Đây là sáng kiến của thượng úy chuyên nghiệp Trần Quang Thuận thuộc Ban Chỉ huy quân sự huyện Gia Lộc.
Thượng úy Trần Quang Thuận hướng dẫn dân quân xã Phương Hưng sử dụng “giá đỡ”
Trong huấn luyện, nhiều cán bộ, nhân viên thuộc Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Gia Lộc có tinh thần sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ đạt hiệu quả thiết thực. Điển hình là thượng úy chuyên nghiệp Trần Quang Thuận đã có sáng kiến làm ra “giá đỡ” súng bộ binh bắn máy bay tầm thấp.
Khi về nhận nhiệm vụ nhân viên quân khí tại Ban CHQS huyện Gia Lộc, anh Thuận nhận thấy trong quá trình trực sẵn sàng chiến đấu phòng không, khi sử dụng vũ khí bộ binh bắn máy bay bay thấp, do không có điểm tỳ nên rất khó điều chỉnh tầm và hướng bắn vào mục tiêu. Sau nhiều ngày nghiên cứu, anh đã sáng kiến “giá đỡ” súng bộ binh bắn máy bay tầm thấp. Anh dùng ống tuýp nước có đường kính 4 cm và 3,5 cm, mỗi loại dài 100 cm; 2 vòng bi có đường kính 3 cm; ốc hãm, sắt tận dụng... tất cả chỉ tốn gần 150.000 đồng. Giá bắn được thiết kế gồm 2 phần: chân giá có ốc hãm chiều cao và giá súng có vòng bi tầm, hướng, ốc kẹp thân súng, gông chữ U. Sau khi lắp ráp thành công và đưa vào sử dụng với các loại súng bộ binh như tiểu liên AK, súng trường CKC và K44 rất tiện lợi, chỉ cần đưa súng lên giá, vặn hai ốc kẹp thân súng đều, chặt và giữ súng ở trạng thái cân bằng. Quá trình thao tác bắn có thể đứng hoặc quỳ và điều chỉnh độ cao thấp tùy theo chiều cao, tư thế của người sử dụng.
Khi thử nghiệm huấn luyện, “giá đỡ” đã tỏ ra nhiều ưu điểm rõ rệt. Dân quân Đỗ Đức Quỳnh, chiến sĩ thuộc Trung đội dân quân cơ động (Ban CHQS xã Phương Hưng) cho biết, “giá đỡ” dễ thao tác, thuận tiện trong cơ động, phù hợp với nhiều địa hình nhưng vẫn tạo được điểm bắn vững chắc. Theo anh Quỳnh, “giá đỡ” này cần được phổ biến rộng để huấn luyện và trực sẵn sàng chiến đấu phòng không.
Theo trung tá Phạm Văn Khanh, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Gia Lộc, ưu điểm nổi bật của "giá đỡ" là dễ sử dụng, dễ gia công, giá thành thấp, dễ bảo quản, đặc biệt là ứng dụng trong thực tiễn rất hiệu quả, giúp cán bộ, chiến sĩ tiết kiệm thời gian chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Sắp tới, cơ quan sẽ triển khai “giá đỡ” phục vụ huấn luyện tại các cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang huyện và động viên cán bộ, nhân viên tiếp tục nghiên cứu, sáng kiến ra nhiều mô hình, học cụ huấn luyện hữu ích.
Không chỉ phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác, nắm vững chuyên môn kỹ thuật, tự giác chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, đoàn kết, gần gũi với mọi người, giúp nhau cùng tiến bộ, anh Thuận còn mong muốn tiếp tục đóng góp công sức nhỏ bé của mình để đơn vị làm tốt hơn công tác huấn luyện, từng bước nâng cao hiệu quả sẵn sàng chiến đấu. Từ thành tích sáng tạo trong chuyên môn, thượng úy chuyên nghiệp Trần Quang Thuận đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2013-2014 và được các cấp khen thưởng.
PHÙNG VĂN HẠNH