Đội tuyển Việt Nam đã thua trận thứ tư liên tiếp tại Vòng loại cuối cùng World Cup 2022, cho dù thất bại đó cũng có nhiều trăn trở giữa lằn ranh của thắng và bại như 3 trận thua trước đó. Nhưng mặc cảm về sự cô đơn thì càng lúc càng lớn.
Ngoài nỗi đau thua trận, các tuyển thủ Việt Nam còn đang bị nỗi cô đơn bao phủ
Ngay khi Vòng loại thứ nhất rồi thứ hai World Cup 2022 diễn ra, không nhiều người hâm mộ Việt Nam tin rằng thày trò huấn luyện viên (HLV) Park Hang Seo có thể làm được điều thần kỳ là nhảy từ bục vô địch SEA Games đến suất dự World Cup.
Đa phần chỉ mong đợi đội tuyển (ĐT) Việt Nam thi đấu hết sức mình, giành được vài chiến thắng trước một vài đối thủ “không thể thua”, tỏ rõ vị thế với những đội bóng Đông Nam Á khác và tuyệt vời nhất là kiếm được suất dự VCK ASIAN Cup thì đã là tuyệt vời nhất trần đời.
Thày trò ông Park Hang Seo đã làm được tất cả những điều đó, nhưng lòng tham (nói một cách tích cực là khát vọng) của con người là vô biên. Chúng ta đã có voi, bây giờ là lúc nghĩ đến Hai Bà Trưng. Chúng ta bắt đầu nghĩ tới chuyện đánh bại Arab Saudi, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc và Oman.
Lòng tham hay khát vọng đó thật ra cũng rất dễ hiểu. Những chiến thắng liên tiếp của thày trò HLV Park Hang Seo trong suốt 3 năm qua, cùng 2 chức vô địch “cấp phường” vội khiến chúng ta nghĩ rằng mình đang tiệm cận đẳng cấp của 32 anh tài phó hội Qatar.
Một sự ảo tưởng sức mạnh dù đáng yêu nhưng hơi quá đáng. Thật sự, chúng ta đã phát triển mạnh mẽ và căn bản từ thời HLV Miura đến Park Hang Seo nhưng trình độ của ĐT Việt Nam vẫn chưa thể ở mức muốn thắng Thái Lan, Malaysia lúc nào là thắng và đẳng cấp của Việt Nam vẫn chưa thể ngang bằng Thái Lan. Thành tựu của 3 năm chưa thể lấp đầy hố sâu mà Thái Lan đã tạo ra trước chúng ta.
Duy Mạnh và nhiều tuyển thủ khác đã phải viết tâm thư xin lỗi cộng đồng mạng vì sai sót thi đấu
Vậy nên, vòng loại cuối cùng World Cup 2022 chính là điểm tới hạn đối với năng lực của ĐT Việt Nam. Thế nhưng, thay vì hân hoan thưởng thức từng trận đấu đỉnh cao; hào hứng với việc trở thành ĐT Đông Nam Á đầu tiên có suất dự VCK ASIAN Cup; khoái trá với việc Thái Lan, Malaysia, Indonesia… phải ngồi nhà xem Việt Nam thi đấu thì chúng ta lại giải phóng sự bất phục và áp lực.
Thật sự, trong 4 thất bại liên tiếp vừa qua, chỉ có trận thua 2-3 trước ĐT Trung Quốc là đem lại nhiều tiếc nuối, bởi chúng ta chỉ còn cách một trận hoà hiên ngang vài chục giây. Còn lại, chúng ta đã thua Arab Saudi, Australia, Oman hoàn toàn tâm phục khẩu phục.
Nhưng đa số người hâm mộ Việt Nam không nghĩ thế. Sự bực tức, cay nghiệt, độc ác đã tuôn ra những bàn phím vô tri. Bất cứ thành viên nào của ĐT Việt Nam cũng có thể trở thành nạn nhân của con quái vật tham lam đang nuốt chửng từng mẩu hoài ức đẹp đẽ, long lanh về HLV Park Hang Seo và các tuyển thủ.
