Mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp, các hoạt động đối ngoại nhân dân có nhiều nét khởi sắc, phương thức mới rất sáng tạo, linh hoạt không chỉ ở các hội Trung ương mà còn ở địa phương.
Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga. Nguồn: TTXVN
Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến diễn ra vào ngày 14.12 tại Thủ đô Hà Nội.
Trước thềm hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga đã trả lời phỏng vấn về những khó khăn, thuận lợi cũng như cơ hội mới cho công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
- Năm 2021 là năm tiến hành và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng là năm tình hình trong nước có nhiều thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Công tác đối ngoại nhân dân của Việt Nam có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa Đại sứ?
- Năm 2021, tình hình thế giới và khu vực cũng như trong nước có thuận lợi, khó khăn đan xen. Tương tự như vậy, đối ngoại nhân dân cũng đứng trước những thuận lợi, khó khăn và cả cơ hội mới.
Về thuận lợi, trong nước, Đại hội Đảng lần thứ XIII được tổ chức thành công và xác định đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước là tiếp tục đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng; thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm và tích cực của cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, Đại hội nêu rất rõ nhiệm vụ phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập môi trường và hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực quốc tế, nâng cao vị thế Việt Nam, xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đây là những tiền đề rất thuận lợi cho công tác đối ngoại nhân dân.
Trên thế giới, xu thế chung là hòa bình, ổn định, hợp tác. Vai trò, tiếng nói của người dân, các tổ chức nhân dân ngày càng được coi trọng và phát huy.
Bên cạnh đó, đối ngoại nhân dân cũng đứng trước những thách thức. Đầu tiên là tình hình quốc tế rất phức tạp, tác động lớn đến mục tiêu, phương thức hoạt động, tính chất của các tổ chức nhân dân. Hiện nay, trên thế giới đang xuất hiện nhiều tập hợp lực lượng mới dựa trên lợi ích với phương thức hoạt động linh hoạt, đa dạng; mạng lưới đối tác của chúng ta cũng có nhiều thay đổi. Thế hệ cán bộ làm đối ngoại nhân dân tuổi đã cao, nguồn lực không còn nhiều.
Đối ngoại nhân dân cũng phải đối mặt với tình hình thế giới tác động đến nguồn lực bên ngoài hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức nhân dân. Nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cung cấp cho những dự án phát triển nhân đạo đối với Việt Nam đã trở nên eo hẹp hơn.
Thêm nữa, đại dịch COVID-19 là một trong những thách thức rất lớn đối với công tác đối ngoại nói chung cũng như công tác đối ngoại nhân dân nói riêng; cụ thể là việc nhiều hoạt động đã bị hoãn, hủy. Chúng ta cũng gặp khó khăn trong việc kết nối với các đối tác; các đoàn ra, đoàn vào bị hạn chế rất nhiều.
Tuy nhiên, "cái khó ló cái khôn," Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng như các tổ chức nhân dân khác của Việt Nam đã ứng phó một cách linh hoạt và đổi mới phương thức hoạt động để nhanh chóng thích nghi được với tình hình mới và tiếp tục triển khai hoạt động một cách hiệu quả.
- Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Vậy, vai trò tiên phong ở đây là gì? Công tác đối ngoại nhân dân đã được triển khai như thế nào để đóng góp thiết thực nhất cho vai trò này của đối ngoại Việt Nam, thưa Đại sứ?
- Đại hội Đảng XIII đã xác định rõ mục tiêu cho toàn bộ các hoạt động của đất nước. Đó là, phải giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa; tận dụng được mọi nguồn lực bên ngoài hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển của đất nước để trở thành một nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21.
Những lực lượng làm công tác đối ngoại hiện nay được giao nhiệm vụ là tiên phong đi đầu thực hiện cả 3 mục tiêu: môi trường hòa bình, ổn định; nguồn lực để xây dựng, phát triển đất nước; vị thế, uy tín của Việt Nam.
