“Đôi dép” - Tấm lòng người phụ nữ Việt

01/08/2013 09:20

Mở đầu chỉ bằng hai câu thơ, Hoàng Giá đã cho ta hiểu được chị là vợ một người thương binh cụt chân phải. Chị là người phụ nữ nhẫn nại, tần tảo, biết thu vén. Ta đều hiểu rằng trong cơ chế thị trường hiện nay, việc tìm mua một đôi dép thật quá giản đơn vì ở đâu mà chẳng có. Có người sẽ tự hỏi tại sao không mua cả đôi có được không? Nếu vậy sẽ chẳng còn thơ, còn văn.

ĐÔI DÉP

Đã mấy ngày tìm mua dép cho chồng
Không quen thừa nên chỉ tìm chân trái
Người ta bảo "dở hơi" cũng phải
Chim còn đôi, sao dép lại không đôi?

Tình của em cảm động cả đất trời
Gặp bà già tìm mua bên chân phải
Chia nhau một đôi, chia đều phải trái
Hai cuộc đời ghép lại đủ âm - dương

Lòng mẹ, lòng em xưa gửi chiến trường
Nay bâng khuâng kiếm tìm giữa chợ
Để cái thiếu có nơi gặp gỡ
Kê đời khập khiễng vững đôi chân.
                                             Chợ Dâu - 2003

HOÀNG GIÁ

Người vợ như linh cảm có một điều gì đó sẽ đến. Vì vậy, chị đã kiên nhẫn kiếm tìm. Ở đây ta hiểu rằng chị không kiếm tìm chiếc dép mà chỉ kiếm tìm sự đồng vọng, kiếm tìm người cùng cảnh ngộ. Chị tin sẽ có người cần chiếc kia của đôi dép, chị "không quen thừa". Thực ra giá trị kinh tế của đôi dép có đáng là bao, nhưng chị không muốn vứt chiếc dép thừa kia đi vì nếu vứt đi thì tiếc mà để lại thì nó phải nằm côi cút nơi gầm giường, xó bếp. Chiếc dép không được sưởi ấm bằng bàn chân người. Hay nói ngược lại, nó không làm tròn cái bổn phận nhỏ nhoi là nâng ấm bàn chân người. Chị thương nó vì nó cũng sẽ tủi thân lắm. Mỗi lần nhìn thấy chiếc dép thừa kia, gia đình chị và cả chúng ta nữa ai mà không mủi lòng và không tiếc nuối. Cũng chính vì vậy mà chị phải chịu cái tiếng là "dở hơi". Nhưng chị đã nhận về cho mình biết bao điều tốt đẹp. Trước cảnh ngộ đó, trời còn cảm động huống chi là con người: "Tình của em cảm động cả đất trời/Gặp bà già tìm mua bên chân phải". Niềm tin và lòng kiên nhẫn của chị đã được đền đáp. Mặc dầu chị và cả chúng ta đều không muốn điều đó, không muốn có một người thứ hai nào đó cùng cảnh ngộ éo le như chị. Nhưng để giành được độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc đâu chỉ có thể là máu xương của một con người mà là của hàng triệu con người. Chị đã gặp người cùng cảnh ngộ và họ đã: "Chia nhau một đôi, chia đều phải trái/Hai cuộc đời ghép lại đủ âm - dương".

Chỉ có hai chiếc dép nhỏ nhoi kia mà lại hòa quyện, lại dính kết hai số phận của hai con người là vậy. Hai chiếc dép thôi mà hai cuộc đời đã được ghép lại cho âm dương giao hòa, cho cuộc đời như được vững chắc thêm bằng hai cái chân còn lại của hai con người xa lạ. Chính vì thế mà giờ đây: "Lòng mẹ, lòng em xưa gửi chiến trường/Nay bâng khuâng kiếm tìm giữa chợ".

Cứ mỗi lần đi mua dép cho chồng, cho con là họ lại kiên nhẫn kiếm tìm nhau giữa cái chợ Dâu nghèo khó của một vùng quê: "Để cái thiếu có nơi gặp gỡ/Kê đời khập khiễng vững đôi chân".

Dưới con mắt của Hoàng Giá, dưới ngòi bút của Hoàng Giá, hay nói đúng hơn là trong nghĩ suy của anh, cuộc đời này người ta sống có nhân có nghĩa biết nhường nào. Anh đã dựa vào một cái cớ rất nhỏ "không quen thừa" để khắc họa bức chân dung tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam.

NGUYỄN XUÂN DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Đôi dép” - Tấm lòng người phụ nữ Việt