Nghị quyết Ðại hội lần thứ XII của Ðảng đã xác định: Ðổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với tái cơ cấu lại nền kinh tế.
Trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún hiệu quả thấp không đủ năng lực cạnh tranh với thị trường trong, ngoài nước, đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa.
Muốn sản xuất lớn cần phải tích tụ ruộng đất, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn có quy mô hàng trăm ha trở lên để cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất từ khâu làm đất, giống, gieo trồng, chăm bón, thu hoạch, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm. Song, tích tụ ruộng đất đang gặp trở ngại rất lớn từ người nông dân - những người được giao quyền sử dụng đất (SDÐ) lâu dài theo Luật Ðất đai quy định.
Cho thuê ruộng, chuyển nhượng ruộng đất, người nông dân làm gì? Ðây là câu hỏi lớn đặt ra. Hiện nay lao động trong sản xuất nông nghiệp chiếm tới 36,7% tổng số lao động trong xã hội, gấp nhiều lần so với các nước có nền kinh tế công nghiệp phát triển. Nhật Bản chỉ cần 2%, Australia 4% số lao động làm nông nghiệp vẫn bảo đảm nông sản, thực phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Vậy ở nước ta, số lao động trong nông nghiệp cần phải giảm, rút bớt sang làm công nghiệp, dịch vụ, nhất là công nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Muốn giải được bài toán giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp hiện nay đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các cơ chế kinh tế thị trường, trong đó lao động cũng là một loại thị trường. Ðã là thị trường phải có cung - cầu. Phải kích cầu để đáp ứng nhu cầu cung cấp lao động cho những ngành sản xuất phi nông nghiệp, kể cả đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Cần làm rõ sản xuất nông nghiệp theo mô hình hộ hiện nay hiệu quả rất thấp. Theo tính toán của nông dân ở một số nơi trên địa bàn tỉnh ta, nếu cấy lúa 1 vụ (6 tháng) trừ các chi phí chỉ thu về mỗi sào được 30-40 kg thóc, tương đương 200.000 - 300.000 đồng, tính ra chỉ bằng 2 hoặc 3 công làm ở các công ty. Thậm chí có hộ thiếu lao động hoặc không có tiền vốn đầu tư, sau khi trừ các chi phí còn bị lỗ, dẫn đến một số nơi bỏ ruộng hoang. Vụ mùa năm nay, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh bỏ hoang 267,3 ha.
Nằm trong Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, tỉnh ta đã quy hoạch SDÐ đến năm 2020 có 17.000 ha để cấy giống lúa chất lượng cao, đặc sản ở 8 huyện: Gia Lộc, Kinh Môn, Nam Sách, Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang, Kim Thành và 3 huyện nằm trong vùng lúa đặc sản là Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà. Ðể thực hiện được chủ trương này, cần tạo ra những cánh đồng mẫu lớn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bảo đảm hài hòa các lợi ích giữa doanh nghiệp, HTX kiểu mới và người nông dân, người nông dân sẵn sàng là cổ đông của doanh nghiệp, trên cơ sở cổ đông bằng giá trị đất hoặc là thành viên của HTX kiểu mới. Ðương nhiên, cổ đông nào (doanh nghiệp, HTX) góp vốn nhiều, người đó sẽ là thành viên Hội đồng quản trị hoặc sẽ là chủ doanh nghiệp. Lợi nhuận thu được sẽ phân phối bình đẳng, công khai, minh bạch cho các cổ đông. Như vậy, người nông dân sẽ trở thành công nhân sản xuất nông nghiệp trên chính mảnh đất của mình. Ði đôi với các mô hình sản xuất mới của các doanh nghiệp, các HTX kiểu mới, cũng cần tạo thêm việc làm từ mở rộng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, mở rộng sản xuất công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cho sản xuất công nghiệp. Từ thực tiễn sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, đời sống người nông dân được nâng lên, gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, người nông dân yên tâm không sợ thất nghiệp, sẽ sẵn sàng góp ruộng làm cổ đông hoặc cho thuê, chuyển mục đích SDÐ.
Việc tích tụ ruộng đất là một nội dung lớn có tính quyết định đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa, song không thể nóng vội mà cần có lộ trình phù hợp để người nông dân tự nguyện góp ruộng hoặc cho doanh nghiệp thuê. Trước mắt, cần khai thác thế mạnh của việc dồn điền, đổi thửa, cánh đồng mẫu lớn, chứng minh tính hơn hẳn về hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, làm thay đổi tư duy của người nông dân về quyền SDÐ, các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào nông nghiệp. Vậy đổi mới tư duy về quyền SDÐ, tích tụ ruộng đất là một yêu cầu tất yếu khách quan cần đẩy mạnh để tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
VŨ HOÀNG(TP Hải Dương)