Đổi mới tác phong làm việc, nắm rõ tình hình cơ sở để chống dịch

19/09/2021 13:33

Theo Thủ tướng, chính sự thiếu sâu sát cơ sở, không thực hiện phương châm lấy phường, xã làm “pháo đài” đã khiến tình hình dịch tễ đi theo chu trình ngược - "vùng xanh" chuyển sang "vùng đỏ."


Thủ tướng Phạm Minh Chính họp với tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang về công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Để đáp ứng sự chuyển hướng về cơ sở trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22.8 thì các cấp lãnh đạo cũng phải đổi mới tác phong, phương pháp công tác theo hướng cụ thể, sâu sát và hiệu quả hơn.

Trực tiếp hơn, sâu sát hơn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khởi đầu cho việc đổi mới tác phong công tác qua các cuộc làm việc trực tuyến gần đây với lãnh đạo nhiều địa phương về phòng chống dịch COVID-19, kết nối tới tận xã, phường, cơ sở.

Cuộc họp không còn diễn ra theo thông lệ: đọc báo cáo và nghe báo cáo, mà là hỏi-đáp. Thủ tướng Chính phủ chất vấn, hỏi kỹ về những vấn đề cụ thể đang đặt ra trong công tác phòng chống dịch bệnh ở địa phương, cơ sở, như số ca F0 vừa phát hiện trong ngày hôm trước? ở những địa bàn nào? tiến độ xét nghiệm ở từng nơi? Những câu hỏi trực tiếp, tức thời, cần trả lời ngay, không phụ thuộc vào tài liệu, báo cáo, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phải luôn nắm chắc tình hình, sâu sát với địa bàn mình phụ trách.

Qua các cuộc làm việc mới đây tại một số địa phương, người đứng đầu Chính phủ không hài lòng về tác phong, phương pháp làm việc, cũng như kết quả công tác phòng chống dịch tại địa bàn.

Theo Thủ tướng, chính sự thiếu sâu sát cơ sở, không thực hiện phương châm lấy phường, xã làm “pháo đài” đã khiến cho tình hình dịch tễ đi theo chu trình ngược - nhiều khu vực dân cư từ "vùng xanh" chuyển sang “đỏ quạch.”

Tại những vùng dịch đang ở mức nguy cơ cao, việc điều trị các ca F0 tại nhà và triển khai các trạm y tế lưu động rất cần được quan tâm.

Thủ tướng lưu ý: “Điều trị tại nhà và lập trạm y tế lưu động là hai việc khác nhau. Người dân phải được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở thì mới có thể phân loại, điều trị ca bệnh sớm, giảm số ca tăng nặng, giảm tử vong. Nếu xã, phường, thị trấn nào cũng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì chắc chắn hệ thống y tế sẽ quá tải.”

Tách vấn đề ra để hỏi là cách mà Thủ tướng muốn biết lãnh đạo các địa phương sâu sát địa bàn đến đâu, có thấm nhuần chiến lược chuyển hướng về cơ sở, có thực sự coi phường, xã là “pháo đài” chống dịch hay không. Nếu lãnh đạo địa phương nắm được tình hình chung nhưng không nắm chắc các vấn đề, chi tiết mấu chốt, có ý nghĩa quan trọng, thì việc chỉ đạo cũng chỉ mang tính chung chung, không sâu sát, cụ thể, kém hiệu quả.

Chẳng hạn, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch ở một tỉnh phía Nam, tỉnh có các số điện thoại "đường dây nóng" chống dịch, hễ người dân gọi là có người nghe và tư vấn. Tuy nhiên, khi đến kiểm tra tình hình phòng chống dịch tại địa bàn, Thủ tướng đã phát hiện ra rằng phải sau 4 cuộc gọi mới có người nhấc máy.

Như vậy, nếu người lãnh đạo không sâu sát, không đến cơ sở để nắm tình hình trực tiếp mà chỉ nghe báo cáo thì sẽ không nắm được chính xác vấn đề để đưa ra quyết định đúng đắn. Người lãnh đạo cần tránh bị phụ thuộc vào các báo cáo, văn bản mà phải “ghim” vào trong trí não những số liệu cần thiết. Quan trọng hơn nữa, hiểu thực chất vấn đề, nắm được thực tế sinh động đằng sau những con số.

Kinh nghiệm của Hà Nội

Hà Nội tuy đang áp dụng giãn cách xã hội theo tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg (đến ngày 21.9) nhưng với việc chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả, từ ngày 16.9 đã có 19 quận, huyện trở thành vùng xanh và trở lại trạng thái “bình thường mới.”

Số ca mắc ở Thủ đô trong một tuần trở lại đây luôn ở ngưỡng trên, dưới 20 trường hợp, rất ít ca nhiễm trong cộng đồng; riêng ngày 18.9, Hà Nội có 19 ca. Về cơ bản, Hà Nội đã khống chế được dịch COVID-19.

Có được thành quả này là do Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, trong đó có việc chuyển hướng về cơ sở, phát huy vai trò của các phường, xã, thị trấn như là “pháo đài” phòng ngự hiệu quả để mở rộng vùng xanh, huy động sự vào cuộc tích cực của Tổ (phòng chống) COVID-19 cộng đồng, của các đoàn thể, mọi người dân trên địa bàn.


Phong tỏa tạm thời tổ 4, tổ 5 phường Việt Hưng (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Quán triệt tinh thần “xã, phường phải là pháo đài chống dịch”, Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn được giao trách nhiệm làm “tổng tư lệnh” trên địa bàn - bám sát cơ sở, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tất cả là nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng người dân.