Sự đòi hỏi chiến thắng đã tạo ra áp lực khổng lồ, tạo nên những chấn thương, những sai lầm và những thất bại. Khi đó, những cái đúng, cái hợp lý cái duyên tốt đẹp của ngày hôm qua lại trở thành cái sai, cái bảo thủ, cái nợ tồi tệ của ngày hôm nay.
Không hiểu tại sao chúng ta có thể thoá mạ, công kích cầu thủ trên mạng xã hội khiến các tuyển thủ như Duy Mạnh phải đăng đàn xin lỗi dư luận vì cái thẻ đỏ và quả phạt đền; khiến một vài tuyển thủ khác phải đóng trang Facebook cá nhân trước cơn bão gạch đá phi nhân.
Thú vui trút giận vào Facebook trọng tài đang làm hại hình ảnh bóng đá Việt Nam
Thay vì cảm ơn và cổ vũ, chúng ta lại tấn công tiền tuyến, đẩy ĐT Việt Nam vào sự cô đơn. HLV Park Hang Seo giờ chắc đã cám cảnh món “lật bánh tráng” của bóng đá Việt Nam khi cùng học trò đón nhận những “lá thư quê nhà”.
Cô đơn, day dứt, mặc cảm, hối lỗi… là những thứ không bao giờ nên có trong những hành trình chinh phục. Thế nhưng, chúng ta lại chuyển phát cực nhanh những thứ đó tới ĐT Việt Nam. Làm người hâm mộ bóng đá chân chính, ai lại làm thế?
Con thuyền của ĐT Việt Nam càng đi càng tròng trành trong cô đơn. Có cảm giác một thế lực nào không còn cổ vũ chúng ta nữa, không muốn cái tên ĐT Việt Nam tiếp tục xuất hiện trên những bản tin khen ngợi của FIFA hay AFC.
Trong thành tựu của 3 năm qua, ĐT Việt Nam dưới tay ông Park Hang Seo đã giành được nhiều chiến thắng. Một điều nổi bật, ngoài sự trưởng thành của một thế hệ cầu thủ Việt Nam vừa đạt độ chín muồi như Quang Hải, Văn Toàn, Công Phượng, Tuấn Anh, Duy Mạnh, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng, Tiến Linh… thành công của bóng đá Việt Nam có rất nhiều may mắn.
Ông Park Hang Seo đã từng được gọi là Park Hang Son hay Bác Đang Son. Mà ông son thật, son từ việc sử dụng đội hình thi đấu, lựa chọn chiến thuật, thay đổi cầu thủ cho đến son trong việc ghi bàn, thoát thua hay được trọng tài phán xử có lợi.
Cầu thủ không chỉ cô đơn vì sự chỉ trích của NHM mà còn bởi thiếu sự ưu ái của trọng tài
Bóng đá là một tôn giáo, vậy nên “chuyện tâm linh không đùa được đâu”. Vận son của ông Park Hang Seo bắt đầu từ VCK U23 châu Á tại Thường Châu khi mà chúng ta chỉ có thể lý giải Tiến Dũng phá được quả penalty này nhờ “đổ người theo hướng tổ tiên mách bảo” hay U23 Việt Nam trận đấu này nhờ “Cô thương”.
Vận son của ông Park Hang Seo kết hợp với cái duyên lành cùng ĐT Việt Nam tạo ra một chu kỳ hoàng kim. Bóng đá Việt Nam liên tiếp nở mày nở mặt từ ASIAN Cup, Á vận hội, AFF Cup, SEA Games đến vòng loại World Cup 2022. Còn ông Park, từ một HLV vô danh bỗng chốc trở thành người hùng lưỡng quốc, được “vua biết mặt, chúa biết tên”, được phong là đại sứ hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc…
Tất cả những thứ trên sẽ chỉ là “giai thoại truyền kỳ” nhưng quả thực, có theo dõi hành trình của thày trò HLV Park Hang Seo tại vòng loại cuối cùng World Cup 2022 này mới thấy, dường như chúng ta không còn được “phù trợ” và càng lúc càng cô đơn.
