Theo các chuyên gia giáo dục, việc đổi mới thi cử Bộ Giáo dục - Đào tạo cần phải có lộ trình và khẩn trương chuẩn bị cho việc đổi mới thi THPT quốc gia, không thể dồn công việc này cho nhiệm kỳ sau.
Thi THPT quốc gia trên máy tính là xu hướng tất yếu
Một trong những điều chỉnh về kỳ thi THPT quốc gia của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) là sẽ chuyển dần từ thi trên giấy sang thi trên máy tính. Đây là hướng đi tiệm cận với xu hướng thi cử chung của quốc tế. Ông Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhất trí với đề xuất này và cho rằng Bộ GDĐT cần triển khai việc sớm. Tuy nhiên, theo ông Phương, Bộ GDĐT phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, đến năm 2025 chưa thể thi máy hóa tuyệt đối thì vẫn cần có phương án thi trên giấy.
Nêu quan điểm về phương án đề xuất lộ trình thi giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ GDĐT (ổn định như năm 2019 và chuẩn bị các điều kiện để thi trên máy tính từ sau 2025), nguyên Phó Chủ tịch nước, GS.TS Nguyễn Thị Doan cho rằng, đây là kỳ thi rất mở, cả về đối tượng, không gian và nội dung. Phương thức thi này phù hợp với đào tạo giáo dục theo hướng mở, đáp ứng được Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị, nếu tổ chức tốt sẽ giảm áp lực cho xã hội rất nhiều cả về tư tưởng và kinh tế.
Tuy nhiên, bà Doan lưu ý, để thực hiện tốt phải chuẩn bị kỹ về địa điểm, trang thiết bị và có quyết định để các doanh nghiệp đầu tư vào. Ngân hàng đề thi phải huy động các chuyên gia, giáo viên, ngay cả học sinh vừa tốt nghiệp, học sinh giỏi đã qua các kỳ thi, không nên gói gọn chỉ trong đội ngũ giáo viên.
Tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực bàn về phương án tổ chức thi THPT sau năm 2020, có ý kiến đề nghị ngay từ kỳ thi năm 2020 tới nên cho phép thí điểm thi trên máy ở những nơi có điều kiện. GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam kiến nghị, Bộ GDĐT cần phải khẩn trương chuẩn bị, không để nước đến chân mới nhảy. Thi như hiện nay đã rất lạc hậu so với thế giới.
Theo PGS Nguyễn Phương Nga, Hiệp hội các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) Việt Nam, để học sinh THPT được làm quen với việc thi trên máy tính, các trường cần có phòng máy tính cài các bài thi mẫu. Đồng thời, trên cổng thông tin điện tử của Bộ và các sở GDĐT cần diễn đàn riêng, có một số đề thi và phần mềm thi để mỗi học sinh thi thử. Cũng theo bà Nga, khi tổ chức cả hai hình thức thi phù hợp với điều kiện của địa phương, Bộ GDĐT cần tổng kết đánh giá so sánh giữa việc thi trên giấy và thi trên máy tính để điều chỉnh phù hợp về khâu tổ chức và tiến tới việc thi đại trà trên máy tính hằng năm.
Các chuyên gia cũng đề nghị Bộ GDĐT phải làm rõ hình thức thi trên máy tính trong kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục ở các địa phương khác với việc thi nhiều lần tại các trung tâm khảo thí để làm căn cứ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, qua 5 năm triển khai, đổi mới thi như vừa qua rất cần thiết, dù còn điểm này điểm khác và dấu ấn thi năm 2018 không tốt nhưng đến bây giờ đổi mới đó rất đúng hướng, thể hiện ở nhiều điểm: đánh giá quá trình học tập học sinh khách quan, trung thực, cơ hội vào học ĐH, CĐ mở rộng và phù hợp nguyện vọng, gắn với lộ trình tự chủ ĐH; học sinh bớt học tủ, học lệch, bớt lò luyện thi; thi trắc nghiệm gắn với đổi mới phương pháp dạy học đã làm giảm áp lực cho học sinh, gia đình, xã hội...
Phó Thủ tướng cho rằng, lộ trình thực hiện thi đều đã được bàn từ khi xây dựng Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Vậy nên, những gì đúng phải kiên định, kiên trì thực hiện, không phải vì lý do này, lý do khác mà làm hỏng bản chất, và sai ở đâu phải sửa ở đó.
Về xây dựng phương án thi từ năm 2021, Phó Thủ tướng Đam lưu ý, Bộ GDĐT khi xây dựng lộ trình đổi mới này phải làm rất chắc chắn, rất tích cực, cần lấy ý kiến rộng rãi trong tầng lớp nhân dân. Phó Thủ tướng nhìn nhận, để thực hiện tốt lộ trình thực hiện phương án thi, Bộ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tháng 7.2020 công bố thi giai đoạn 2021-2025. Trong tháng 4.2020 phải trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo Tiền phong