Phương pháp đánh giá, phân loại được đổi mới, thay vì dùng phương pháp tổ chức đảng tự chấm điểm và cấp trên thẩm định, lần này phương pháp đánh giá, phân loại được thực hiện đa chiều...
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Hướng dẫn kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng, khen thưởng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thay thế Hướng dẫn số 25 ban hành ngày 1.12.2014. Phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy về những điểm mới đáng chú ý của hướng dẫn này.
- Thưa đồng chí, đâu là những điểm mới cần quan tâm trong kiểm điểm tổ chức đảng, đảng viên cuối năm theo hướng dẫn mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành?
- Có thể nói các điểm mới trong hướng dẫn lần này thể hiện ở cả đối tượng, nội dung kiểm điểm và cách thức tiến hành kiểm điểm. Cụ thể là:
Về đối tượng, hướng dẫn nêu cụ thể và mở rộng hơn trước các đối tượng phải kiểm điểm và nơi được kiểm điểm. Trong đó, điểm mới là các cấp ủy viên cơ sở sẽ kiểm điểm trước tập thể ban chấp hành và tập thể lãnh đạo, quản lý nơi mình là thành viên thay vì chỉ kiểm điểm trước tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị nơi mình là thành viên lãnh đạo như hướng dẫn trước. Đồng thời, hướng dẫn nêu rõ nơi kiểm điểm của đảng viên giữ từ 3 chức vụ lãnh đạo, quản lý trở lên; cán bộ, lãnh đạo quản lý ở nơi thực hiện chế độ thủ trưởng hoặc chưa có cấp phó; cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa là đảng viên.
Về nội dung kiểm điểm, hướng dẫn nhấn mạnh yêu cầu kiểm điểm việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và lượng hóa kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao (nếu có) đối với cả tập thể lãnh đạo, quản lý và cá nhân. Trong đó, đối với cá nhân đảng viên là công chức, viên chức và những người khác hưởng lương từ ngân sách nhà nước, khi kiểm điểm cần đi sâu làm rõ về khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với vị trí việc làm; tinh thần đổi mới, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm; ý thức, thái độ phục vụ nhân dân. Nội dung này cho thấy việc kiểm điểm đã gắn chặt với kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thể hiện đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ dựa trên kết quả công việc, sản phẩm công việc cụ thể theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về công tác cán bộ.
Một điểm mới đáng chú ý nữa là hướng dẫn yêu cầu đối với cả tập thể và cá nhân đều phải kiểm điểm kết quả khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được cấp có thẩm quyền kết luận hoặc được chỉ ra ở kỳ kiểm điểm trước; những vấn đề được gợi ý kiểm điểm (nếu có).
Đối với tập thể, khi kiểm điểm phải làm rõ trách nhiệm của tập thể và mỗi thành viên, nhất là người đứng đầu trong từng hạn chế, khuyết điểm của tập thể và đề ra biện pháp khắc phục có tính khả thi. Đối với cá nhân, làm rõ trách nhiệm liên quan đến kết quả, hạn chế, khuyết điểm ở lĩnh vực, địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách; kiểm điểm việc thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm; kiểm điểm việc khắc phục các hạn chế, yếu kém đã chỉ ra sau khi được gợi ý kiểm điểm của cấp trên.
Về cách thức tiến hành kiểm điểm có điểm mới đáng chú ý là yêu cầu cấp ủy cấp trên trực tiếp phân công cấp ủy viên, cán bộ, chuyên viên các ban tham mưu, giúp việc của cấp ủy dự, chỉ đạo và tổng hợp kết quả kiểm điểm ở cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý cấp dưới để báo cáo cấp ủy cấp trên. Hướng dẫn cũng nêu rõ yêu cầu về thời gian tổ chức kiểm điểm cụ thể đối với tập thể, cá nhân, nhất là đối với nơi được gợi ý kiểm điểm.
- Với cách kiểm điểm như vậy, việc đánh giá, xếp loại chất lượng và khen thưởng tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có gì mới, thưa đồng chí?
- Trước hết, khung tiêu chí đánh giá xếp loại tổ chức đảng năm nay được mở rộng so với quy định trước. Ngoài 5 nội dung về: công tác chính trị tư tưởng; công tác tổ chức, cán bộ và xây dựng đảng bộ, chi bộ; lãnh đạo chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm được lượng hóa cụ thể, hướng dẫn bổ sung tiêu chí thứ 6 về kết quả khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra.
