Từ một làng chài nghèo đói, thất học, thôn Trường Giang đã vươn lên trở thành điểm sáng của xã Thanh Xuân (Thanh Hà) trong xây dựng nông thôn mới...
Đường giao thông bê-tông rộng, đẹp là niềm tự hào của người dân thôn Trường Giang
Từ một làng chài nghèo đói, thất học, thôn Trường Giang đã vươn lên trở thành điểm sáng của xã Thanh Xuân (Thanh Hà) trong xây dựng nông thôn mới.
Mặc cảm "dân chài đáy"Chúng tôi về thôn Trường Giang, xã Thanh Xuân (Thanh Hà) vào một ngày nắng đẹp. Con đường đê chạy từ cống sông Hương vào thôn được đổ bê-tông phẳng lì dẫn vào thôn. Đường làng rộng thênh thang, những nếp nhà cao tầng đua nhau mọc lên minh chứng cho cuộc sống nơi đây đang dần no ấm. Cuộc sống hôm nay đã đổi thay nhưng ký ức về cái nghèo, cái khổ vẫn như một cuốn phim trong lòng những người dân Trường Giang. Thôn Trường Giang hình thành cách đây gần 200 năm. Khi đó, một số ngư dân quanh năm rong thuyền trên sông Hương đã dừng chân ở bãi lau sậy, cắm chòi, lập nên một xóm nhỏ. Sau này, xóm chài bên bờ sông có tên là xóm Trường Giang. Năm 1957, xã Thanh Xuân được thành lập gồm 2 thôn Thiện Trang và Xuân Áng, nhưng giải tán một năm sau đó. Đến năm 1959, xã Thanh Xuân được lập lại. Trường Giang trở thành một xóm của thôn Xuân Áng. Tuy nhiên, nếp sống, tín ngưỡng có nhiều điểm khác biệt với cư dân nông nghiệp khiến những ngư dân Trường Giang co mình vào một thế giới khác. Nỗi mặc cảm mang tên “dân chài đáy” theo họ suốt hàng trăm năm. Sinh ra và lớn lên ở làng chài Trường Giang, đồng chí Nguyễn Xuân Chiêm (57 tuổi), Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân nhớ lại: "Ngày trước, người dân quê tôi ít giao lưu với địa phương khác vì mặc cảm, tự ti về sự nghèo khổ, ít học. Đi đâu, hễ nghe người khác nói đến “dân chài đáy” là buồn, là tủi”. Trước đây, đường sá trong xóm Trường Giang chỉ nhỏ như bờ ruộng. Hình ảnh con đường lầy lội, ngập ngụa bùn đất mỗi khi trời mưa trở thành ký ức không thể nào quên đối với nhiều người dân ở đây. Bên cạnh đó, với quan niệm "trời sinh voi, trời sinh cỏ”, hầu hết các gia đình ở xóm chài đều sinh nhiều con. Không ít gia đình có đến ... hàng chục đứa con. Lũ trẻ con trong thôn nheo nhóc, thất học, cả ngày chỉ biết theo đuôi con tôm, con cá. Khoảng 30 năm trở về trước, số người ở Trường Giang được đi học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Con đường đến với cái chữ của những đứa trẻ may mắn ấy cũng không kém phần nhọc nhằn: Quần dài đeo lên cổ, sách vở đội lên đầu, lội bì bõm trên con đường nhớp nhúa bùn đất sang thôn khác, xã khác mới có lớp học. Thương con, nhiều gia đình chung nhau một chiếc thuyền nan đẩy lũ trẻ vào bờ đi học. Ngư dân Trường Giang sợ nhất mùa mưa bão. Mỗi lần mưa to, gió lớn, họ gác lại việc mưu sinh, đem thuyền về “cắm bãi” để lo chống cọc, cắm chằng giữ nhà. Những căn nhà tạm bợ vách đất, mái tranh liêu xiêu trong mưa gió. Qua mỗi cơn bão, việc đổ nhà, tốc mái,... đã không còn là chuyện xa lạ với các hộ dân ở đây.