Tôi cho rằng vai trò tiên phong ở đây là đi trước mở đường, tranh thủ những điều kiện, môi trường quốc tế và khu vực thuận lợi, tạo dựng môi trường đó để đất nước có điều kiện thuận lợi phát triển. Cùng với đó là tìm kiếm, huy động các nguồn lực bên ngoài thông qua tất cả các kênh, đối tác để huy động nguồn lực về vốn, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm…, đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giúp đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Chúng ta cũng tiếp tục củng cố quan hệ với bạn bè, đối tác, xây dựng được một nền tảng xã hội thuận lợi để nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đồng lòng xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị, từ đó tác động rất lớn đến chính sách của các quốc gia. Đây cũng là nền tảng tốt để trên cơ sở đó, chúng ta thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác trên các lĩnh vực với các đối tác quan trọng.
Chúng tôi xác định trong vai trò tiên phong của đối ngoại, đối ngoại nhân dân có vị thế rất quan trọng. Đối ngoại nhân dân có một nền tảng tốt, một vốn quý, đó là tình hữu nghị với các nước, bạn bè, đối tác đã được xây đắp trong rất nhiều thập kỷ qua, từ giai đoạn đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc đổi mới.
Hiện nay, chúng ta cũng đang cố gắng mở rộng mạng lưới bạn bè, nỗ lực hơn nữa huy động nguồn lực quốc tế phục vụ cho xây dựng, phát triển đất nước.
- Cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân được xác định một trong ba trụ cột chính xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại. Trên thực tế, công tác đối ngoại nhân dân đã được triển khai và có đóng góp cụ thể gì cho công tác đối ngoại?
- Công tác đối ngoại nhân dân nói chung và hoạt động của Liên hiệp nói riêng có sứ mệnh rất cao cả, đó là vun đắp hòa bình và tình hữu nghị. Do đó, tất cả các hoạt động của Liên hiệp hữu nghị đều nhằm mục tiêu này. Thời gian qua, công tác đối ngoại nhân dân đã được triển khai trên tất cả các lĩnh vực.
Về lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, mặc dù có những khó khăn do đại dịch COVID-19, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam - tổ chức chính trị-xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân, cùng các tổ chức nhân dân khác của Việt Nam nhanh chóng triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại, sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, ứng dụng internet, các nền tảng mạng xã hội để kết nối với bạn bè.
Có thể nói, trong bối cảnh, giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh, kết nối với bạn bè quốc tế cũng không hề bị gián đoạn với hàng trăm hoạt động được tổ chức; riêng các tổ chức Trung ương của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có hơn 200 hoạt động kết nối với bạn bè quốc tế thông qua các hội thảo, tọa đàm, hoạt động nhân các ngày lễ lớn như kỷ niệm quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước bạn. Bên cạnh đó, các hoạt động của địa phương cũng rất sôi động.
Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân ngày lễ lớn; đồng thời, cùng bạn bè nỗ lực khắc phục khó khăn do đại dịch.
Các địa phương là những đơn vị đi đầu với nhiều hoạt động vừa kết hợp vận động nhân dân trong nước, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để quyên góp các nguồn lực, vừa đóng góp cho các lực lượng tuyến đầu, người dân ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, vừa ủng hộ cho bạn bè quốc tế.
Tính đến nay, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã quyên góp ủng hộ được hơn 47 tỷ đồng; 57 tổ chức phi chính phủ đã ủng hộ hơn 10,6 triệu USD hỗ trợ nhân dân Việt Nam vượt qua khó khăn do đại dịch. Một số hội Trung ương như các Hội Hữu nghị Việt-Lào, Việt Nam-Campuchia, Việt Nam-Ấn Độ đã có nhiều sáng kiến, huy động được nguồn lực rất lớn hỗ trợ nhân dân nước bạn gặp khó khăn.
Trước khó khăn của đồng bào Việt Nam ở Campuchia, các địa phương ở biên giới, các Liên hiệp hữu nghị ở An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh cũng có rất nhiều hoạt động hỗ trợ bà con.
Tôi muốn nhấn mạnh một điểm mới, những hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị không chỉ giới hạn trong những hoạt động đối ngoại đơn thuần mà đã đưa được những nội dung phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội.
Ví dụ, Hội Hữu nghị Việt Nam-Brazil tiếp tục có những tọa đàm về kinh tế; Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ tổ chức tọa đàm về giải pháp công nghệ ứng phó với đại dịch COVID-19; Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức tọa đàm về kiến trúc thành phố.
