Đôi nét Văn Cao

02/09/2016 11:00

Thấm thoắt lại đến 19 tháng 8, tiếp theo là 2 tháng 9, chúng ta lại ăn Tết Độc lập. Tôi không phải lão làng dù 50 năm làm báo đến nay ngày nào cũng viết một bài vào dịp này. Tôi tự nhận mình là người "thức lâu mới biết đêm dài". Vừa qua có lễ công nhận bản quyền "Tiến quân ca" và ông Văn Cao được tặng Huân chương. Buổi lễ khá trang trọng, nhưng vì thế mà làm tôi băn khoăn. Trước đó có một "đơn vị" yêu cầu thu tiền bản quyền bài "Tiến quân ca" để gia đình ông Văn Cao được hưởng phần trăm. Nhưng gia đình ông, gồm bà Băng (vợ ông) và anh Văn Thao đã nói: Theo nguyện vọng của ông, gia đình đã tặng bản quyền này cho Nhà nước từ lâu rồi (!).

Tôi xin  mở một dấu ngoặc, với tư cách là người chỉ đạo biên soạn cuốn "70 năm báo Lao động - 1999" do Phó Giáo sư Đỗ Quang Hưng thực hiện. Năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám, ông Văn Cao, ông "Tiến quân ca" làm việc tại Báo Lao động, trụ sở 51 Hàng Bồ, Hà Nội hiện nay. Ông từ chiến khu về làm báo. Sau này ông bảo tôi: "Hồi đó tao làm tất: Thư ký tòa soạn, vẽ minh họa, trình bày, sắp chữ rồi đi nhà in (của bố vợ ông) in báo. Ngôi nhà 51 Hàng Bồ hồi đó là trụ sở Xứ ủy, ông Nguyễn Văn Trân được Xứ ủy phân công phụ trách báo Lao động. Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo trực tiếp và viết nhiều bài xã luận. Kháng chiến toàn quốc, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đứng trên nóc trụ sở Báo Lao động - ngôi nhà cao nhất khu vực, chiếu ống nhòm để lên kế hoạch kháng chiến khi Trung ương và Chính phủ rút lên chiến khu Việt Bắc.

50 năm sau, tôi thường đến nhà ông Văn Cao ở phố Yết Kiêu thăm ông, đặt ông vẽ bìa, vẽ minh họa cho báo Lao động. Viết, vẽ có nhuận bút. Nhuận bút cái thời phở chín 3 hào, tái 5 hào cũng "còm" lắm. Vì thế khi đến ông, tôi vẫn tự nguyện "khênh" một cút "nước mắt quê hương" để ông uống, có hứng mà vẽ. Tôi biết tính ông, chỉ kể ông nghe nội dung, không bắt ông phải đọc. Và ông vẽ. Tôi nhớ kể cả bìa, minh họa bài ông đều vẽ khuôn mặt người phụ nữ và mấy chiếc lá. Thơ Văn Cao có câu: "Mắt em hình chiếc lá". Đến nay tôi vẫn nghĩ: mắt em, chiếc lá là hai biểu tượng thẩm mỹ của Văn Cao. Sau khi mất ông lại "nổi đình đám" hơn lúc còn sống. Có những năm dài ông sống trong khổ cực. Tôi nhớ chiếc đi văng gỗ dán trong phòng ông, đối diện là chiếc piano cổ lỗ sĩ, đã có mấy miếng bị bong. Tôi đồ rằng là lúc thiếu đóm hút thuốc lào, ông đã bẻ ghế làm đóm, rít một hơi, phà khói trắng mờ mịt cả tháng năm...

Ấn tượng của tôi với cụ Văn Cao viết cả buổi không hết. Chỉ xin kể một chuyện. Cơ quan liên hoan, có mời cụ Văn Cao đến đánh chén nhà hàng (thực ra cụ đâu có ăn được. Tôi phải nghe lời cụ bà lấy phần về cho cụ). Tôi chào: "Em chào cụ!". Ông Văn Cao nhận ra "thằng báo Lao động" giơ ba toong chỉ vào mặt tôi: "Mày đừng có láo. Mày gọi tao là Cụ Văn hay cụ Cao chúng nó nói lái thì tao bị Vặn... bị Cạo... à?". Ông "Quốc ca" là thế, và cuộc đời chúng ta cũng vui là chính, còn nỗi buồn tích làm chi khi ta có giang sơn!

TRẦN ĐỨC CHÍNH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đôi nét Văn Cao