Đổi tiền lẻ: Ngân hàng khan hiếm, chợ đen nhộn nhịp

22/01/2019 11:32

Trong khi tiền lẻ tại các ngân hàng khan hiếm thì ở ngoài chợ đen dịch vụ đổi loại tiền này lại khá sôi động, muốn đổi bao nhiêu cũng có.

Do lượng tiền lẻ vào ngân hàng dịp cuối năm quá ít trong khi nhu cầu xã hội lớn nên dẫn đến khan hiếm

Khó đổi ở ngân hàng

Muốn đổi khoảng 5 triệu đồng tiền mới, mệnh giá từ 20.000 đồng trở xuống để đi chùa và mừng tuổi, chị Phạm Thị Hoa ở phố Hàm Nghi (TP Hải Dương) đã phải nhờ người quen đang làm ở ngân hàng đổi hộ nhưng cũng không được. Chị Hoa cho biết: “Ngân hàng nào cũng kêu khan hiếm, nhất là tiền mệnh giá 10.000 đồng vì năm nay Nhà nước không in mới loại tiền này. Tôi đã phải chuyển sang đổi tiền 10.000 đồng cũ nhưng cũng không còn. Tôi thấy trên mạng xã hội, nhiều người rao đổi tiền lẻ hưởng chệch lệch khá nhiều. Trong đó có rất nhiều cọc tiền loại 10.000 đồng và 5.000 đồng còn rất mới”.

Lý giải băn khoăn của chị Hoa cũng như nhiều người dân, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết trong năm, các ngân hàng thường tung ra một lượng tiền lẻ nhất định để cân đối lưu thông. Rất có thể tranh thủ cơ hội này, một số người đã gom được tiền lẻ để găm hàng chờ đến Tết mới mang ra đổi nhằm hưởng chênh lệch. Từ nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước tăng cường tuyên truyền để người dân hạn chế sử dụng tiền lẻ, nhất là tại khu vực đền, đình, chùa. Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã không đưa tiền mới mệnh giá 5.000 đồng ra lưu thông nhằm hạn chế sử dụng tiền lẻ. Năm nay, cũng mục đích này, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không in mới tiền mệnh giá 10.000 đồng.

Chị Phạm Thị Hồng Chanh, nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín chi nhánh Hải Dương cho biết ngân hàng vẫn đổi tiền lẻ cho người dân bình thường, nhưng lượng tiền lẻ dịp cuối năm vào ngân hàng quá ít. Tiền mệnh giá nhỏ thời điểm này gần như người dân không nộp lại ngân hàng nên rất dễ dẫn khan hiếm tiền lẻ dịp cuối năm.

Cẩn thận khi giao dịch ngoài chợ đen

Dịch vụ đổi tiền lẻ đăng công khai trên Facebook

Trong khi đổi tiền lẻ ở ngân hàng khó khăn thì tại chợ đen thời điểm này lại khá nhộn nhịp. Theo tiết lộ của anh Phạm Anh H., một người chuyên đổi tiền lẻ ở phố Vũ Hựu (TP Hải Dương), khoảng tầm tháng 8, 9 hằng năm, anh đến các ngân hàng gom tiền lẻ. Do thời điểm đó tiền lẻ ở các ngân hàng khá dồi dào nên đổi rất dễ. Để có tiền mới, anh H. nhờ một số người quen đang làm trong ngân hàng thông báo trước đến gom. Sau đó, anh găm lại để gần Tết mới bung ra đổi hưởng chênh lệch.

Nhiều người đã chấp nhận mất một khoản tiền chênh lệch kha khá để có được tiền lẻ. Chị Dương Thùy Dung ở xã Liên Hồng (Gia Lộc) đã từng bị “hớ” khi đổi tiền lẻ ở chợ đen kể: “Gần Tết năm trước, tôi liên hệ với một tài khoản Facebook để đổi tiền lẻ. Họ giao đến tận nhà, số tiền phải trả chênh lệch cũng không nhiều nên tôi quyết định đổi 3 triệu đồng tiền mệnh giá 5.000 đồng và 2 triệu tiền 10.000 đồng. Do cọc tiền quá nhiều lại ngại đếm ngay nên chờ đến tối khi rảnh tôi mới đem ra đếm thì cọc tiền mệnh giá 10.000 đồng thiếu mất 5 tờ. Hỏi lại chủ tài khoản Facebook đó thì họ thoái thác trách nhiệm, nhất định không trả thêm số tiền đổi đã thiếu”.

Dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch ở chợ đen thường nhộn nhịp khoảng 1 tháng trước Tết. Họ có thể đổi tiền mọi mệnh giá. Tiền càng nhỏ thì mức chênh lệch càng lớn. Không chỉ đổi tiền Việt Nam, họ còn có thể đổi tiền nước ngoài với số seri đẹp và cả những mẫu tiền Việt Nam cũ đã ngừng lưu thông.

Trước Tết Kỷ Hợi, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất việc lưu thông, sử dụng tiền lẻ tại các ngân hàng, nhất là một số khu di tích trong tỉnh. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Ngân hàng cũng đã chủ động phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tỉnh tăng cường phối hợp, kiểm soát thị trường tiền tệ, nhất là kinh doanh tiền lẻ hưởng chênh lệch. Các ngân hàng thương mại trong tỉnh cũng đã nghiêm cấm nhân viên phát hành tiền lẻ ra ngoài trục lợi.

Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, những trường hợp đổi tiền lẻ có thu phí nếu bị phát hiện có thể bị phạt từ 20-40 triệu đồng. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị về tăng cường các biện pháp bảo đảm trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Trong đó, Thủ tướng lưu ý đến việc bảo đảm các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm việc cung ứng dịch vụ thanh toán, hệ thống ATM, POS hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cũng khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng tiền lẻ trong dịp Tết, không nên đổi tiền ngoài chợ đen vì phải mất phí chênh lệch và có thể chịu rủi ro tiền giả, tiền không đủ…

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi tiền lẻ: Ngân hàng khan hiếm, chợ đen nhộn nhịp