Đơn vị đi đầu trong xây dựng công trình thủy lợi

21/12/2019 09:51

Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 2 đã có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực thủy lợi, góp phần phục vụ hiệu quả sự phát triển nông nghiệp...


Cống Cầu Xe (Tứ Kỳ) do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 2 xây dựng được đưa vào sử dụng đầu năm 2019

Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 2 (còn gọi là Ban 2) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được thành lập ngày 20.6.1974. 45 năm qua, Ban 2 luôn gắn bó với công cuộc trị thủy, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, trong đó có Hải Dương. 

45 năm hình thành, phát triển 

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, miền Bắc còn nhiều khó khăn, sức người, sức của phải dồn cho kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đảng, Nhà nước, Bộ Thủy lợi vẫn quan tâm đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy nông ở miền Bắc để chủ động tưới tiêu, chống úng, chống hạn, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo... Ban 2 ra đời trong thời kỳ đầy gian khó đó. 

Lịch sử hình thành và phát triển của Ban 2 gắn liền với sự ra đời của những công trình thủy lợi trọng điểm. Đơn vị đã có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực thủy lợi, góp phần phục vụ hiệu quả sự phát triển nông nghiệp, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu.

45 năm qua, Ban 2 đã có 4lần đổi tên, cùng thay đổi vai trò, chức năng, nhiệm vụ để đồng hành và gắn liền với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khởi đầu là Ban Kiến thiết khu vực Quảng Ninh (những năm 1974 - 1985).

Tiếp đó là các Ban: Quản lý xây dựng công trình thủy lợi 313, 323 và 318 (1985-1995); Ban Quản lý dự án thủy lợi 403 (1995-2007) và từ năm 2007 đến nay là Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 2. Địa bàn hoạt động cũng nhiều thay đổi, từ khu vực tỉnh Quảng Ninh, mở rộng sang địa bàn các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình và TP Hải Phòng.

Cũng từ năm 2007, Ban 2 hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập. Ban 2 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao làm chủ đầu tư các dự án thuộc 13 tỉnh gồm Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh và TP Hải Phòng.

Ban 2 hiện có 33 thạc sĩ, kỹ sư và cán bộ kỹ thuật chuyên ngành được tổ chức thành 4 phòng chức năng, gồm Tổ chức - Hành chính, Tài chính - Kế toán, Kế hoạch - Thẩm định, Quản lý thi công và 3 ban trực thuộc (gồm các Ban Quản lý: đầu tư xây dựng dự án hồ chứa nước Bản Lải; hồ chứa nước Nặm Cắt; dự án thủy lợi 202 - Cầu Xe). 

Nhiều công trình trọng điểm

Ngay sau khi thành lập năm 1974, Ban Kiến thiết khu vực Quảng Ninh đã được Bộ Thủy lợi giao thi công các công trình cấp nước cho công nghiệp, đô thị. Đập Thác Nhồng - Nhà máy nước Đông Ho, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) cung cấp nước sinh hoạt cho phía tây thị xã Hòn Gai, khu du lịch Bãi Cháy.

Đập Đá Bạc - Nhà máy nước Diễn Vọng cung cấp nước cho phía đông thị xã Hòn Gai, thị xã Cẩm Phả và khu mỏ than Hồng Quảng. Các công trình hoàn thành nhanh, đưa vào sử dụng kịp thời để người dân, nhất là bà con dân tộc huyện Hoành Bồ yên tâm bám đất, bám rừng.

Năm 1978, Ban 2 khởi công xây dựng hồ Yên Lập ở huyện Yên Hưng (Quảng Ninh), một trong những công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam những năm 70 của thế kỷ trước. Hồ có dung tích chứa đến 143 triệu m3 nước.

Ngoài cung cấp nước tưới cho hơn 10.000 ha đất nông nghiệp, hồ này còn điều hòa nguồn nước, cấp nước sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh ở các huyện Yên Hưng, Hoành Bồ, thị xã Uông Bí, TP Hạ Long. Đến nay, qua mấy chục năm khai thác và sử dụng, hồ Yên Lập vẫn bảo đảm chất lượng và phát huy tốt vai trò của mình.

Tại Hải Dương, nhiều công trình thủy lợi trọng điểm do Ban2 quản lý đầu tư xây dựng đã góp phần tưới, tiêu chủ động, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó hình thành những đồng lúa hàng hóa chất lượng cao, chuyên canh cây rau màu, nuôi thủy sản...

Trong số đó phải kể đến các trạm bơm Bình Hàn (TPHải Dương), Đò Neo (Tứ Kỳ), Văn Thai (Cẩm Giàng), Cầu Sộp (Bình Giang)...

Hệ thống thủy nông An Kim Hải với các cầu, cống Bằng Lai, Quảng Đạt đã góp phần bảo đảm an toàn chống lũ, chủ động nước tưới cho 13.370 ha diện tích canh tác (trong đó có 6.712 ha của huyện Kim Thành), tiêu cho 20.833 ha lưu vực; tạo nguồn nước nguyên liệu cho các nhà máy nước Vật Cách, An Dương (TP Hải Phòng) với tổng công suất 250.000 m3/ngày đêm.

Hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải với các đầu mối như cống Xuân Quan và Cầu Xe, An Thổ cũng góp phần quan trọng phục vụ tưới tiêu gần 200.000 ha lưu vực... Cống Cầu Xe (Tứ Kỳ) được xây dựng, đưa vào sử dụng tháng 2.2019. Cùng với cống An Thổ, cống có nhiệm vụ tiêu cho gần 87.000 ha đất nông nghiệp thuộc TP Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. 

Phát huy truyền thống 45 năm qua, tập thể Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 2 tiếp tục gắn bó với công cuộc thủy lợi của khu vực và không ngừng sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến để xây dựng các công trình hiện đại phát triển nông nghiệp, đổi mới nông thôn.   

TRẦN VĂN LĂNG, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 2

Với thành tích đạt được, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 2 đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Lao động hạng ba; cờ thi đua và bằng khen của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của các địa phương; nhiều cá nhân của ban được tặng Kỷ niệm chương, cúp vàng xây dựng...
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đơn vị đi đầu trong xây dựng công trình thủy lợi