Đổi mới ở vùng quê cách mạng Hợp Tiến

10/06/2020 20:12

Hiếm nơi nào có niềm vinh dự, tự hào như vùng quê cách mạng Hợp Tiến (Nam Sách) khi trở thành nơi thành lập của cả Đảng bộ tỉnh và Đảng bộ huyện.

Nhà bia nơi thành lập Đảng bộ tỉnh là địa điểm ý nghĩa để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ       

80 năm qua, Đảng bộ, nhân dân địa phương không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương ngày một khang trang, giàu mạnh.

Truyền thống cách mạng

Xã Hợp Tiến vốn là vùng chiêm trũng, cuộc sống người dân dưới chế độ áp bức, bóc lột của thực dân Pháp rất khổ cực. Với tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường, nơi đây nhanh chóng trở thành cái nôi của cách mạng.

Ông Mạc Văn Thành (chắt nội cụ Lê Thị Thạnh, có nhà là nơi thành lập Đảng bộ tỉnh) cho biết lớn lên ông được các cụ kể lại những năm 1930 - 1940, phong trào cách mạng ở xã Hợp Tiến và khu vực lân cận diễn ra sôi nổi. Nhiều gia đình tuy phải chạy ăn từng bữa vẫn tận tình nuôi giấu cán bộ cách mạng như người ruột thịt.

Ý chí đấu tranh của người dân, phong trào cách mạng của xã Hợp Tiến ngày một phát triển. Ngày 19.5.1940, Liên tỉnh B ra quyết định thành lập Chi bộ Đảng tại Nghè Bến, xã Tạ Xá (nay là thôn Đầu Bến, xã Hợp Tiến). Chi bộ Đảng ra đời tạo bước ngoặt lịch sử trong đấu tranh cách mạng của địa phương. Ngày 10.6.1940, tại nhà cụ Thạnh, Ban Tỉnh ủy lâm thời được thành lập. Ngày 20.7.1940, Tỉnh uỷ lâm thời lần thứ nhất đã họp và quyết định thành lập Phủ uỷ Nam Sách.

Nhà cụ Thạnh sau này được gia đình tự nguyện để lại cho tỉnh làm nơi ghi dấu địa điểm thành lập Đảng bộ tỉnh. Thời gian qua, tại đây đã được tỉnh đầu tư nâng cấp, xây dựng Nhà bia, trở thành nơi kỷ niệm, tham quan, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và thế hệ trẻ.   

Chuyển mình mạnh mẽ

80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, xã Hợp Tiến không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, chỉ đạo, lãnh đạo nhân dân giành nhiều thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến và sự nghiệp đổi mới xây dựng quê hương sau này.

Từ năm 2011, địa phương quyết tâm huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Phong trào được cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân tích cực hưởng ứng. Từ đó đến nay, ngoài gần 14 tỷ đồng tỉnh hỗ trợ, hơn 6 tỷ đồng của huyện, địa phương đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây dựng khu nhà làm việc của UBND xã, trạm y tế, trường tiểu học, trường mầm non, nhà đa năng, sân vận động... Người dân đã đóng góp gần 9 tỷ đồng, tham gia 20.767 ngày công, hiến 21.607 m2 đất để làm đường giao thông và một số công trình khác.  

Bà Mạc Thị Xuân (75 tuổi) ở thôn Đầu Bến phấn khởi nói: "Nhiều năm nay, đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông giúp người dân đi lại, sản xuất thuận lợi hơn rất nhiều. Đời sống vật chất, tinh thần cũng ngày một cao hơn".

5 năm qua, kinh tế của xã tăng trưởng bình quân 10%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ lần lượt là 43,91% - 34,72% - 21,37%. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 50,3 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,57% (năm 2011 là 8,2%). Các trường học đều đạt chuẩn quốc gia, cả 4 thôn của xã liên tục giữ vững danh hiệu văn hóa, hơn 92% số gia đình văn hóa.

Năm 2015, xã Hợp Tiến đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, địa phương đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao và phấn đấu hoàn thành vào năm 2023. Ông Lê Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết xã đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí của nông thôn mới nâng cao. Thời gian tới, xã tập trung các nguồn lực, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất để mở rộng 7đoạn đường liên thôn dài gần 6 km, mặt đường từ 3,5 m lên 7 m; xây dựng trạm y tế đạt chuẩn mức độ 2, nâng cấp các trường học. Địa phương đang được tỉnh, huyện đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp đường liên xã, con đường từ đường liên xã vào nơi thành lập Đảng bộ tỉnh dài hơn 800 m. Đây là cú hích quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã có thêm động lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao vào thời gian tới.


DANH TRUNG

(0) Bình luận
Đổi mới ở vùng quê cách mạng Hợp Tiến