Đổi mới việc tư vấn hướng nghiệp

23/06/2011 16:08

Ngành giáo dục và đào tạo phải chủ động có các kế hoạch và biện pháp tưvấn hướng nghiệp hiệu quả cho học sinh trước mỗi mùa thi ĐH-CĐ, khôngnên chỉ là khách mời phối hợp trong các chương trình.

Theo số liệu điều tra của ngành chức năng công bố mới đây, hiện nay có hơn 30% số sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng (ĐH-CĐ) không yêu thích hoặc không yên tâm với ngành nghề mà mình đã chọn đang theo học; khoảng 38% sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm không đúng chuyên môn đã học; gần 32% nguồn nhân lực "chất lượng cao" phải được đào tạo lại mới đáp ứng yêu cầu công việc bố trí làm...

Thực trạng này có một phần nguyên nhân là do nhiều năm nay, công tác hướng  nghiệp cho học sinh THPT còn nhiều bất cập. Sau khi tốt nghiệp THPT nên thi vào trường nào hợp khả năng và sở thích bản thân? Nghề gì dễ kiếm việc làm  và tương lai khá? Lĩnh vực nào xã hội đang có nhu cầu dài hạn?... Đây là những vấn đề gây lúng túng của đa số học sinh phổ thông... Vì vậy, có tình trạng nhiều học sinh chỉ nhăm nhăm chọn những trường, những ngành nghề dễ đậu để được vào đại học rồi sẽ tính sau; hoặc nhiều học sinh cũng đổ xô vào một số ngành "hot", dù nhu cầu nhân lực ngành đó đã bão hòa...

Những năm gần đây, một số cơ quan báo chí và đoàn thể phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số trường ĐH-CĐ đã tổ chức những đợt tư vấn mùa thi và phát hành tài liệu "Cẩm nang mùa thi" rất thiết thực, được dư luận hoan nghênh. Tuy nhiên, hoạt động tư vấn cũng chỉ tập trung ở các thành phố lớn, còn đông đảo học sinh nông thôn, miền núi thì vẫn tự "mày mò" vì chưa có điều kiện tiếp cận. Sách "cẩm nang" thì xuất bản khi mùa thi ĐH-CĐ đã cận kề và tính khoa học của những thông tin không được các ngành chức năng bảo đảm cung cấp...

Hướng nghiệp đào tạo ĐH-CĐ là một khâu hết sức quan trọng của chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Làm tốt công tác này là biện pháp hạn chế tình trạng lãng phí trong đào tạo, vừa góp phần cân bằng nguồn nhân lực giữa các ngành nghề, vừa giảm bớt nạn thất nghiệp kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Vì vậy, cần sớm có một cơ quan chuyên trách nhà nước để "đổi mới" toàn diện cơ bản công tác tư vấn tuyển sinh ĐH-CĐ hiện nay ở tầm chiến lược vĩ mô, hiệu quả thiết thực.

Trước mắt, ngành giáo dục và đào tạo phải chủ động có các kế hoạch và biện pháp tư vấn hướng nghiệp hiệu quả cho học sinh trước mỗi mùa thi ĐH-CĐ, không nên chỉ là khách mời phối hợp trong các chương trình tư vấn tự nguyện như hiện nay. Các ngành kinh tế - xã hội, tổ chức hành chính - sự nghiệp... cũng cần công khai cụ thể nhu cầu nhân lực trong từng kỳ hạn để giúp học sinh và phụ huynh có được những thông tin kịp thời và chính xác, góp phần hướng nghiệp tốt cho các em từ những năm cuối cấp THPT.

PHẠM NHƯ HÙNG(Hà Nội)

(0) Bình luận
Đổi mới việc tư vấn hướng nghiệp