Năm nay, các vùng trồng nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế ở Chí Linh được mở rộng, chất lượng ổn định. Công tác xúc tiến, tiêu thụ nhãn hướng tới đa dạng thị trường, trong đó chú trọng đến thị trường nội địa cao cấp và xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Từ đầu vụ đến nay, hơn 2 tấn nhãn của gia đình ông Đào Văn Viễn đã được tiêu thụ, sản lượng còn lại đã được doanh nghiệp đăng ký thu mua để xuất khẩu
Đa dạng thị trường
Chiều 17.7, khoảng 2 tạ nhãn đầu tiên đã có mặt tại chuỗi cửa hàng sạch BigGreen (Hà Nội) với giá bán từ 80.000 - 100.000 đồng/kg. Đây là vụ nhãn thứ 2, Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam thu mua nhãn ở Chí Linh. Doanh nghiệp mua nhãn ở các vùng nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở các phường, xã như Tân Dân, Hoàng Tiến, Bến Tắm. Giá thu mua tại vườn từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, cao hơn 20% so với giá thị trường cùng thời điểm. Sau gần 1 ngày chào bán, nhãn Chí Linh được người tiêu dùng đánh giá tương đối cao bởi quả to, tròn, mã đẹp, cùi dầy và mọng nước. Đây là khởi đầu tốt với vụ nhãn ở Chí Linh năm nay.
Không chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa cao cấp, nhãn Chí Linh còn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường nhiều nước khó tính. Tới đây, Công ty CP Ameii Việt Nam sẽ có lô nhãn đầu tiên xuất sang các nước châu Âu. Trước đó doanh nghiệp đã khảo sát tại nhiều vườn nhãn ở Chí Linh, đặc biệt là các vườn nhãn sớm. Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết: “Hiện nay chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc với các đối tác ở nước ngoài để tăng lượng nhãn thu mua phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, Ameii cũng là đơn vị phân phối nhãn vào hệ thống bán lẻ của AEON trong cả nước. Chỉ cần nhãn bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng thì doanh nghiệp sẽ thu mua nhãn của nông dân với giá tốt”.
Năm 2021, vượt qua những khó khăn, thách thức do dịch Covid - 19 gây ra, nhãn Chí Linh tiêu thụ tốt. Khoảng 20 tấn nhãn đã được các doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang các nước châu Âu và Australia… Số lượng còn lại tiêu thụ tại thị trường nội địa. Không còn rơi vào thế bị động như vụ nhãn trước, vụ nhãn này, TP Chí Linh đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân. Công tác xúc tiến thương mại có nhiều đổi mới, sáng tạo, chủ động kết nối các doanh nghiệp với các hộ sản xuất. Ngoài xuất khẩu, địa phương cũng hướng tới mục tiêu là tiêu thụ nội địa tại các thị trường cao cấp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng. Ngoài mở rộng vùng nhãn chất lượng, địa phương cũng hướng tới kết hợp trồng nhãn với du lịch vườn đồi.
Sản lượng nhãn giảm nhưng chất lượng ổn định, đủ điều kiện tiêu thụ tại thị trường nội địa cao cấp và xuất khẩu vào thị trường các nước khó tính (ảnh tư liệu)
Chất lượng ổn định
Xã Hoàng Hoa Thám là một trong những địa phương có nhiều diện tích trồng nhãn ở TP Chí Linh. Toàn xã có hơn 50 ha trồng nhãn, trong đó có 10 ha trồng nhãn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và 30 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Cũng như các vùng trồng nhãn khác, do mất mùa nên sản lượng nhãn giảm chỉ còn khoảng 1.000 tấn.
Theo ông Trần Nhật Tâm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Hoa Thám, khoảng gần 1 tháng nữa, các trà nhãn chính vụ sẽ cho thu hoạch. Năm nay, sản lượng nhãn giảm nhưng chất lượng vẫn ổn định. Ở những vùng trồng nhãn VietGAP trước đây, nông dân đã hình thành thói quen nên vẫn duy trì việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Một số vùng được tỉnh hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên chất lượng được nâng lên. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp đến khảo sát và có kế hoạch thu mua nhãn để xuất khẩu”.
Gia đình ông Đào Văn Viễn ở khu dân cư Tân Tiến, phường Hoàng Tiến có 2 ha trồng nhãn, trong đó có 1 ha trồng nhãn sớm, còn lại là các trà nhãn chính vụ. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng nhãn chỉ ước đạt 25 tấn, giảm khoảng 3 tấn so với các vụ trước. Sản lượng giảm nhưng chất lượng nhãn vẫn được giữ nguyên.
“Từ đầu vụ tới nay, nhiều thương lái, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh gọi điện đặt hàng. Trong đó có cả doanh nghiệp thu mua nhãn để xuất khẩu. Sản lượng nhãn không đủ để cung ứng cho các đơn vị. Đến nay, tôi đã tiêu thụ hết hơn 2 tạ nhãn sớm với giá 35.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 đồng/kg so với vụ trước. Nhãn chủ yếu được bán ở thị trường nội địa cao cấp. Khoảng 3 tấn nhãn sớm còn lại đã có doanh nghiệp đặt hàng để phục vụ xuất khẩu”, ông Viễn nói.
TP Chí Linh hiện có 740 ha trồng nhãn, sản lượng ước đạt 3.800 tấn, giảm khoảng 200 tấn so với năm 2021. Diện tích nhãn tập trung chủ yếu ở các xã, phường như Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Hoàng Tiến, Lê Lợi. Hiện địa phương có 4 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Thái Lan, Australia, Hoa Kỳ. Năm nay, thành phố mở rộng thêm 2 vùng trồng nhãn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích khoảng 20 ha ở xã Hoàng Hoa Thám và phường Hoàng Tiến. Dự kiến, sản lượng nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính là gần 200 tấn.
Theo bà Lê Thị Huế, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Chí Linh, kết quả kiểm nghiệm sơ bộ mẫu quả tại Công ty TNHH Eurofin Sắc Ký Hải Đăng cho thấy hơn 800 hoạt chất bảo vệ thực vật đều ở trong ngưỡng cho phép. Như vậy, nhãn được trồng tại các vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu vào thị trường các nước. Dự kiến cuối tháng 7, thành phố sẽ tổ chức Lễ mở vườn nhãn xuất khẩu. Đây cũng là sự kiện để khẳng định và nâng cao chất lượng nhãn Chí Linh.
HOA HIỀN