Nhà thơ Lê Kim từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị là nhà báo. Thế hệ những người lính như ông từng trải qua các cuộc chiến tranh, thì nghị lực và niềm tin chính là từ mỗi bước đường gian khổ của mình, của nhân dân mình.
Nhà thơ Lê Kim, tuổi trên tám mươi mà vẫn rất khỏe mạnh, vui vẻ, hài hước như những câu thơ và giai thoại về ông: Ba thằng một cái chăn bông/Nằm thẳng cũng khổ, nằm cong cũng phiền/Đắp dọc thì hở hai bên/Đắp ngang thì lạnh như tiền cái chân... Hôm đã lâu, tôi trêu: "Bác Lê Kim ơi! Ba thằng đàn ông ngủ với nhau gớm chết, chả chính quy tí nào". Lê Kim cười trơ lợi, eo éo giọng kim bảo: "Úi dào, bọn tớ ngày ấy còn bốn năm thằng một cái ấy chứ. Cánh dân công Điện Biên chị em cũng thế cả. Vui đáo để mà hồn nhiên chết người. Nghĩ mình ngày ấy cũng khờ quá đi".
Nhà thơ cười rồi chợt im lặng. Hồi ấy, tôi còn ở truyền hình, đang tham gia tổ chức kịch bản chương trình giao lưu kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Biết Lê Kim từng tham gia chiến dịch này với cương vị nhà báo nên đến khai thác tư liệu từ ông. Ông niềm nở và có trí nhớ tuyệt vời. Những câu chuyện, chi tiết ông kể về dân công, bộ đội ta trong chiến dịch rất sinh động. Hẹn gặp nhau tại lòng chảo Điện Biên Phủ, trước lúc ra về, chợt nhớ tới thông tin không biết thực hay hư về chuyện có mấy binh lính Nhật lạc rừng từ thời chiến tranh thế giới thứ hai đang gây xôn xao, tôi trêu nhà thơ Lê Kim: "Hôm lên Điện Biên, bác nhớ mặc quân phục của ta. Bác vốn có khuôn mặt giống người Pháp, không khéo dân quân du kích trên ấy tưởng nhầm là địch thì bỏ bố..." Lê Kim cười lục cục: "Ngày xưa cũng nhiều lần bị nhầm rồi đấy. Toàn các mẹ dân công mới chết chứ. Nhưng tớ vốn mau mồm mau miệng, tiếng Kinh tiếng Thái làu làu, lại biết ứng phó bằng thơ vui tếu táo nên đều thoát hiểm cả. Mà ngần này tuổi rồi. Tới cõi rồi. Tớ cóc sợ".
Cuộc ấy, trên đường lên Điện Biên, đoàn chúng tôi gặp lũ quét tại cầu Tạ Khoa. Hú hồn hú vía nhưng có lẽ nhờ anh linh của các anh hùng liệt sĩ Điện Biên nên chương trình đều suôn sẻ cả.
Trong các cuộc trò chuyện với Lê Kim, cuộc ấy và sau này, dù tôi chẳng ghi chép gì nhiều, thì những câu thơ vui, những mẩu chuyện hài nhà thơ kể vẫn hằn rõ trong trí nhớ.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, thơ ca hò vè của bộ đội và dân công phát triển rôm rả lắm. Ngoài những văn nghệ sĩ chuyên nghiệp với những tác phẩm lớn thì chính những vần thơ câu vè nôm na đã cổ động rất tích cực quân và dân ta giành chiến thắng. Khi lục lại cái khoang thơ ca hò vè ấy, tôi không khỏi "tâm phục khẩu phục" các bậc cha anh mình ngày trước. Một hôm, tôi mời Lê Kim tới giao lưu với sinh viên Phân viện Báo chí và Tuyên truyền với chủ đề Thơ vui chiến sĩ. Khi làm kịch bản, tôi đã có "xen" đối đáp trước với Lê Kim rất thú vị, rất Lê Kim. Tôi bảo: "Bác ơi, ngày ấy, bác viết thế này trong kháng chiến khác gì tự quảng cáo mình có gia đình, mình đang ở chiến trường, vừa cảnh báo anh hàng xóm, vừa làm đê chắn sóng mấy mẹ dân công thì cô nào dám sán đến nữa: Mấy lời nhắn nhủ mẹ cu/Anh về anh sẽ đền bù của anh/ Cơm không ăn gạo để dành/Mặc anh hàng xóm loanh quanh ra vào.../Bền gan gắng đợi tí ti/Giặc tan nhất định anh về với... con... thì người ta biết tỏng hết cả còn đâu". "Này này, có đấy có đấy - Lê Kim nói ngay - Các mẹ ngày ấy có biết