Tứ Kỳ hiện đang thực hiện việc dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Tuy đã có kinh nghiệm bước đầu nhưng các địa phương còn gặp vướng mắc, khó khăn.
Xã Tứ Xuyên tích cực chỉnh trang đồng ruộng
Kinh nghiệm bước đầu ở Tứ XuyênVề xã Tứ Xuyên, chúng tôi được ông Đặng Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã đưa đi thăm cánh đồng của thôn Trại Vực. Cánh đồng đã "thay da đổi thịt". Đường giao thông nội đồng, đường phân lô, hệ thống tưới tiêu nước được đổ bê-tông thẳng tắp, trông như một bàn cờ. Vừa trát bờ lô, ông Nguyễn Thiên Bắc vừa phấn khởi cho biết: "Khi được xã tuyên truyền, vận động về việc DĐĐT, gia đình tôi hưởng ứng ngay. Qua nhiều năm sản xuất, tôi thấy có ít thửa sẽ thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch cây trồng. Nhà tôi đã dồn đổi cho hàng xóm từ 4 thửa xuống còn 2 thửa. Sau đó, hệ thống đường giao thông, phân lô, thủy lợi được làm thuận tiện cho việc đi lại, sản xuất".
Tứ Xuyên là một trong 2 xã được huyện Tứ Kỳ chọn làm điểm DĐĐT nhằm rút kinh nghiệm. Đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành việc chỉnh trang đồng ruộng, mở rộng, đào đắp lại hệ thống bờ, kênh mương. Các bờ chính rộng hơn 3 m, bờ phụ rộng hơn 1,5 m, cứ 2 lô có 1 mương tưới tiêu ở giữa rộng hơn 1,2 m. Hiện nay, 3 thôn của xã đã đổ bê - tông mới được gần 5 km đường nội đồng, đường phân lô kết hợp với kênh mương tưới tiêu đáp ứng nhu cầu sản xuất cho 65 ha. Do làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nên đến nay, hầu hết các hộ đã tự dồn, đổi ruộng cho nhau. Kinh phí xây dựng đường giao thông, bờ lô, mương tiêu thoát nước, xã hỗ trợ hơn 40% bằng xi - măng, cát, đá theo yêu cầu của từng thôn. Kinh phí còn lại, mỗi hộ đóng góp 1 triệu đồng và 3 ngày công/sào.
Ông Đặng Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Tứ Xuyên cho biết, để đạt được những kết quả tích cực trên, xã xác định việc DĐĐT nếu không có sự đồng thuận cao của bà con nông dân thì không thể làm được. Do đó, ngay từ những ngày đầu thực hiện, xã luôn coi trọng việc nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Trên cơ sở ý kiến của người dân, xã bắt tay vào xây dựng và công khai quy hoạch, kế hoạch, phương án thực hiện. Để tạo sự thuyết phục cao, xã tập trung làm trước việc quy hoạch lại hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng để người dân "mắt thấy, tai nghe". Xã phấn đấu hoàn thành việc DĐĐT vào giữa năm 2015.
Tháo gỡ vướng mắcHiện nay, huyện Tứ Kỳ có diện tích 9.116 ha đất nông nghiệp cần thực hiện DĐĐT. Số hộ được giao ruộng theo Nghị quyết 03 trước thời điểm DĐĐT là 43.322, với 168.116 thửa (bình quân 3,88 thửa/hộ). Trong năm 2014, huyện sẽ triển khai thực hiện đồng loạt DĐĐT ở các xã, thị trấn còn lại. Huyện phấn đấu sau khi hoàn thành DĐĐT, bình quân mỗi hộ sử dụng đất của huyện còn 1,5 - 2 thửa và cơ bản hoàn thành hệ thống bờ lô, đường trục chính, thủy lợi nội đồng.
Tuy nhiên, từ việc làm điểm của 2 xã và một số địa phương khác đang triển khai thực hiện đã xuất hiện nhiều vướng mắc, khó khăn. Đó là tình trạng cấp ủy đảng, chính quyền chưa có quyết tâm cao. Một bộ phận đảng viên, cán bộ chưa thông suốt với việc DĐĐT và không muốn thực hiện. Thời gian qua, việc sản xuất của các hộ dân đã tương đối ổn định nên họ rất ngại thay đổi dù biết việc DĐĐT sẽ mang lại những hiệu quả tích cực cho sản xuất. Còn một số hộ băn khoăn do hiện nay hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp, đồng ruộng không bằng phẳng, tốn công, kinh phí xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, san gạt... Các địa phương sẽ rất khó tìm nguồn kinh phí để thực hiện những phần việc để DĐĐT như xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, trong khi nguồn hỗ trợ của cấp trên không đáng kể. Do đặc điểm đồng đất không đồng đều, có đất tốt, đất xấu, đất bãi, do kỹ thuật canh tác nên cần có diện tích gieo mạ dược, nhu cầu cần đất trồng rau, màu của mỗi hộ khác nhau... nên việc dồn, đổi rất khó. Ông Đặng Văn Bích, Chủ tịch UBND xã An Thanh cho biết: "Thời gian qua, nhiều diện tích đất của xã bị biến động do các hộ tự ý chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên sẽ mất nhiều thời gian để xác minh. Khu đất bãi của xã rộng gần 80 ha đã được người dân dồn, đổi xong và đường giao thông đã được mở rộng nhưng chưa có kinh phí để đổ bê-tông. Bên cạnh đó, nhiều hộ có hàng mẫu đất bãi đang phát triển chăn nuôi, trồng trọt nhưng không được xây dựng nơi trông coi, chứa vật tư, phân bón sẽ gây khó khăn khi sản xuất".
Quá trình triển khai thực hiện DĐĐT, nhiều địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đã dẫn đến người dân hiểu không đúng về mục đích, ý nghĩa của việc DĐĐT nên không ủng hộ. Nhiều người dân cho rằng, việc huy động người dân hiến đất để đắp bờ lô, bờ thửa là để dồn vào lấy đất bán trả nợ tiền xây dựng kết cấu hạ tầng của địa phương...
Thời gian tới, để thực hiện thành công việc DĐĐT, Huyện ủy, UBND huyện Tứ Kỳ cần đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Các xã, thị trấn cần huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu đúng, hiểu đủ việc DĐĐT. Căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá đúng những thuận lợi, khó khăn cũng như chuẩn bị tốt mọi điều kiện cần thiết để thực hiện việc DĐĐT, bảo đảm tính dân chủ, công bằng, khách quan và ổn định sản xuất, đời sống cho nhân dân. Đối với những vùng đất bãi, triều trũng, chân ruộng xấu cần có ưu tiên riêng hoặc quy hoạch thành các vùng nuôi trồng cây, con đặc sản để người dân thuận tiện cho việc chăm sóc, bảo vệ.
DANH TRUNG