Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã dành nhiều nguồn lực cải tạo hệ thống lưới điện nông thôn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Từ khi trạm biến áp La Ngoại 2 đưa vào sử dụng, chất lượng điện của người dân xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) được cải thiện đáng kể
Cùng với việc đầu tư tại khu vực đô thị, khu công nghiệp, trong nhiều năm qua, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã dành nguồn lực đáng kể nâng cấp hệ thống lưới điện khu vực nông thôn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đẩy nhanh tiến độ
Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi theo cán bộ Điện lực Hải Dương tới công trường thi công xây dựng đường dây và trạm biến áp (TBA) 110 kV Kim Thành thuộc địa bàn xã Kim Anh. Trên công trường, từng tốp thợ làm việc khẩn trương, từ chỉ huy công trường tới công nhân ai nấy đều quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án.
Từ tháng 7.2021, dự án trên được khởi công xây dựng với các hạng mục TBA 110 kV Kim Thành, công suất 2x63 MVA (giai đoạn 1 lắp 1 máy biến áp có công suất 63 MVA); xây dựng khoảng 1 km đường dây mạch kép 110 kV đấu nối từ VT 24 của đường dây 110 kV Thanh Hà đến TBA 110 kV Kim Thành. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 74 tỷ đồng. Khi hoàn thành, ngoài việc giúp san tải cho TBA 110 kV Lai Khê (Kim Thành) đang bị quá tải, còn giúp cải thiện chất lượng điện tại các khu vực nông thôn của huyện Kim Thành và các huyện lân cận.
“Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết không thuận lợi và giá cả vật tư leo thang nhưng đơn vị thi công vẫn đẩy nhanh tiến độ, cố gắng hoàn thành các hạng mục công trình, bảo đảm chất lượng và sớm hoàn thành vào ngày 10.12 tới, vượt tiến độ trước khoảng 3 tháng”, ông Nguyễn Hữu Trình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư, thương mại và xây lắp điện Đông Á cho biết.
Tại huyện Thanh Hà, Điện lực Hải Dương cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án xây dựng TBA 110 kV Thanh Hà và các nhánh rẽ. Đây là TBA 110 kV đầu tiên của huyện Thanh Hà, có tổng mức đầu tư 175 tỷ đồng. Dự án này có quy mô xây dựng hơn 16 km đường dây mạch kép 110 kV từ TBA 220 kV Hải Dương 2 đến TBA 110 kV Thanh Hà (qua thị xã Kinh Môn và 2 huyện Kim Thành, Thanh Hà); xây dựng trạm 110 kV Thanh Hà, công suất 2x40 MVA (giai đoạn 1 lắp 1 máy biến áp có công suất 40 MVA). Khi dự án này hoàn thiện sẽ cung cấp nguồn điện ổn định chất lượng cao cho các phụ tải trên địa bàn huyện Thanh Hà và các huyện lân cận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Trong năm 2021, Điện lực Hải Dương tập trung thực hiện 35 dự án đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện từ 0,4-110 kV trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có nhiều dự án lưới điện nông thôn. Ngoài ra, đơn vị dành trên 22 tỷ đồng thực hiện việc sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên các công trình lưới điện trong toàn tỉnh.
Nâng cao chất lượng điện
Cuối năm 2020, TBA La Ngoại 2 thuộc địa bàn xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) được đưa vào sử dụng với công suất 400 kVA. Sau khi công trình này hoàn thành đã giúp chất lượng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân xã Ngũ Hùng thay đổi rõ rệt. Từ khi nguồn điện ổn định, gia đình ông Nguyễn Văn Lâm yên tâm hơn khi dùng các sản phẩm điện lạnh phục vụ sinh hoạt trong gia đình. “Trước đây, điện yếu, các gia đình trong thôn thường phải sắm thêm ổn áp. Vào mùa hè, điện yếu, lại thường xuyên mất điện ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Nhưng từ khi TBA mới được lắp đặt, chất lượng điện ổn định hơn, chúng tôi yên tâm khi sử dụng các thiết bị điện trong nhà”, ông Lâm nói.
Theo thống kê, riêng Điện lực Hải Dương đang quản lý 191 đơn vị trong tổng số 235 xã, phường, thị trấn. Trong giai đoạn 2010-2020, Điện lực Hải Dương đã dành hơn 1.462 tỷ đồng đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn. Đến nay, 100% số hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn, bảo đảm chất lượng từ nguồn điện lưới quốc gia.
Điện lực Hải Dương đã góp phần đáng kể trong thực hiện tiêu chí số 4 điện nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Nhất là việc đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện trung áp, hạ áp và TBA giúp bảo đảm nguồn cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. 100% hệ thống điện trên địa bàn tỉnh đều được xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp; tình trạng thiếu, yếu điện, hao hụt điện trong sản xuất, kinh doanh được khắc phục…
Hệ thống lưới điện sau khi được đầu tư được quản lý và vận hành chuyên nghiệp. Các hộ dân ở nông thôn giảm được các khoản chi phí phải đóng góp cho quản lý, duy tu sửa chữa lưới điện, không phải bỏ tiền mua sắm công tơ khi có nhu cầu được cấp điện. Mặt khác, sau khi tiếp nhận, chất lượng điện đã tốt hơn, đáp ứng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở nông thôn; đồng thời giảm thiểu tình trạng tai nạn điện trong dân. Ngoài ra, Điện lực Hải Dương cũng tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, tạo điều kiện để người dân nông thôn tiếp cận các dịch vụ điện trực tuyến.
THANH HOA