chữ đâu, nhưng thơ ca thì cỡ tớ phải phục lăn. Nghe đây xem có ghê không: Gặp anh em sướng rơn rơn/Anh nắm anh kéo lên đồn khiêng bom/Anh bảo: Coóc-xê một hòm/Tưởng bở em mới... hú hồn vàng ươm/ Anh ơi mai lại công đồn/ Coóc-xê thu được em hôn anh nhày (nhảy)". Tôi cười sặc sụa la to: "Con xin bố. Thơ của bố. Thơ Lê Kim". Lê Kim cười lục khục: "Chưa ăn thua đâu. Các mẹ ấy bảo: Đêm qua trông dải Ngân Hà/Lòng em khấp khởi tưởng là sông Lô/Tim em đập như máy ô-tô/Anh ơi giữ hộ cái chỗ này cho em/Tim anh sao đập leng keng/Chỉ giữ đã hãi thì xem thế nào... Các mẹ ấy còn bảo: "Con đò trong bãi nằm dài/ Em tắm sạch lắm đợi hoài các anh/ Có đến thì đến đầu xanh/Đừng đến đầu bạc tỏi hành nhau ra/Có đến thì mang cái ca/Đong đầy bơ đỗ thì tha cho về". Tôi không nhịn được cười, nước mắt giàn giụa, chưa kịp mở miệng xin Lê Kim phanh lại bác đã đọc tiếp: Sông Lô có mấy con thuyền/Bao nhiêu tấc nước, mấy nghìn khúc quanh/Bộ đội chủ lực mấy anh/ Gặp em đây cũng tan thành khói mây... "Mình mới cáu tiết ngứa nghề - Lê Kim càng như hăng hơn - Tớ mới đọc ngay, nó thế này: Khói mây cũng mặc, anh bay/Anh đánh thắng giặc anh cày với em/Anh cày đồng lạ đồng quen/ Ruộng trên ruộng dưới anh lèn, anh tôm/Anh bừa, anh đập, anh trồng khoai môn/ Nhổ khoai anh nướng đưa mồm anh xơi/Anh sẽ đưa em vào đời... Úi dà, các mẹ cười ré lên, cấu chí nhau, đặt quang gánh xẻng cuốc, đồ nghề xuống. Phen này thì chết với các mẹ ấy, một mẹ tớn lên: Gớm nhỉ. Chuồn chuồn được mấy tí thịt. Hôm nay không đối được thì cho đi chầu giời. Này nghe đây: Anh ơi em bảo anh này/ Có tí giống má những cày, những tôm/Ừ anh dẻo miệng dẻo mồm/ Có giỏi mai mốt về ôm chị nhà/Kẻo mà các chị không tha/Một hai ba bốn thành gà không lông. Chưa hoàn hồn, một mẹ nữa bước sấn đến, trông mẹ cứ nung núc nung núc mà tớ ngày ấy đâu có ba mấy cân, sợ mẹ ấy thổi cái, mình bay vèo xuống vực thì khốn. Mẹ ấy ỏn ẻn "thổi" luôn: Nhà em ở chỗ kia kìa/ Có gan chốc nữa cứ lìa sang đây/ Em kiêng đã mấy năm nay/ Còn da lông mọc còn cây nảy chồi... Ôi cha mẹ ơi! Mẹ này mà mẹ ấy "ấy" thì chắc chắn xương cũng không còn. Nghĩ thế nhưng tớ cũng cứng vía lắm. Gì thì gì mình cũng là lính chủ lực, là thằng đàn ông thơ phú tây tàu, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Kinh, tiếng Thái làu làu. Sĩ lên, tớ liều mạng: "Còn xương anh quyết dùng xương/Rắn như giặc Pháp anh tương cũng chờn/ Anh đây đánh món võ vờn/Càng nhiều càng ít anh chờn chi ai/ Dẫu khoai nát vẫn là khoai/ Xong trận chiến thắng anh toài cũng cam. Nói chưa dứt lời, một mẹ giọng xứ Nghệ lừng lững tiến ngay ra: Chi nờ khoai, chi nờ cam/Chi nờ xương thịt nát tan chi nờ/Chi nờ toài nờ chi mô/Chi nờ vờn vỡn chi mô chi nờ... Úi giời ơi! Sao cái tiếng Nghệ nói nhanh nó khó nghe khó đối lại đến vậy. Tối tăm mặt mũi chi nờ chi nờ mình bí quá dịch không nổi còn biết đánh trận làm sao. Bèn đánh bài chuồn: Thôi thôi xin nói điều này/Đánh đấm chẳng được cuốc cày chẳng xong/Trồng ngô thì lại ra bông/Tưởng gái tơ hóa nạ dòng xin thua. Mấy mẹ thấy mình là chủ lực mà xuống nước đấu dịu xin tha, bèn nói: Kể thì mặt mũi khôi ngô/Có tí chữ nghĩa nhưng khờ quá ta/Gặp chị em nhớ tránh xa/Gặp giặc hãy đến kẻo mà ăn bom/Chúng em đây, thực còn son/Bao giờ chiến thắng em còn em cho/Đừng nghĩ quẩn mà sinh lo/Gạo còn đó rồi sẽ vo có ngày/Chào chủ lực chúng em đi đây..."
