Vừa qua, một người dân ở TP Cần Thơ bị phạt 90 triệu đồng do đổi 100 USD sang tiền Việt Nam (VNĐ) tại một cửa hàng vàng khiến nhiều người dân lo ngại.
Vậy đổi ngoại tệ ở đâu mới đúng quy định, phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn ông Trần Anh Hùng, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh về vấn đề này.
- Người dân có thể đổi ngoại tệ ở ngoài ngân hàng không? Pháp luật quy định thế nào về việc mua bán ngoại tệ, thưa ông?
- Thông tư số 20/2011/TT-NHNN ngày 29.8.2011 của NHNN Việt Nam về việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép quy định: Cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ, bao gồm tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại ở nước ngoài liên quan đến các mục đích sau: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài (theo khoản 1, điều 2). Cá nhân bán ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép và đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối (khoản 4, điều 2).
Thông tư 20 cũng quy định các tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm thông báo danh sách các địa điểm mua, bán ngoại tệ tiền mặt của toàn hệ thống trên trang tin điện tử của tổ chức tín dụng được phép (khoản 1, điều 6).
Như vậy, muốn mua, bán ngoại tệ, người dân có thể đến các địa điểm được phép mua, bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại được phép. Để biết chính xác địa điểm mua, bán ngoại tệ hợp pháp, người dân có thể truy cập website của các tổ chức tín dụng. Riêng bán ngoại tệ còn được thực hiện tại các đại lý đổi ngoại tệ được NHNN cấp giấy chứng nhận. Theo quy định, các điểm đổi ngoại tệ hợp pháp đều phải có bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền và tên đại lý đổi; niêm yết công khai tỷ giá giao dịch. Như vậy, ngoài ngân hàng được phép, người dân có thể đến các đại lý đổi ngoại tệ được NHNN cấp giấy chứng nhận để đổi hoặc bán ngoại tệ lấy tiền VNĐ.
Trên địa bàn tỉnh, ngoài mạng lưới các ngân hàng thương mại với 142 phòng giao dịch, NHNN tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ cho 8 tổ chức kinh tế.
- Đề nghị ông cho biết nếu người dân thu đổi ngoại tệ ở nơi chưa được cấp phép sẽ bị xử lý như thế nào, người bán ngoại tệ trái phép sẽ bị xử lý ra sao?
- Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17.10.2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng như sau:
+ Điểm a, khoản 3, điều 24 quy định: Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Theo quy định tại khoản 8, điều 24, hành vi trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên.
+ Điểm b, khoản 5, điều 24 quy định: Phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng đối với hành vi thực hiện giao dịch hối đoái không đúng quy định của NHNN.
Mức phạt tiền đối với các hành vi trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài ra, đối với tổ chức vi phạm: Khoản 7, điều 24 quy định phạt tiền từ 500 - 600 triệu đồng đối với hành vi hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ, tổ chức làm đại lý đổi ngoại tệ, tổ chức khác mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ, hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép, trừ trường hợp quy định tại điểm d, khoản 2 điều này.
- Trân trọng cảm ơn ông!
LAN ANH (thực hiện)