Sáng 31.5, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình về những hạn chế, bất cập của nền kinh tế cần tháo gỡ trong thời gian tới.
Công tác chống thất thu thuế đạt nhiều kết quả tích cực
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc thu ngân sách từ 3 khu vực kinh tế không đạt dự toán, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, mặc dù kinh tế khởi sắc nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. "Năm 2018, hơn 131 nghìn doanh nghiệp thành lập mới nhưng có tới 107 nghìn doanh nghiệp (bằng 81,4% doanh nghiệp) thành lập mới tạm ngừng hoạt động và giải thể" - Bộ trưởng cho biết.
Đồng thời, các doanh nghiệp mới thành lập chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ được hưởng ưu đãi thuế, do đó đóng góp vào ngân sách nhà nước là không nhiều. Số doanh nghiệp hoạt động có lãi chiếm 40% tổng số doanh nghiệp đã nộp tờ khai thuế. Số doanh nghiệp phát sinh thuế giá trị gia tăng dương chỉ chiếm 26% tổng số doanh nghiệp kê khai. Một số doanh nghiệp có thu lớn trong năm 2018 tăng trưởng thấp hơn dự kiến, thậm chí giảm so với năm trước như: nhóm doanh nghiệp khai khoáng sản, khai thác dầu thô, khai thác khí đốt tự nhiên và sản xuất điện thoại di động...
Về công tác quản lý thu chống thất thu thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, công tác này đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Năm 2018, cơ quan thuế đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý thu vào ngân sách nhà nước gần 19 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ 40,9 nghìn tỷ đồng. Cơ quan Hải quan thực hiện gần 7 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra sau thông quan; phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ hơn 15 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. "Chính vì thế, số nợ đọng thuế năm 2018 đã giảm cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với tổng thu ngân sách nhà nước" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong đó, liên số nợ thuế có khả năng thu giảm từ 45 nghìn tỷ đồng năm 2017 xuống 38,75 ngàn tỷ đồng năm 2018; tương ứng với giảm 14% và bằng 2,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Số thuế nợ không có khả năng thu hồi đến cuối năm 2018 là 37,57 ngàn tỷ đồng, tăng 5 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2017 và chiếm 49,2% tổng nợ.
Theo Bộ trưởng, đây là các khoản nợ thuế của các đối tượng đã chết, mất tích, doanh nghiệp giải thể không còn tài sản thu hồi, nhưng chưa được xóa nợ vẫn phải theo dõi và tính tiền phạt chậm nộp 0,03%/ngày nên số nợ tăng lên. Theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết về xóa nợ đọng thuế. "Chúng tôi đã báo cáo bước 1 với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nếu không có gì thay đổi sẽ trình ra Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10 tới đây" - Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã báo cáo về quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, phương thức đầu tư theo hình thức BT đã được thực hiện trên thực tế từ trước khi Quốc hội ban hành Luật Quản lý tài sản công. Việc ban hành Nghị định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đặt ra yêu cầu phải xử lý hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiêu cực trong thời gian vừa qua.
"Chính phủ đã xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng nhiều mặt để vừa đảm bảo mục tiêu chặt chẽ đúng pháp luật, vừa đảm bảo không hồi tố, đồng thời phải xử lý giải quyết thời hạn" - Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng, phải đảm bảo nguyên tắc ngang giá khi sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Nguyên tắc ngang giá đã được quy định tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, thực tế một số hợp đồng BT đã ký trước ngày Luật có hiệu lực thi hành không đảm bảo nguyên tắc ngang giá. Diện tích đất chấp nhận thanh toán cho nhà đầu tư có giá trị lớn hơn rất nhiều so với giá trị Dự án BT. "Đây là khó khăn lớn rất lớn và hỏi phải xử lý phù hợp để quy định vào Nghị định", Bộ trưởng cho biết.
Phát huy sức mạnh con người Việt Nam
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 31.5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu bật những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được năm 2018. Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế ở mức cao đạt 7,08% (lần đầu tiên sau 10 năm đạt tốc độ cao này), tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng… Bên cạnh đó, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Đặc biệt, vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, mở rộng hội nhập quốc tế đã góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích của đất nước.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế vẫn tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Cụ thể, cấu trúc hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có hạ tầng giao thông mặc dù được cải thiện, nâng cấp nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của phát triển. Đây cũng là lĩnh vực gây ra một số bức xúc của người dân, là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương.
Người đứng đầu ngành Kế hoạch - Đầu tư cũng thừa nhận, trình độ khoa học công nghệ và quản lý chưa tốt, dẫn đến đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa đáp ứng được kỳ vọng. Mô hình tăng trưởng chưa là động lực để phát triển bứt phá, đưa nền kinh tế tiến nhanh, tiến xa. Việc cơ cấu các ngành, lĩnh vực còn thiếu bền vững... Trong khi đó, năng lực quản lý xã hội còn hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của văn hóa, xã hội, mở cửa hội nhập quốc tế. Sự bùng nổ thông tin với tốc độ lan truyền nhanh chóng, phạm vi ảnh hưởng rộng rãi đang đặt ra yêu cầu mới về cải cách bộ máy, tư duy tổ chức, quản lý xã hội.
Vấn đề suy thoái đạo đức, tệ nạn xã hội trong một số lĩnh vực đã gây bức xúc. Nguyên nhân chủ yếu là sự chưa đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính nghiêm minh khi thực thi pháp luật. “Việc khắc phục tồn tại, hạn chế trên không đơn giản, cần có sự kết hợp giữa giải pháp ngắn hạn và dài hạn trong thời gian tới đồng thời cần có giải pháp căn cơ để phát huy giá trị về văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Ngoài ra, còn cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị, trong đó có vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, đại biểu Quốc hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tiếp tục giảm bớt thủ tục hành chính
Kết luận Phiên thảo luận toàn thể về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự phối hợp tốt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Quốc hội biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018, những tháng đầu năm 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo tiền đề quan trọng cho các năm tiếp theo.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn đến việc hoàn thiện thể chế, triển khai thi hành các luật như Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm các sai phạm gây phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án giao thông; đổi mới thủ tục giải ngân đầu tư công, khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án, công trình.
Chính phủ cần quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất, vấn đề quy hoạch và cung cấp thông tin đầy đủ để phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, người dân; giải quyết các vướng mắc về đất đai.
Các cơ quan tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi Trung học Phổ thông và Đại học năm 2019; triển khai quyết liệt, đồng bộ để xử lý tình trạng “tín dụng đen”; giải quyết các vướng mắc trong xử lý nợ xấu. Các địa phương xử lý nghiêm, kịp thời các vấn đề gây bức xúc trong xã hội như các hành vi quấy rối tình dục, xâm hại trẻ em; triệt phá các nhóm tội phạm, phòng ngừa tội phạm về ma túy có tổ chức, quy mô lớn, vấn đề cai nghiện ma túy, các vấn đề về bảo vệ môi trường; có giải pháp kịp thời để giải quyết các vướng mắc trong và sau quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy ở các địa phương.
Theo TTXVN