Chính quyền cơ sở phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị số 17/CT-UBND và xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng.” Người đứng đầu phải công khai số điện thoại trực "đường dây nóng" và trực phòng chống dịch để người dân biết liên hệ; tổ chức trực ban suốt ngày đêm và suốt tuần để kịp thời giải quyết công việc liên quan đến dịch bệnh.

Hệ thống chính trị ở cơ sở của thành phố đã vào cuộc rất hiệu quả, đặc biệt là sự tham gia trực tiếp của người dân vào việc hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; quyên góp ủng hộ Quỹ Vaccine, Quỹ Phòng chống COVID-19; tham gia bảo vệ vùng xanh.

Theo tinh thần xã, phường là một “pháo đài”, mỗi người dân là một chiến sỹ chống dịch, trong đợt dịch lần thứ tư, Hà Nội phát huy tinh thần chủ động - quận lo cho quận, huyện lo cho huyện, phường, xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố cũng phải chủ động tự lo cho mình; từng gia đình, người dân phải có trách nhiệm với chính mình, gia đình và cộng đồng; xã, phường, thị trấn căn cứ vào tình hình địa phương, xây dựng các phương án chống dịch một cách sáng tạo.

Vừa qua, huyện Đông Anh sáng tạo ra mô hình phòng chống dịch 3 lớp cách ly và 3 lớp+. Địa phương này từng rất nóng về dịch tễ vào những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 với các ổ dịch ở xã Việt Hùng, xã Kim Nỗ, xã Kim Chung.

Ba lớp cách ly gồm ngoài các trường hợp F0, F1 đã được đưa đến khu cách ly tập trung, lớp cách ly thứ nhất ở địa bàn là "khóa chặt" ổ dịch, đồng thời phong tỏa gia đình có F1 và F2; lớp thứ hai là lập chốt kiểm soát sinh hoạt nội bộ tại các ngõ, xóm; lớp thứ ba là khoanh vùng vòng ngoài đối với tất cả các thôn, làng, tổ dân phố với 1.611 chốt chặn.

Tại lớp cách ly thứ ba của nhiều khu dân cư có những "chốt cứng" để hạn chế việc đi lại. Tất cả những người ra, vào các khu dân cư trong thời gian diễn ra dịch bệnh phải khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, khai báo điểm đến trong khu dân cư.

Ba lớp này bảo đảm cho việc phong tỏa diện nhỏ khu vực có người nhiễm SARS-CoV-2 và quản lý khu cách ly một cách chặt chẽ, ít ảnh hưởng đến hoạt động làm ăn, sinh hoạt... của những cộng đồng dân cư khác; khi có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng thì có thể khoanh vùng, truy vết thần tốc và hạn chế dịch bệnh lây lan từ nơi khác.

Trong khi đó quận Thanh Xuân áp dụng mô hình “3 lớp +” phòng dịch gồm: Chốt trực tại các khu chung cư, chợ, khu dân cư tập trung, siêu thị; chốt trực của Công an phường và liên ngành tại các đường giao thông nội bộ, có phương án ngăn bớt lối đi lại để thuận tiện cho việc kiểm soát; chốt trực của Công an quận và liên ngành tại các đường vành đai, xuyên tâm. Bên cạnh đó là các tổ tuần tra lưu động trên địa bàn quận.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội giữ quan điểm “người dân là trung tâm, chủ thể của công tác phòng chống dịch, Tổ COVID-19 cộng đồng là chỗ dựa của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, là một trong những giải pháp quan trọng để kiểm soát dịch bệnh tại cơ sở.”

Bởi vậy, các công điện, chỉ thị của Thành ủy, UBND thành phố đều nhấn mạnh tới vai trò của các Tổ COVID-19 cộng đồng và yêu cầu các địa phương phải phát huy cao độ lực lượng này để tăng cường giám sát sự biến động người từ các tỉnh, thành phố khác trở về địa bàn. Hằng ngày, các tổ cập nhật, báo cáo chính quyền xã, phường, thị trấn theo mẫu hướng dẫn của Sở Y tế; kiểm soát chặt chẽ, giám sát người từ các địa phương trở về Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở phải đặt người dân vào vị trí trung tâm, là lực lượng chính quản lý các chốt kiểm soát ở địa bàn dân cư; lấy sự gương mẫu, tận tụy của cán bộ, đảng viên để lan tỏa, coi Tổ COVID-19 cộng đồng làm nòng cốt, chọn những người có uy tín trong cộng đồng làm trung tâm để quy tụ nhân dân tham gia chống dịch. Hà Nội đã thành lập gần 26.000 Tổ COVID-19 cộng đồng, phủ khắp 579 phường, xã, thị trấn.

Hà Nội cũng làm tốt việc huy động người dân tham gia giữ vững vùng xanh trên địa bàn. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) đã thành lập 7 chốt ở cả 7 thôn nằm trên trục đường chính, rào cứng cả đường, ngõ, lối đi tắt, chỉ mở một đường ra, vào với phương châm "Thôn an toàn không có dịch." Mọi việc đều dựa vào ý thức cộng đồng.

Huyện Đông Anh có hơn 600 điểm chốt trực tại các thôn, trong đó có khoảng 200 chốt do đoàn viên, thanh niên tình nguyện tham gia trực ca đêm. Tại các điểm ra, vào các thôn, khu dân cư, các bạn trẻ hăng hái hỗ trợ người dân trong việc giám sát y tế, đo thân nhiệt, ghi chép thông tin của người dân ra, vào thôn, tuyên truyền nhắc nhở việc đeo khẩu trang...

Có thể nói, trong thời gian qua, Hà Nội đã huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, người dân tham gia chống dịch theo tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ: "Vận động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra, quyết liệt thực hiện và nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ".

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới tác phong làm việc, nắm rõ tình hình cơ sở để chống dịch