Bác Lê Kim nước mắt nước mũi giàn giụa trong tiếng cười của tôi. Ôi chao, các bố các mẹ. Ngày xưa đánh giặc cũng giỏi mà tếu táo cũng khiếp vía.
Nhà thơ Lê Kim tên thật là Nguyễn Duy Long. Ông sinh năm 1928 tại Bắc Ninh. Lê Kim làm thơ từ năm 1945 khi đang học Trường Trung học Hàn Thuyên (Bắc Ninh), từng được bầu làm chủ bút tờ nội san Đoàn kết của nhà trường. Gia nhập quân đội năm 1946, một năm sau ông trở thành phóng viên chủ lực của báo Bắc Sơn (Việt Bắc) rồi chủ bút báo Quân Trung du. Từ năm 1950 - 1955, ông công tác tại Sư đoàn 308, lần lượt giữ các chức vụ: Chính trị viên đại đội, Chính trị viên tiểu đoàn, Trưởng Ban Tuyên huấn trung đoàn. Ông tham dự các chiến dịch Biên Giới, Trung Du, Đồng Bằng, Đông Bắc, Tây Bắc, Thượng Lào và Điện Biên Phủ. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông về công tác tại báo Quân đội nhân dân, là bình luận viên quốc tế.
Sớm đến với thơ ca khi mới 17 tuổi, từng được nhà thơ Xuân Diệu viết lời giới thiệu tập thơ đầu tay Đời cứ tươi năm 1948. Nhà thơ Tú Mỡ rất thích và luôn động viên thơ đả kích của Lê Kim. Riêng Lê Kim quan niệm: Thơ châm biếm, đả kích là một loại vũ khí sắc nhọn, kịp thời tiến công vào cái ác, cái xấu, để cuộc đời thêm tươi vui, lành mạnh. Tôi làm thơ theo cảm xúc riêng, cũng nhiều lần viết theo "đơn đặt hàng", đã làm đủ các thể loại: thơ ca, hò vè, tấu nói, diễn ca... coi như một công tác phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng.
Lê Kim nói khiêm tốn thế chứ những câu như: Mặc cho trời đất xoay vần/Thịt da ta lại đắp lần thịt da là thơ đích thực. Có được một bài thơ, một câu thơ người đời nhớ đã là quý lắm rồi.
Nhà thơ Lê Kim đã in nhiều đầu sách, tiêu biểu như: Đời cứ tươi (Thơ, 1948); Điện Biên Phủ (Thơ đả kích 1954); Mỹ ngụy thảm bại khúc (Thơ đả kích, 1971); Anh Đại thắng, chị Hòa bình (Tấu, 1973); Khoa học bịp (Tiểu phẩm, 1978); Thơ và tình (Thơ, 1998)... Đặc biệt, ông còn tham gia dịch sách, tài liệu quân sự, khoa học, văn học, báo chí... được trong và ngoài giới ghi nhận.
Đôi lúc tôi cứ lẩn mẩn nghĩ rằng, không hiểu ông lấy ở đâu ra nhiều sức lực đến thế để làm việc, cái công việc luôn đòi hỏi sự minh mẫn và niềm đam mê, nhiều lúc là sự thiệt thòi trong cuộc sống.
Hỏi đấy rồi lại tự trả lời. Thế hệ ông, thế hệ của những người lính từng trải qua các cuộc chiến tranh, từng nhận ra đường đi của mình từ rất sớm, thì hẳn nghị lực và niềm tin của thế hệ ông, chính là từ mỗi bước đường gian khổ của mình, của nhân dân mình.
Và riêng ông, ông chả đã từng nói: Đời cứ tươi cứ thơ vui chiến sĩ đấy thôi!
PHÙNG VĂN KHAI