Đơn thuốc viết tay nhưng chữ xấu đến nỗi dược sĩ cho biết chính anh và bác sĩ giàu kinh nghiệm ở Hà Nội cũng “vò đầu bứt tai”.
Một toa thuốc được bác sĩ viết tay với nét chữ ngoằn ngoèo, không phải là người trong ngành thì khó có thể đọc được - Ảnh: Bệnh nhân cung cấp
Trang cá nhân của một dược sĩ khá nổi tiếng ở Hà Nội vừa chia sẻ toa thuốc của bệnh nhân quê anh. Toa viết tay nhưng chữ xấu đến nỗi dược sĩ này cho biết chính anh và bác sĩ giàu kinh nghiệm ở Hà Nội cũng “vò đầu bứt tai”.
Theo đơn thuốc gồm 2 trang mà dược sĩ này chia sẻ, phần kê đơn thuốc chữ xấu đến nỗi bệnh nhân không đọc nổi là thuốc gì, dùng ra sao, phần dặn dò cũng chỉ "đoán mang máng" là 7 ngày khám lại, không biết có chính xác hay không.
Người bệnh đã mang đơn thuốc này đến hỏi ý kiến một bác sĩ đúng chuyên khoa và giàu kinh nghiệm ở Bệnh viện Bạch Mai, nhưng bác sĩ này cũng chịu không luận ra tên thuốc.
Một đơn thuốc khác được bệnh nhân gửi đến cho chúng tôi cũng trong tình trạng tương tự. Bệnh nhân bị chấn thương thể thao và mới đi khám cuối tháng 8 vừa qua.
Nhưng ngặt một nỗi khi xem đơn, rất khó để luận ra bác sĩ chẩn đoán như thế nào và kê đơn thuốc gì. Phần chỉ định chụp chiếu cũng chỉ nhìn được chữ X-quang, còn lại là chịu.
Chia sẻ với phóng viên ngày 14.9, bác sĩ T., người có đơn thuốc "chữ xấu không đọc nổi" đang được chia sẻ trên mạng xã hội, cho biết ông cũng nhận ra chữ viết của đơn thuốc xấu và sẽ rút kinh nghiệm sau “sự cố” lần này.
“Bình thường nếu người bệnh không quá đông tôi vẫn viết đơn thuốc đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên, hôm đó do lượng bệnh nhân khá đông nên đã viết nhanh hơn. Hầu hết đơn thuốc được mua tại khu vực phòng khám nên người bệnh cũng không phải hỏi lại.
Sau đó có thể là do người nhà bệnh nhân về đọc lại đơn thuốc nên bức xúc mới đăng tải lên mạng xã hội. Bản thân tôi cũng coi đây là bài học và rút kinh nghiệm về chữ viết của mình”, bác sĩ T. nói.
Cũng theo bác sĩ T., việc ghi đơn thuốc sẽ nhanh hơn làm bệnh án/đơn thuốc điện tử do ông không có người hỗ trợ. Vì vậy thông thường khi đông bệnh nhân, bác sĩ sẽ viết đơn tay để giảm thời gian chờ của bệnh nhân.
"Thực tế đa phần bác sĩ đều muốn tốt nhất cho người bệnh, nhưng đôi khi kỹ năng mềm lại kém thành thử người bệnh chưa tin tưởng. Tôi làm nghề 15 năm rồi, đây là trường hợp đầu tiên tôi bị người bệnh phản ánh. Thực tế tôi rất buồn, còn những vấn đề khác thì không có gì", bác sĩ T. tâm sự.
Chia sẻ với phóng viên, một bác sĩ trưởng trạm y tế ở Hà Nội cho biết có trường hợp bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, khi cầm đơn bác sĩ lên trạm y tế thì bác sĩ của trạm không thể đọc được để lấy thuốc. Người bệnh lại phải quay trở lại bệnh viện hoặc lên thành phố để mua thuốc, tốn kém cả chi phí và thời gian cho người bệnh.
"Nếu viết một đơn thuốc hay chỉ dẫn mà bệnh nhân không hiểu gì thì cần phải xem xét, tôi nghĩ đó còn là vấn đề "y đức" của bác sĩ. Chúng ta nên có những quy định chặt chẽ hơn, thậm chí có thể xử phạt bác sĩ nếu viết đơn, chỉ dẫn mà chữ không ai dịch được" - vị này nêu ý kiến.
Dưới đây là quan điểm của những người công tác trong ngành y tế xoay quanh vấn đề viết chữ xấu trong đơn thuốc và lời dặn cho bệnh nhân: Bác sĩ NGUYỄN HOÀI NAM - nguyên Phó Chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật lồng ngực và tim mạch Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh Bác sĩ viết chữ xấu sẽ gây hệ lụy đến bệnh nhân Bác sĩ NGUYỄN HUY HOÀNG, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) |
Theo Tuổi trẻ