Từ trong tủ sách gia đình, cô trò tiểu học tìm được một cuốn Văn nghệ Hải Hưng và thốt lên: “Ông ơi, sao sách này xấu thế, giấy in đen và ráp thế?”.
Mở sách ra đọc, cháu lại hỏi ngày xưa ông đã là chuyên gia, cố vấn rồi sao, vì cháu thấy ông viết mặc áo "chuyên gia, đi xe cố vấn"…
Câu hỏi của cháu bé gợi lại cả một thời cách nay 30 năm, khi đất nước, quê hương sống trong cơ chế quan liêu bao cấp, bị bao vây kinh tế. Đó là thời kỳ hơn hai mươi triệu người Việt sống trên những vùng đồng bằng mầu mỡ mà vẫn thiếu đói, phải nhập từ hạt bo bo đến bột mì. Hàng hóa từ lương thực, thực phẩm đến hàng tiêu dùng lại càng thiếu. Với chế độ tem phiếu, phân phối từ cái kim, sợi chỉ đến các nhu cầu thiết yếu khác cho sản xuất, đời sống hằng ngày nên thiếu vải cởi trần mới phải mặc áo chuyên… da; thiếu lốp xe đạp phải dùng dây quấn khi lốp xe bị bục nên mới đi xe "cố vấn”. Và còn biết bao nhiêu câu chuyện, câu nói vừa hài hước, vừa buồn của một thời khó khăn đó. Cho đến nay, nhiều người vẫn còn nhớ vào tháng 1-1988, khi trả lời một nhà báo nước ngoài, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ví “xã hội chúng tôi như một người bị ốm nặng, không có một vị thuốc thần nào lập tức có thể đứng dậy đi ngay và chạy ngay được”.
Đúng là không thể lập tức đứng dậy đi và chạy ngay được, nhưng chính từ Đại hội VI (năm 1986), Đảng ta đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lãnh đạo đã khai sinh ra Đổi Mới, có thể coi đó là vị “thuốc thần” để nước ta như một người “ốm yếu”, từng bước phục hồi thành người khỏe mạnh, rồi vươn lên cường tráng như hôm nay.
Chỉ mười năm sau Đổi Mới (1986-1996), đất nước ta đã thoát khỏi tình trạng kinh tế khủng hoảng. Thực hiện các nghị quyết của Trung ương về phát triển lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và xuất khẩu đã mang lại kết quả rõ rệt. Lương thực từ chỗ thiếu ăn đã có dự trữ và bắt đầu xuất khẩu. Hàng tiêu dùng không còn khan hiếm quá, chế độ tem phiếu bị bãi bỏ, công nghiệp nhiều ngành đã khôi phục…
Từ thành tựu Đổi Mới ban đầu đó khiến toàn Đảng toàn dân ta phấn khởi, tin tưởng, tạo tiền đề cho thời kỳ tiếp theo 2001-2010. Đó là thời kỳ thực hiện các Nghị quyết Đại hội VIII, Đại hội IX với quyết tâm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển. Ngay từ thời điểm đó, Đảng đã có tầm nhìn xa phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành nước có nền công nghiệp theo hướng hiện đại. Kiên trì Đổi Mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI nước ta đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình.
Cùng cả nước Đổi Mới, 30 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội. Nếu so sánh với 30 năm trước, thì mọi thành tựu đều vượt lên cả chục, trăm, thậm chí đến cả ngàn lần, lại có cái từ không đến có. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI vừa họp, chỉ tổng kết trong giai đoạn 5 năm 2011-2015, kết quả thực hiện 18 chỉ tiêu chủ yếu mà Đại hội XV đề ra đã hình dung được một hình ảnh quê hương mệnh danh “đất lúa” đang từng bước phát triển thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Một khối lượng tổng sản phẩm xã hội đồ sộ, đa dạng và giá trị; một bước chuyển dịch kinh tế khá ngoạn mục; một cơ cấu lao động mới hình thành; một vùng quê thành thị - nông thôn cùng phát triển, rút dần cái khoảng cách bao đời để lại; một miền văn hóa “địa linh nhân kiệt” ngày càng được tôn vinh…
Tất cả không thể có lý giải nào khác về nguyên nhân của sự phát triển bắt đầu từ quyết tâm Đổi Mới của Đảng ta. Đổi Mới - hai tiếng diệu kỳ đã và đang cổ vũ chúng ta bước tiếp trên con đường xây dựng và phát triển quê hương, đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
NGUYỄN THẾ TRƯỜNG