Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đi nước cờ mới là dầu khí khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo.
Chiều ngược lại, Trung Quốc đang có dấu hiệu sử dụng chiến tranh tiền tỷ đầy toan tính để giành lại ưu thế trong cuộc chiến thương mại.
Dồn dập đòn hiểm
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc chưa hề có tín hiệu tươi sáng trở lại trong bối cảnh vị tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump đang lần lượt thực thi những gì mà ông đã công kích Trung Quốc trong quá trình chạy đua vào Nhà Trắng - những lời cam kết tưởng chừng bị rơi vào quên lãng.
Thông tin từ WSJ cho biết Mỹ yêu cầu các nước phải ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran trước ngày 4.11, nếu không sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ Mỹ. Đây là một động thái cứng rắn tiếp theo mà chính quyền ông Trump đang hướng tới khu vực Trung Đông và cũng là thêm một đòn giáng vào Trung Quốc.
Đa số các doanh nghiệp tại châu Âu đã rút khỏi hợp tác với Iran. Tại châu Á, một số nước cũng rút lui, một số khác đang chuẩn bị nghiêng theo về phía Mỹ. Trung Quốc rơi vào tình trạng khó xử bởi nếu hợp tác với Mỹ thì nhiều khả năng sẽ trúng thêm đòn hiểm của ông Donald Trump.
Giá dầu tăng lên sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế Trung Quốc, còn ngành dầu khí đá phiến của Mỹ lại được hưởng lợi. Hàng loạt dự án lớn của Trung Quốc tại Iran sẽ đình trệ, nguồn cung dầu mỏ từ Iran cho Trung Quốc bị tác động tiêu cực. Ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông gia tăng, trong khi của Trung Quốc suy giảm. Từ tháng 5 tới nay, giá dầu đã tăng không ngừng từ mức 50 USD lên 70 USD/thùng.
Trước đó, ông Trump đã dồn dập tung vũ khí thuế và khởi động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh khiến thị trường tài chính Trung Quốc chao đảo, đồng NDT tụt giảm 7-8%. Ngày 20.7, ông Trump tuyên bố sẵn sàng áp dụng thuế quan lên lượng hàng hóa trị giá 500 tỷ USD từ Trung Quốc, sau khi đã áp thuế 25% lên hàng hóa trị giá 34 tỷ USD và theo kế hoạch áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Ông Trump cáo buộc Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) thao túng tiền tệ, duy trì lãi suất thấp...
Trong suốt cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi năm 2016, ông Trump đã liên tục chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ, bảo hộ thương mại, không kiềm chế Triều Tiên. Ông Trump có những lúc còn thách thức Trung Quốc khi điện đàm với lãnh đạo Đài Loan và tuyên bố muốn thương lượng lại chính sách “một Trung Quốc”.
Đáp lại những động thái về thuế của ông Trump, Trung Quốc đã và đang tung ra vũ khí để chống lại Mỹ. Gần đây, có dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc đã khởi động một cuộc chiến tiền tệ, phá giá đồng NDT và thực hiện chiêu bài cô lập Mỹ.
Trong một phản ứng mới nhất, hôm 24.7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này không có ý định sử dụng các biện pháp như phá giá cạnh tranh đồng nội tệ để khuyến khích xuất khẩu.
Tuy nhiên, trên thực tế đồng NDT đã xuống mức thấp nhất lịch sử so với USD, chỉ còn 6,82 NDT đổi 1 USD. Kể từ cuối quý 1 đến nay, đồng NDT đã giảm giá khoảng 8% so với đồng USD.
Donald Trump khó lường, thế giới nín thở
Trong lúc quan hệ thương mại Mỹ - Trung căng thẳng, Trung Quốc tỏ ra thân mật với châu Âu, tiến hành đàm phán thương mại với Canada. Trung Quốc cũng có thể gia nhập Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay còn gọi là TPP 11, sau khi ông Trump rút lui.
Bên cạnh đó, giới quan sát cho rằng Trung Quốc còn có các vũ khí như: dừng mua trái phiếu kho bạc Mỹ, thậm chí bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ và có thể gây khó dễ cho các công ty Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc...
Ở chiều ngược lại, ông Trump tiếp tục thể hiện sự khó lường. Trong cuộc hội đàm giữa ông Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Nhà Trắng hôm 26.7, Mỹ - Eu tuyên bố đạt thỏa thuận sẽ cùng làm việc để giảm mức thuế về 0 đối với nhiều sản phẩm trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng. Nguy cơ cuộc chiến thương mại M ỹ- châu Âu được giải tỏa.
Sau cuộc họp, ông Trump cũng cho biết sẽ xét lại quyết định tăng thuế đánh vào nhôm thép của châu Âu. EU thông báo sẽ nhanh chóng mua đậu nành của Mỹ và sẽ mua thêm khí thiên nhiên hóa lỏng của Mỹ.
Trước những hành động khó lường của ông Trump và thị trường tài chính chao đảo, thế giới đang nín thở theo dõi các động thái từ Nhà Trắng, từ Bắc Kinh cũng như từ các nền kinh tế lớn trong đó có châu Âu, Nhật...
Trong cuộc họp G20, các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu kêu gọi tăng cường đối thoại để ngăn chặn căng thẳng thương mại và căng thẳng địa chính trị khỏi ảnh hưởng đến tăng trưởng. Tuy nhiên, cuộc họp đã kết thúc với rất ít sự đồng thuận về cách thức giải quyết tranh chấp và định hướng tương lai vẫn mờ mịt.
Nhật Bản thì lo ngại sẽ trở thành cái tên tiếp theo bị ông Donald Trump chỉ trích thao túng tỷ giá. Sau nhiều năm nới lỏng, nền kinh tế Nhật vẫn trì trệ cho dù đồng Yên liên tục suy yếu.
Cú tăng giá mạnh của đồng USD đã ảnh hưởng tới thị trường tài chính toàn cầu, trong khi đó việc đồng NDT giảm mạnh khiến toàn bộ cục diện thị trường tiền tệ châu Á thay đổi. Giới đầu tư lo ngại sự trượt giá của đồng NDT lần này có thể có hậu quả như cú sốc tiền tệ cách đây 3 năm tại Trung Quốc.
Trong vài phiên gần đây, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lại có dấu hiệu tăng tiếp và sắp trở lại ngưỡng 3%.
Giới đầu tư hiện chờ đợi điều trần về vấn đề thuế trong bối cảnh truyền thông Mỹ vẫn chĩa mũi dùi vào ông Trump trong khi tỷ lệ ủng hộ ông Trump bất ngờ tăng giữa tâm bão chỉ trích sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga tại Helsinki.
Theo YNT, chính quyền Trump không hề sai lầm khi đặc biệt chú ý đến chương trình Made in China 2025 của Bắc Kinh. Cách tiếp cận từ trên xuống của Trung Quốc đã đem lại cho các công ty lợi thế và có thể tiếp tục làm thay đổi bức tranh thương mại toàn cầu, nhất là sau khi ông Trump nghỉ hưu.
Tại hội chợ triển lãm thường niên các sản phẩm “Made in America” từ 23-24.7 trong khuôn viên Nhà Trắng, Washington, ông Trump xuất hiện với chiếc mũ có in dòng chữ “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và thể hiện cam kết của Chính phủ đối với việc đảm bảo có thêm nhiều sản phẩm được sản xuất tại Mỹ.
V. Minh (Vietnamnet)