Như vậy, những hoạt động đối ngoại nhân dân đã ngày càng gắn liền với các tiết mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết đối với nhân dân Cuba, nhân dân các nước, bạn bè, đối tác truyền thống thông qua các hoạt động giao lưu, đoàn kết, hữu nghị.
Ngay sau khi đại dịch COVID-19 bước đầu được kiểm soát, cùng với các hoạt động đối ngoại cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân, tri ân bạn bè quốc tế cũng được kết hợp trong các chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo cấp cao, từ đó tăng cường hơn nữa tình cảm gắn bó, đoàn kết giữa Việt Nam với nhân dân các nước.
Về công tác xây dựng, phát triển tổ chức, năm 2021, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị đã hoàn thành cơ bản thủ tục để sớm thiết lập thêm 2 tổ chức hữu nghị giữa Việt Nam với Maroc và Nepal.
Ngoài các hoạt động song phương với các nước, đối ngoại nhân dân cũng nỗ lực tham gia tích cực, thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn nhân dân đa phương như: Diễn đàn nhân dân ASEAN, Diễn đàn nhân dân Á-Âu; đồng thời, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với Hội đồng hòa bình thế giới; tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác và vai trò của Việt Nam tại một số cơ chế của Liên hợp quốc, tiểu vùng Mekong…
Thông qua những cơ chế, diễn đàn này, tiếp tục tăng cường hình ảnh của Việt Nam ra thế giới để bạn bè quốc tế hiểu rõ thêm về đường lối, chính sách đối ngoại, đối nội của Việt Nam và nâng cao vị thế của Việt Nam, đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề chung mà cộng đồng quốc tế đang phải ứng phó.
Cùng với các lực lượng của các tổ chức nhân dân khác, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng tích cực thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Ở mảng công tác phi chính phủ nước ngoài, mặc dù có những khó khăn về nguồn lực hỗ trợ quốc tế ngày càng eo hẹp nhưng số lượng cam kết của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ dành cho Việt Nam so với những năm trước không giảm đi nhiều, dự kiến có thể đạt tới trên 260 triệu USD. Đây là một con số rất đáng khích lệ.
Tôi cho rằng nét nổi bật nhất của năm nay của đối ngoại nhân dân là mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng vẫn đạt được cơ bản những mục tiêu đề ra. Các hoạt động đối ngoại nhân dân có nhiều nét khởi sắc, phương thức mới rất sáng tạo, linh hoạt không chỉ ở các hội Trung ương mà còn ở địa phương.
- Cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân được xác định một trong ba trụ cột xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại. Vậy, đối ngoại nhân dân cần được triển khai như thế nào để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là một trong những trụ cột của đối ngoại Việt Nam, thưa Đại sứ?
- Những người làm đối ngoại nhân dân rất phấn khởi, tự hào khi đối ngoại nhân dân được khẳng định có vai trò, nhiệm vụ là một trong những trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. Nhưng chúng tôi cũng ý thức rất sâu sắc trách nhiệm rất nặng nề, trăn trở với câu hỏi: Làm thế nào để là một trụ cột? Cần phải làm gì để thực hiện được đúng vai trò của một trụ cột của đối ngoại?
Đối ngoại nhân dân có lợi thế rất lớn, đó là sự linh hoạt, mềm dẻo, có thể tiếp cận được nhiều đối tượng. Đối ngoại nhân dân cũng có một bề dày truyền thống, đó là việc huy động được Mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ Việt Nam và gây dựng được tình hữu nghị bền chặt với nhân dân nhiều nước trên thế giới.
Đó là nét đặc sắc của đối ngoại nhân dân, vừa là kinh nghiệm vừa là vốn quý, phải phát huy được ưu thế này để cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước tranh thủ được điều kiện thuận lợi, duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xây dựng và phát triển đất nước, cố gắng huy động được nguồn lực quốc tế bên ngoài, phục vụ xây dựng phát triển đất nước theo hướng nhanh và bền vững, đạt được mục tiêu đến giữa thế kỷ 21 trở thành nước phát triển với thu nhập cao; đồng thời, phát huy vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ.
Theo TTXVN