Đổi mới chương trình giáo dục địa phương

03/10/2019 08:26

Sở GDĐT đang khẩn trương xây dựng, biên soạn chương trình giáo dục địa phương (GDĐP) để phục vụ việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới.


Phóng viên Báo Hải Dương phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT về việc này.

- Chương trình GDĐP mới sẽ có những thay đổi nào so với trước, thưa đồng chí?

- Theo công bố của Bộ GDĐT, nội dung GDĐP trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương để bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước.

Chương trình này nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng tình yêu, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết vấn đề của quê hương.

Trong chương trình cũ hiện hành, chương trình địa phương cấp THCS và THPT có một số tiết cụ thể được quy định ở môn lịch sử, địa lý, ngữ văn, giáo dục công dân hoặc tích hợp trong một số môn âm nhạc, mỹ thuật (cấp THCS).

Sở GDĐT đã biên soạn và ban hành sử dụng thống nhất 3 bộ tài liệu dạy học chương trình địa phương gồm tài liệu dạy học lịch sử, địa lý (từ năm học 2014 - 2015) và ngữ văn tỉnh (từ năm học 2017 - 2018).

Tuy nhiên, nội dung chương trình GDĐP mới ở cấp tiểu học được tích hợp với hoạt động giáo dục bắt buộc là hoạt động trải nghiệm. Còn ở bậc THCS, THPT, GDĐP là nội dung bắt buộc có thời lượng 35 tiết/lớp/năm học.

Như vậy, chương trình GDĐP có vị trí tương đương như một trong các môn học bắt buộc khác. Nội dung GDĐP sẽ không chỉ tăng về thời lượng mà nội dung mở rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, do vậy phải biên soạn lại tài liệu để đáp ứng yêu cầu mới.

- Việc biên soạn tài liệu GDĐP mới liệu có đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục?

- Sở đang tích cực tham mưu với UBND tỉnh thành lập Ban Biên soạn Chương trình GDĐP tỉnh Hải Dương để kịp thời đáp ứng nhiệm vụ triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới. Thành viên của Ban Biên soạn có các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan để việc cung cấp thông tin, tài liệu, thẩm định diễn ra đầy đủ, chính xác, khoa học và tính cập nhật cao.

Công tác biên soạn hiện có một số thuận lợi như có tài liệu, nội dung của chương trình đã được biên soạn kỹ từ trước; đội ngũ biên soạn đông đảo, có kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, chương trình mới sẽ mở rộng, cập nhật thêm những thông tin phù hợp với thực tế và yêu cầu dạy học ở từng cấp, khối lớp.

Trước mắt, sở đang ưu tiên cho việc biên soạn tài liệu GDĐP lớp 1 để kịp thời phục vụ cho năm học 2020 - 2021 bắt đầu thay sách giáo khoa mới của tiểu học. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện bộ khung chương trình cho tất cả các khối lớp và sẽ ban hành tài liệu chính thức trước mỗi năm học thay sách tiếp theo.

Nội dung GDĐP sẽ gồm các phần chung của tỉnh và có những nội dung riêng cho từng huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn để giáo viên lựa chọn.

Tài liệu GDĐP mới sẽ biên soạn theo hướng kết hợp giữa dạy học trên lớp với tổ chức tham quan thực tế, sưu tầm, ngoại khóa để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất, tạo hứng thú, nâng cao hiểu biết về văn hóa, lịch sử, kinh tế - xã hội của địa phương cho học sinh. Vì vậy, tài liệu sẽ biên soạn theo các chủ đề, chuyên đề, chủ điểm, hoạt động… bảo đảm tính gắn kết, liền mạch từ tiểu học, THCS đến THPT.

Tùy vào đặc điểm của mỗi địa phương, chương trình đưa thêm nội dung tìm hiểu, học về nghề truyền thống, đặc sản, sản phẩm tiêu biểu. Ngoài ra, việc dạy học mang tính mở, tích hợp liên môn, trải nghiệm thực tế chứ không cứng nhắc. Qua đó, giúp học sinh có thêm kiến thức, hiểu biết về địa phương, công việc để có định hướng nghề nghiệp tốt hơn sau này.

- Xin cảm ơn đồng chí!

DANH TRUNG(thực hiện)

(0) Bình luận
Đổi mới chương trình giáo dục địa phương