Đồng chí Lê Thanh Nghị - người chiến sĩ trung kiên

15/04/2010 10:46

Từng bị đi đày ở nhiều nhà tù, nhưng với lý tưởng một lòng theo Đảng, đồng chí Lê Thanh Nghị đã trở thành người chiến sĩ trung kiên, giữ nhiều trọng trách của Đảng, Nhà nước.


Đồng chí Lê Thanh Nghị
Lê Thanh Nghị (1911-1989), tên thật là Nguyễn Khắc Xứng, sinh ngày 6-3-1911, trong một gia đình nho giáo, có truyền thống yêu nước, tại làng Thượng Cốc, nay thuộc xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc.

Ông bà Nguyễn Năng Việt và Nguyễn Thị Mùi có 8 người con, trong đó 4 người con trai là Nguyễn Khoái (Lê Thành Lập), Nguyễn Khắc Xứng (Lê Thanh Nghị), Nguyễn Năng Hách, Nguyễn Thiệu ước (Lê Thành Ân) đều sớm giác ngộ cách mạng, qua đấu tranh gian khổ đều trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Năm 16 tuổi, Nguyễn Khắc Xứng ra Hải Phòng làm thợ điện ở Nhà máy Điện Cửa Cấm. Sau khi bị thất nghiệp, ông ra vùng mỏ làm ở Nhà máy Điện Cọc 5, rồi trở về Vàng Danh làm phu mỏ. Tại đây, năm 1928, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, năm 1929 gia nhập Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng. Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 5-1930, ông bị địch bắt giam tại nhà tù Hải Phòng, bị tuyên án tù chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Trong nhà tù ông vẫn tiếp tục rèn luyện ý chí, phẩm chất của người cộng sản, học tập chủ nghĩa cộng sản, văn hoá và ngoại ngữ, chờ thời cơ trở về hoạt động.

Năm 1936, ông được ân xá nhưng vẫn bị quản thúc tại quê hương. Ông xin làm ở Nhà máy Nước Ninh Giang để có điều kiện tiếp tục hoạt động cách mạng. Không bao lâu sau, ông bắt được liên lạc với tổ chức đảng, hoạt động bí mật ở Hải Dương và Hải Phòng, xây dựng nhiều cơ sở đảng, tham gia Thành uỷ Hà Nội. Cuối năm 1937, ông được cử về hoạt động ở Hải Dương.  Giữa năm 1939, ông công tác ở Xứ uỷ Bắc Kỳ, tham gia Ban cán sự Liên tỉnh B.

Đầu năm 1940, ông bị bắt lần thứ hai, bị kết án 5 năm tù, đày tại nhà tù Sơn La. Đầu năm 1945, ông ra tù, được chỉ định vào Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ.

Ngày 9-3-1945, tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng ông được cử vào Uỷ ban quân sự Bắc Kỳ, trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang ở khu III.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông là Xứ uỷ viên, phụ trách miền duyên hải; năm 1946, là Thường vụ Xứ uỷ. Khi toàn quốc kháng chiến, ông làm Bí thư khu uỷ khu III kiêm Chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính khu III. Đầu năm 1948, làm Phó Bí thư Liên khu III, cuối năm đó được cử giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Đến cuối năm 1949, ông trở về làm Phó Bí thư Liên khu uỷ khu III.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng  (bầu bổ sung từ năm 1956), trực tiếp làm Bí thư Liên khu uỷ, kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính khu III và Chính uỷ Bộ Tư lệnh Liên khu III, năm 1953-1954 kiêm Bí thư Thành uỷ Hà Nội.

Cuối năm 1954, ông làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, cuối năm 1955 giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Tháng 10-1956, được cử làm Uỷ viên Bộ Chính trị.

Tại Đại hội III và IV của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị. Năm 1960, ông được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp. Đến năm 1967, kiêm trưởng Ban Công nghiệp Trung ương. Từ năm 1974 đến năm 1980, ông tiếp tục làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Năm 1980, được bầu làm Thường trực Ban Bí thư. Từ tháng 7-1981 đến tháng 12-1986, ông được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước. Tại Đại hội V của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương.

Ông là đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII.

Ngày 16-8-1989 ông mất tại Hà Nội.

Để tưởng nhớ công lao hoạt động cách mạng của ông, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã quyết định xây dựng Nhà tưởng niệm cố Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị tại Gia Khánh, Gia Lộc. Công trình đã khánh thành tháng 4-2004.

(Theo Địa chí Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng chí Lê Thanh Nghị - người chiến sĩ trung kiên