Đôi lúc nhìn khoảng trời đêm thăm thẳm, tôi thường tự hỏi xem có bao nhiêu nhà thơ viết về những ngôi sao trên vòm trời.
Đôi lúc nhìn khoảng trời đêm thăm thẳm, tôi thường tự hỏi xem có bao nhiêu nhà thơ viết về những ngôi sao trên vòm trời. Nhiều lắm, làm sao kể cho hết được. Thôi thì hãy nhẩm nhớ những bài thơ, những câu thơ của các nhà thơ tiền bối Việt Nam ít nhiều đã gây ra sức ám ảnh cho mình.
Bài thơ "Nhớ" của Nguyễn Đình Thi tôi được đọc cách đây chừng bốn mươi năm và thuộc cho đến bây giờ. Bài thơ nói về ngôi sao, về ngọn lửa, về tình yêu đôi lứa, về tình yêu đất nước. Cái riêng hòa với cái chung. Bài thơ giàu sức liên tưởng. Từ một hiện tượng, tác giả đã khái quát khiến cho tính tư tưởng của bài thơ được nâng lên: "Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt/Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời/Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực/Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người". Bài thơ được nhiều lớp tuổi, nhất là lớp tuổi trong chiến tranh ưa thích. Rất nhiều người đã chép bài thơ "Nhớ" vào sổ tay.
Dường như mỗi bài thơ hay đều có sức sống riêng, vẻ đẹp riêng để đi vào tâm trí người đọc.
Năm 1964, giặc Mỹ ném bom ra miền Bắc, nhà thơ Chế Lan Viên lập tức có bài thơ "Sao chiến thắng". Bài thơ mang đậm chất thời sự, chính luận và được in ở trang nhất báo Văn nghệ thời đó. Có cảm giác bài thơ "Sao chiến thắng" thay cho bài chính luận, lời lẽ đanh thép hào sảng mà vẫn giữ được chất thơ, chất hùng ca: "Giặc Mỹ mày đến đây/Thì ta tiêu diệt ngay/Trời xanh ta nổi lửa/Bể xanh ta giết mày/ .../Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông".
Đất nước có chiến tranh, nhà thơ đứng ngang tầm với thời đại, nhà thơ song hành cùng nhân dân, họ tình nguyện lấy thơ làm mũi nhọn xung kích.
"Sao chiến thắng" là bài thơ dài, tác giả viết theo dòng chảy của cảm xúc. Câu thơ có khi năm chữ, mười chữ, mười bốn chữ. Dòng chảy của cảm xúc hòa vào dòng chảy của ngôn từ, đôi khi chính người viết cũng bị cuốn theo cảm xúc. Máy bay Mỹ ném bom ở miền Bắc và bị quân và dân ta bắn rơi. Đó là một thông điệp đầy chất thời sự, tưởng rất khó viết thành thơ, nhưng tác giả đã biến dòng thông điệp đó thành cảm xúc dào dạt, thành khúc ca náo động lòng người: "Tàu Mỹ rụng đất này ai có nghe chăng/Sao thức canh đêm, bể biếc reo mừng/Sóng ru đất mây nhắn cùng gió thổi/Thần chiến thắng là những người áo vải/Những binh nhất binh nhì mười tám tuổi/Giết quân thù không đợi có hạt nhân". Bài thơ viết cách đây hơn bốn mươi năm nhưng bây giờ đọc lại người đọc vẫn nhớ những câu thơ hay, vẫn như được sống lại một thời chiến tranh hào hùng, quyết liệt: "Đêm nay sao chín vàng như thóc giống/Phải đêm nay trời cũng được mùa?/Trời sao cao như là chiến trận/Sao sáng ngời vũ khí lòng ta".
Nhắc đến "Nhớ" của Nguyễn Đình Thi, "Sao chiến thắng" của Chế Lan Viên, lẽ nào không nhắc đến bài thơ "Đêm sao sáng" của Nguyễn Bính - một bài thơ tình yêu viết trong giai đoạn đất nước bị chia cắt. Trong bài "Đêm sao sáng", Nguyễn Bính nhắc đến những tâm sự của người chồng ở miền Bắc nhớ đến người vợ ở miền Nam với những câu thơ hay và cảm động: "Nhìn bóng Thần Nông chẳng thấy đâu/Thấy con vịt lội giữa dòng sâu/Sao Hôm như mắt em ngày ấy/Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu". Trong di cảo để lại, nhà thơ Trần Dần, cũng có những câu thơ viết về sao mới lạ, giàu ấn tượng: "Các vì sao, ai bắt vít lên trời/Những đinh vít long lanh bằng bạc".
Mỗi bài thơ hay, câu thơ hay đều in được dấu ấn của một thời và của chính tác giả. Trên bầu trời dày đặc những ngôi sao kia, ngôi nào xa xăm, ngôi nào chợt thức. Đôi lúc, tôi ngước lên bầu trời, nhìn sao và nhẩm đọc. Những bài thơ hay, những câu thơ hay có giống những ngôi sao chớp sáng?
NGUYỄN ÐỨC MẬU