Đổi mới việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất tới nông dân
12/04/2010 06:03
Tập huấn chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp là hoạt động quan trọng nhất trong công tác khuyến nông, góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm cho nông dân.
Một lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tại TP Hải Dương
Hiện nay, việc tập huấn chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân có 3 hình thức chủ yếu. Thứ nhất, các đơn vị khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn ở các thôn, xã cho một bộ phận nông dân tham gia. Nội dung tập huấn về kỹ thuật nông nghiệp, gắn với thời vụ sản xuất. Thứ hai, các lớp tập huấn tổ chức trong thời gian dài hơn. Nội dung tập huấn theo từng chuyên đề, như: kỹ thuật trồng rau an toàn, nuôi ba ba, ếch... Người tham gia tập huấn sẽ được tiếp cận những kiến thức cơ bản về những đối tượng cây trồng, vật nuôi cụ thể. Đối tượng tham gia là những nông dân giàu kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư. Thứ ba, tập huấn thông qua các chương trình đào tạo nghề cho nông dân. Hình thức này yêu cầu phải có kinh phí lớn, thời gian đào tạo dài hơi, người tham gia tập huấn được chuyển giao cả lý thuyết và thực hành. Trang thiết bị phục vụ công tác tập huấn khá đầy đủ, giáo viên chuẩn hóa về trình độ. Nhiều đoàn thể chính trị-xã hội thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề theo hình thức này.
Trước đây, công tác tập huấn có nhiều bất cập. Số lượng người tham gia các lớp tập huấn quá đông, trong đó nhiều người không có nhu cầu thực sự cũng được chuyển giao kỹ thuật. Các giáo viên tập huấn chủ yếu "độc thoại", ít có hình thức trao đổi, hỏi-đáp với nông dân. Nhìn chung, nội dung tập huấn còn rườm rà, nhiều vấn đề trọng tâm gắn với thời vụ sản xuất chưa được chú trọng. Hình thức tập huấn trực quan, "cầm tay chỉ việc", tập huấn thông qua các mô hình còn ít. Địa điểm tập huấn thường diễn ra tại hội trường trung tâm xã. Do vậy, nhiều lớp tập huấn có chất lượng thấp, nông dân khó áp dụng vào sản xuất.
Để phù hợp với thực tiễn, trong những năm qua, việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất đến nông dân ở tỉnh Hải Dương được đổi mới. Căn cứ vào đối tượng tham gia tập huấn, các cơ quan khuyến nông đã tổ chức những hình thức tập huấn phù hợp, giúp nông dân nắm được kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi ở mỗi vụ sản xuất. Việc tổ chức các lớp tập huấn trong thời gian ngắn, diễn ra trong nửa ngày, hoặc một ngày, trùng với những thời điểm quan trọng của sản xuất. Chẳng hạn, khi lúa xuân đang bị bệnh đạo ôn, lùn sọc đen gây hại, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn với nội dung trọng tâm là cách nhận biết và biện pháp phòng, chống hai loại bệnh trên. Nông dân đang cần được hướng dẫn cụ thể về những loại bệnh này, do vậy họ tham gia tập huấn sẽ có hiệu quả cao. Địa điểm tập huấn không chỉ ở hội trường trung tâm xã, mà còn đến tận các thôn, xóm, khu dân cư. Nội dung tập huấn được biên soạn ngắn gọn, súc tích. Hình thức trao đổi, thảo luận, hỏi-đáp giữa giáo viên và người học được tăng cường. Tài liệu, trang thiết bị phục vụ tập huấn đa dạng hơn. Do vậy, hiệu quả tập huấn được nâng lên so với trước đây.
Hình thức tập huấn trực quan, "cầm tay chỉ việc", tập huấn đầu bờ, đầu chuồng, ngay tại hiện trường được mở rộng. Tham gia hình thức tập huấn này, nông dân sẽ dễ dàng nhận biết, ứng dụng vào sản xuất, vì được trực tiếp quan sát, tham gia. Trong những năm qua, các cơ quan khuyến nông đã tích cực hợp tác với các đơn vị khác tổ chức nhiều lớp tập huấn trực quan, đầu bờ, đầu chuồng cho nông dân. Đầu vụ xuân năm nay, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh kết hợp với Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang tổ chức hướng dẫn nông dân xã Cẩm Sơn (Cẩm Giàng) kỹ thuật xử lý hạt giống lúa trước khi gieo vãi bằng thuốc hóa học Cruiser Plus, có tác dụng phòng, trừ các loại rầy và nấm bệnh hại lúa. Toàn bộ lượng thuốc hóa học được phát miễn phí cho nông dân. Các kỹ sư nông nghiệp đã trực tiếp hướng dẫn nông dân cách pha chế thuốc, trộn thuốc với giống. Chị Trần Thị Nhàn, một nông dân trong xã cho biết: "Nhà tôi gieo vãi 3 sào giống Khang dân 18. Được các kỹ sư hướng dẫn trực tiếp, nên chúng tôi dễ tiếp thu, làm ngay được".
Tuy vậy, công tác tập huấn khuyến nông hiện vẫn còn nhiều bất cập. Đội ngũ giáo viên vẫn thiếu so với nhu cầu. Nhiều giáo viên còn yếu về kỹ năng sư phạm và trình độ thực hành. Trang thiết bị, tài liệu phục vụ tập huấn còn ít, sơ sài. Các cơ quan khuyến nông kết hợp với công ty kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi để tổ chức tập huấn là đáng khích lệ. Tuy nhiên, không ít lớp tập huấn quá nghiêng về quảng cáo sản phẩm. Nhiều nông dân đến các lớp tập huấn nhưng không chú ý nghe giảng, đòi hỏi phải có "chế độ".
Ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao trình độ, bổ sung đội ngũ giáo viên làm công tác khuyến nông; đầu tư kinh phí trang bị phương tiện tập huấn. Bên cạnh đó, tăng cường hình thức tập huấn trực quan, tập huấn đầu bờ, đầu chuồng và bố trí cho nông dân được khảo sát các mô hình khuyến nông. NINH TUÂN
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.