Thứ hai, về cách thức xếp loại đối với tổ chức cơ sở đảng, thay vì chia thành 4 loại: trong sạch, vững mạnh (TSVM); hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và yếu kém, hướng dẫn lần này đưa ra khung tiêu chuẩn các mức chất lượng gồm: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.
Phương pháp đánh giá, phân loại cũng được đổi mới, thay vì dùng phương pháp tổ chức đảng tự chấm điểm và cấp trên thẩm định, lần này phương pháp đánh giá, phân loại được thực hiện đa chiều, có nhiều chủ thể cùng tham gia đánh giá. Ngoài việc tự đánh giá của bản thân tổ chức đảng, cấp ủy, tập thể lãnh đạo quản lý còn có đánh giá của cấp trên; đánh giá của tổ chức đảng, cấp ủy, tập thể lãnh đạo quản lý cùng cấp; đánh giá của cấp dưới.
Tiêu chí để phân loại các tổ chức đảng cũng có nhiều điểm mới theo hướng yêu cầu cao hơn. Theo quy định cũ, để đạt tiêu chuẩn TSVM, chi bộ phải có 100% số đảng viên đạt mức "hoàn thành nhiệm vụ" trở lên; đảng bộ có 100% số tổ chức đảng trực thuộc đạt mức "hoàn thành nhiệm vụ" trở lên. Nay yêu cầu để xếp loại "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" là chi bộ có 100% số đảng viên đạt mức "hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên; đảng bộ phải có 100% số tổ chức đảng trực thuộc xếp loại "hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên. Với đảng bộ, chi bộ xếp loại "hoàn thành tốt nhiệm vụ", yêu cầu phải có 100% số tổ chức đảng trực thuộc, 100% số đảng viên được xếp loại "hoàn thành nhiệm vụ" trở lên. Theo quy định cũ, đảng bộ cơ sở có trên 1/3 số chi bộ trực thuộc trở lên xếp loại yếu kém; chi bộ có trên 1/2 số đảng viên xếp loại "không hoàn thành nhiệm vụ" thì có thể xếp loại yếu kém. Nay theo quy định mới, chỉ cần Ban Thường vụ cấp ủy bị xử lý kỷ luật hoặc có trên 20% số tập thể cấp ủy "không hoàn thành nhiệm vụ" (chi ủy bị xử lý kỷ luật hoặc chi bộ có trên 20% số đảng viên xếp loại "không hoàn thành nhiệm vụ") thì xếp loại "không hoàn thành nhiệm vụ".
Đối với đảng viên, có một số điểm mới đáng chú ý trong phân loại đảng viên như sau: không đặt ra quy định đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có trên 2/3 số đảng viên chính thức được triệu tập của chi bộ bỏ phiếu tán thành. Tương tự như vậy, với đảng viên "hoàn thành tốt nhiệm vụ" không đặt tiêu chí phải có trên 1/2 số đảng viên chính thức của chi bộ được triệu tập bỏ phiếu tán thành. Tỷ lệ đảng viên "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" được nêu rõ là không quá 20% số đảng viên được xếp loại "hoàn thành tốt nhiệm vụ" trong tổ chức cơ sở đảng (thay vì 15% như quy định trước). Các chủ thể liên quan đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên là công chức, viên chức gồm có: chi ủy (chi bộ) nơi đảng viên sinh hoạt; tập thể lãnh đạo đoàn thể mà đảng viên là thành viên lãnh đạo; người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng công chức, viên chức; chi ủy, đảng ủy cơ sở nơi đảng viên cư trú và đảng viên trong chi bộ. Đối với đảng viên không là công chức, viên chức thì chủ thể đánh giá chỉ còn 3 đối tượng là: chi ủy (chi bộ) nơi đảng viên sinh hoạt; tập thể lãnh đạo đoàn thể mà đảng viên là thành viên lãnh đạo; đảng viên trong chi bộ.
Chi ủy (bí thư nơi không có chi ủy) tổng hợp kết quả đánh giá của các chủ thể, đề xuất nội dung nhận xét đánh giá, mức xếp loại chất lượng cho từng đảng viên và báo cáo cấp ủy cơ sở. Bộ phận giúp việc cấp ủy thẩm định báo cáo của chi bộ để đảng ủy cơ sở xem xét, bỏ phiếu kín quyết định xếp loại chất lượng đảng viên. Đối với chi bộ cơ sở thì chi ủy (bí thư nơi không có chi ủy) quyết định xếp loại chất lượng đảng viên.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
THANH MAI(thực hiện)