Có một điều khẳng định được là rõ ràng ĐT Việt Nam đang bị đội ngũ trọng tài và VAR đối xử “phũ phàng”. Đây chính là những yếu tố góp phần lớn tạo nên vận may hay vận rủi trong bóng đá. Dường như các trọng tài bảo nhau phải thật thẳng tay với ĐT Việt Nam.
Ở trận gặp Arab Saudi, mặc dù trọng tài chính Ilgiz Tantanshev đã lắc đầu bỏ qua pha để bóng chạm tay Duy Mạnh trong vòng cấm như VAR đã buộc ông này phải đổi ý bằng được để rồi một chiếc thẻ đỏ được rút ra kèm một quả 11m. Đó là một tình huống “kỳ lạ”, và không thường xuất hiện trong bóng đá khi một trọng tài chính bị ép đổi quyết định dù ông có vẻ không muốn.
Có lẽ, chưa bao giờ ông Park Hang Seo cảm thấy cô đơn như bây giờ
Ngay trên sân Mỹ Đình, trọng tài và VAR cũng không có thái độ thân thiện với đội chủ nhà Việt Nam trong trận tiếp ĐT Australia. Không phải vì thế mà ĐT Việt Nam thua oan nhưng rõ ràng động lực xem xét tình huống penalty do cầu thủ Australia để bóng chạm tay trong vòng cấm của trọng tài và VAR là “thiếu nhiệt tình”.
Điều này hoàn toàn khác tình huống của VAR và trọng tài khi Hồ Tấn Tài đoạt bóng hợp lệ, khéo léo trong chân hậu vệ Oman để dẫn đến pha mở tỉ số của ĐT Việt Nam. VAR và trọng tài hết xem xét Tấn Tài có phạm lỗi khi đoạt bóng không đến xem Công Phượng có việt vị không? Rất may, không có gì đủ cấu thành để trọng tài có thể phủ nhận công sức của Tấn Tài và Tiến Linh.
Vậy điều gì đã dẫn tới hiện trạng “Cô hết thương” này, do vận của ông Park Hang Seo không còn son nữa hay do nguyên nhân khác? Có thể nói rằng việc đội tuyển Việt Nam hết sức kém may mắn ở cả 4 trận thua vừa qua một phần do chúng ta hết son nhưng phần lớn là do cách ứng xử.
Ở đây chúng ta không bàn đến thói quen vung tay vung chân của tuyển thủ Việt Nam dẫn tới những quả penalty lãng xẹt mà là hành vi phản ứng của bóng đá Việt Nam với đội ngũ trọng tài. Hãy nhớ lại xem, thói quen truy tìm Facebook của trọng tài đã hình thành từ bao giờ trong cộng đồng mạng Việt Nam?
Có thể nói, cộng đồng mạng Việt Nam là nỗi ám ảnh đối với các trọng tài bóng đá khi họ phải bắt trận đấu có Việt Nam và chẳng may đưa ra một phán quyết có hại cho thày trò ông Park Hang Seo. Chửi bới, thoá mạ, xúc phạm cá nhân và thành viên gia đình, đánh sập Facebook là những thứ kinh tởm đang diễn ra song lại được nhiều người tán thưởng.
Hệ quả, dường như đang hình thành một sự khó chịu của giới trọng tài quốc tế đối với ĐT Việt Nam và họ không còn ưu ái một đội bóng nhỏ bé đang thi đấu quật cường trước đối thủ hùng mạnh. Chỉ còn sự lạnh lùng thậm thiên vị được luật cho phép bởi cụm từ “nhận định”.
Những chiếc thẻ dành cho ông Park Hang Seo, những án treo chỉ đạo, những phán quyết bất lợi nhằm vào ĐT Việt Nam ngày càng nhiều như ngầm khẳng định sự không ủng hộ đó của giới trọng tài. Đừng đổ hết cho VAR và trọng tài trong những thất bại đã qua, mà hãy nhìn vào hành vi cùng thói quen xấu của bóng đá Việt Nam khi ra ngoài biển lớn.
Hành trình của ĐT Việt Nam còn 6 trận đấu nữa. Chúng ta hãy làm điều gì đó để thày trò HLV Park Hang Seo không còn cô đơn!
Theo Bongdaplus