"Giũ bùn" đứng dậySau nhiều lần đề nghị, năm 2003, Trường Giang chính thức tách khỏi thôn Xuân Áng để trở thành một thôn độc lập. Người Trường Giang bắt đầu gây dựng thôn bằng hai bàn tay trắng. Cơ sở vật chất thiếu thốn, cán bộ phải mượn nhà dân để tổ chức họp chi bộ. Người dân trong thôn cùng nhau họp bàn xây dựng quy chế làm việc, quy ước thôn, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và đời sống văn hóa, tinh thần. Đồng chí Nguyễn Xuân Chiêm, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân cho biết: “Trước đây, Trường Giang là xóm nghèo nhất xã, mọi mặt của đời sống đều phải phụ thuộc vào thôn Xuân Áng. Từ khi thành lập thôn, người dân được tự mình kiến thiết quê hương nên vô cùng phấn khởi, nhiệt tình. Nắm bắt được tâm lý của người dân, các cán bộ, đảng viên trong thôn, xã tích cực vận động, tuyên truyền để bà con thấy rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong việc xây dựng nông thôn mới”. Năm 2008, nhà văn hóa của thôn được xây dựng. Năm 2010, thôn Trường Giang đề nghị nâng cấp miếu thờ Yết Kiêu (vị võ tướng thủy quân được coi là vị thần hộ mệnh của ngư dân) thành đền thờ để phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương. Công trình này được Nhà nước hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng, số tiền còn lại do người dân tự nguyện đóng góp. Ngay sau đó, trước yêu cầu cấp bách về đường sá, thôn Trường Giang lập kế hoạch xây dựng giao thông nông thôn. Những đảng viên phụ trách các cụm dân cư nhiều lần họp bàn với người dân để lên kế hoạch cụ thể. Tất cả các cán bộ, đảng viên trong thôn làm nòng cốt trong việc đóng góp, hiến đất,... để bà con tin tưởng và làm theo. Khi đã nhất trí với kế hoạch của ban kiến thiết, người dân tự động chặt bỏ cây cối, tháo dỡ cả những tường bao kiên cố,... để phục vụ cho việc làm đường. Sau khi giải tỏa, cả thôn trở thành một công trường lớn, rộng mênh mông. Cuối năm 2012, xi-măng của tỉnh hỗ trợ chuyển về xếp dọc hai bên đường. Nhân dân nô nức bắt tay vào xây dựng con đường mà từ lâu họ thầm mơ ước. Đầu năm 2013, hơn 3 km đường bê-tông rộng 4 m, có đoạn rộng 5-6 m hoàn thành. Nhân dân đã đóng góp 85% kinh phí làm đường và hiến 3.700 m2 đất. Người dân tự thành lập ban giám sát để quản lý toàn bộ kinh phí, công khai tài chính trước dân. Cán bộ thôn, xã có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng. Phong trào xây dựng giao thông nông thôn ở Trường Giang được huyện, tỉnh đánh giá rất cao. Ông Nguyễn Văn Xuyên, Bí thư Chi bộ thôn Trường Giang xúc động kể: “Có đường bê-tông to đẹp, nhiều người trong thôn mừng rơi nước mắt. Có cụ già chiều chiều lại mang chổi ra quét đường cho sạch sẽ. Các cụ bảo cả đời cũng không dám mơ tới con đường đẹp như thế này!”.
Hơn 10 năm qua, thôn Trường Giang từng bước thay da đổi thịt và dần trở thành niềm tự hào của con em quê hương. Hiện nay, cả thôn có 276 hộ với 830 nhân khẩu. Trong đó, có trên 220 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 100% số hộ xây nhà kiên cố, nhà cao tầng. Năm 2008, gần 20% số hộ trong thôn thuộc diện hộ nghèo, đến năm 2013, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 6%, thu nhập bình quân theo đầu người đạt 15 triệu đồng/năm. Từ năm 2003 đến nay, 100% số trẻ đến tuổi đi học đều được đến trường, trong thôn có nhiều người học cao học, đại học, cao đẳng, trung cấp. Toàn xã hầu như không còn người sinh con thứ ba. 10 năm liền Chi bộ Đảng thôn đạt trong sạch, vững mạnh. Năm 2013, đại diện thôn Trường Giang được dự lễ báo công tại lăng Bác. Với những thành quả đã đạt được cả về đời sống vật chất và tinh thần, thôn Trường Giang đang phấn đấu đạt danh hiệu “Làng văn hóa” trong năm 2014.
Đến Trường Giang, chúng tôi nhận thấy ký ức về sự nghèo khổ, khốn khó vẫn trở về trong những câu chuyện thường ngày của những người cao tuổi. Dường như quá khứ là bài học sâu sắc để mỗi người dân Trường Giang càng thêm trân trọng cuộc sống hôm nay.
KHÁNH CHI