thạch được nấu trong cái nồi đất, rồi đổ vào nắp tráp làm bàn in... Báo "Công Nông" đã ra đời như vậy đấy.

Các bài báo được viết cả bằng văn xuôi và văn vần. Nội dung chủ yếu nói cho mọi người biết những  nét cơ bản về tình hình trong nước và thế giới, tố cáo tội ác của thực dân đế quốc và phong kiến, kêu gọi công nông đoàn kết đấu tranh giành lợi quyền cơm áo và tự do... Những bài báo như vậy được đọc và truyền khẩu cho nhau. Cho đến nay tôi vẫn còn nhớ như in bài "Chuông cảnh tỉnh": Hơn tám mươi năm ngủ mãi thôi/Boong boong tỉnh dậy kẻo trưa rồi/Kìa gươm đế quốc đang tàn sát /Nọ máu Công Nông chảy khắp nơi/Vận nước suy vi bao kẻ đoái/Thù nhà lo lắng biết ai người!/Nay chuông cảnh tỉnh khua hồn dậy/Hồn dậy mà xoay lại cuộc đời!

Những tờ "Công Nông" in ra được chuyển đi nhiều nơi. Anh Nguyễn Lương Hý chuyển đi Hải Phòng. Anh Ba Kích chuyển về Đào Xá...

Sau khi báo phát đi, chắc là anh Hai đã nhận được những tín hiệu mới. Vì vậy, một hôm, anh nói với tôi:

- Mình có việc phải đi lên Bắc ít ngày. Chưng ở nhà trông nom cẩn thận...

Tôi hiểu điều anh nhắc và nóng lòng mong anh trở về. Năm ngày, rồi mười ngày sau thì nhận được tin dữ: anh Hai bị Tây bắt ở Bắc Giang. Tôi vô cùng lo lắng. Chưa biết tình hình ra sao thì một hôm nhận được thư anh do chị Tư Hợi chuyển đến. Tôi hồi hộp bóc ra xem. Thì ra anh Hai bị bắt thật. Anh nhắc tôi phải chuẩn bị đề phòng địch sẽ trở lại đây lục soát. Anh chỉ rõ từng nơi cất giấu tài liệu bí mật trong đó có một số bài in trên báo "Công Nông" mà anh đã viết thu gọn lại trong một cuốn sổ nhỏ như lịch túi. Anh nhắc cần cất giấu kỹ. Tôi làm theo thư anh dặn. Riêng về cuốn sổ có bài in trên báo "Công Nông" thì tôi luôn để trong người. Vì lúc đó còn nhiều người mù chữ tôi đã đem đọc cho một số người trong ấp nghe. Ai cũng khen là anh viết hay rồi họ thì thầm bàn tán.

Quả đúng như anh Hai dự đoán. Một buổi sáng mùa đông, trời lạnh. Một thằng Tây và ba tên lính dẫn giải anh Hai về ấp Dọn. Mũ cát trắng, áo dài thâm, hai tay bị còng, anh Hai lừ mắt khi nhận ra tôi. Tôi thương và lo cho anh Hai vô cùng mà vẫn phải giả vờ như không. Bọn mật thám xông vào lục soát nhà chị Tư Hợi và nhà tôi. Chúng sục sạo từ trong nhà, góc buồng, xó bếp, ngoài vườn, nhưng không tìm ra được gì. Tên mật thám người Pháp túm lấy ngực mẹ tôi. Nó giận chiếc giầy đinh to tướng lên bàn chân nhỏ nhắn của bà và tát luôn vào mặt bà, quát bằng một giọng khá sõi:

- Mày có biết Nguyễn Lương Bằng làm gì không?

Mẹ tôi bình tĩnh đáp:

- Ở đây không có ai là Bằng...

Nó hầm hầm tức giận, lại hỏi:

- Thế con trai mày đâu?

- Con tôi nó đi học xa.

Chẳng tìm kiếm được gì, bọn chúng thất vọng, dẫn giải anh Hai đi. Bấy giờ, cả ấp Dọn mới biết anh học trò làm ruộng giỏi - anh Hai kia chính là đồng chí Nguyễn Lương Bằng, một cán bộ hoạt động cách mạng nổi tiếng.

BÙI VĂN CHƯNG kể NGUYỄN THẾ TRƯỜNGghi

(Rút trong cuốn "Tháng Tám vùng lên" - Hội Văn học - Nghệ thuật Hải Hưng xuất bản 1995)

(0) Bình luận
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng những ngày ở ấp Dọn