Đổi mới tư duy quản lý

13/02/2012 16:28

Sự đổi mới tư duy của những người làm công tác quản lý, trước hết cần được thể hiện ở sự nhận thức một cách rõ ràng về bản chất...

Trước đây, người ta thường quan niệm rằng, hiệu quả của công tác quản lý được quyết định chủ yếu bởi vốn sống cá nhân và những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân người quản lý. Hiện nay, cũng còn không ít người có quan niệm như vậy. Bởi thế, những người này thường đề cao quá mức yếu tố thâm niên trong công tác với cách nghĩ “sống lâu lên lão làng”. Đây là sự nhận thức mang nặng tính kinh nghiệm chủ nghĩa, không phù hợp với xu thế đổi mới của sự nghiệp cách mạng đang đặt ra trong khoa học quản lý.

Xét trên bình diện xã hội, nhiều nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã khẳng định “đổi mới tư duy đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”.

Theo chúng tôi, sự đổi mới tư duy của những người làm công tác quản lý, trước hết cần được thể hiện ở sự nhận thức một cách rõ ràng về bản chất của khái niệm quản lý và khái niệm tư duy.

Thực ra, trong quá trình xây dựng khoa học quản lý, đã có nhiều nhà nghiên cứu lý luận và thực tiễn đưa ra những quan niệm khác nhau về quản lý. Ở đây, chỉ xin nêu ra một quan niệm có tính chất khái quát, tổng hợp mà bất kỳ người làm công tác quản lý ở lĩnh vực nào cũng phải nắm được: Quản lý là một quá trình tác động có định hướng, có tổ chức, có lựa chọn trong số các tác động có thể, dựa trên các thông tin về tình trạng của đối tượng và môi trường, nhằm giữ cho sự vận hành của đối tượng được ổn định và làm cho nó phát triển tới mục đích đã định. Với quan niệm này, công tác quản lý được coi là một hoạt động đặc thù của con người. Nó có một vai trò rất quan trọng trong lao động sản xuất và tổ chức cuộc sống xã hội hiện đại. Có thể khẳng định, bất kỳ hoạt động nào cũng cần đến quản lý.

Cùng với khái niệm quản lý, người làm quản lý phải nắm vững khái niệm tư duy. Theo quan điểm tâm lý học, tư duy là một quá trình phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ và quan hệ có tính chất quy luật của sự vật và hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết.

Sự đổi mới tư duy trong công tác quản lý được thể hiện ở chỗ: người làm công tác quản lý phải biết vận dụng một cách khéo léo hệ thống các phương pháp quản lý hành chính, kinh tế, tâm lý xã hội… để tổ chức các hoạt động bộ phận,các hành động cá nhân thành một hoạt động chung thống nhất; phải có thái độ nâng niu mọi khả năng lao động cơ bắp và trí óc của các thành viên, đồng thời biết khai thác triệt để những tiềm năng sẵn có của họ nhằm đạt được hiệu quả cao trong quá trình tổ chức các hoạt động cụ thể. Lao động quản lý là loại lao động trí óc căng thẳng. Nó không nhằm sản xuất trực tiếp ra của cải vật chất cho xã hội mà nhằm quản lý, lãnh đạo những người làm ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Bởi thế, nó đòi hỏi người quản lý phải luôn luôn có yêu cầu cao đối với chính bản thân mình trong việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống và không ngừng nâng cao năng lực tổ chức chỉ đạo, có như vậy mới có thể tập hợp được quần chúng xung quanh mình để tiến hành những công việc to lớn.

Sự đổi mới tư duy trong công tác quản lý còn được thể hiện ở chỗ người làm quản lý phải nhận thức được một cách sâu sắc rằng: Quản lý vừa là một khoa học, vừa là một nghệ thuật. Điều này có nghĩa là, người quản lý phải biết tiếp cận các thành tựu khoa học hiện đại để phát hiện các quy luật khách quan chi phối các sự vật và hiện tượng trong một đơn vị, tập thể nhất định, phải có sự hiểu biết rộng rãi về các ngành khoa học có liên quan đến con người và lĩnh vực hoạt động của bản thân. Tính nghệ thuật trong công tác quản lý đòi hỏi người quản lý phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các thành viên trong đơn vị để tìm cách phát huy những ưu điểm, hạn chế những thiếu sót của họ.

Trong công tác quản lý hiện nay, có biết bao vấn đề đòi hỏi phải có cách nhìn mới mẻ, do đó phải có sự đổi mới công tác cán bộ như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu ra.

TS. PHẠM TRUNG THANH (Đại học Thành Đông)

(0) Bình luận
Đổi mới tư duy quản lý