“Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Nhiều lần, mẹ đọc câu thơ ấy để nhắc tôi phải tự nguyện chăm chỉ lao động bằng chính đôi bàn tay của mình.
“Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Nhiều lần, mẹ đọc câu thơ ấy để nhắc tôi phải tự nguyện chăm chỉ lao động bằng chính đôi bàn tay của mình. Mẹ bảo: “Chăm hay không bằng tay quen”. Vậy mà, có lúc tôi mải chơi, đã quên lời mẹ dặn, đã vô tâm để mẹ làm một mình. Chỉ đến khi mẹ bị đứt tay, tứa máu, phải băng bó thì tôi mới hiểu được giá trị của đôi bàn tay mẹ.
Lần ấy bị đứt tay, cả nhà đi vắng, bố về muộn, anh em tôi đi chơi bên hàng xóm nên mẹ vẫn vo gạo, rửa rau để nấu cơm. Mẹ vẫn nhúng tay vào nước để rửa bát và giặt quần áo. Mẹ nghĩ vết thương nhỏ, qua loa nên có phần chủ quan. Không ngờ, vết thương loét ra, mẹ kêu xót mỗi khi tay chạm vào nước. Bố lấy lọ ôxy già rửa vết thương cho mẹ, rồi sát trùng cẩn thận và dặn mẹ kiêng động vào nước cho đến khi vết thương ráo miệng, đóng vảy. Tôi chạy lại, nhìn vết thương ở tay mẹ, lo lắng:
- Mẹ có đau lắm không?
Mẹ không trả lời câu hỏi của tôi mà giao việc:
- Từ mai con rửa bát, giặt quần áo cho mẹ nhé. Quần áo đi làm, đi học phải ngâm vò bằng tay trước chứ không vứt tọt vào máy ngay được.
Tôi tiu nghỉu, ao ước:
- Giá mà nhà mình mua được cả máy rửa bát mẹ nhỉ?
Mẹ lại giảng giải như mọi lần:
- Con cứ chăm chỉ học tập và làm việc thì sau này sẽ có điều kiện mua được.
Tôi định nói: “Con biết ngay là mẹ sẽ bảo vậy mà” nhưng nhìn bàn tay mẹ đang bị đau, tôi chợt sững lại. Lâu lắm rồi tôi mới để ý đôi bàn tay mẹ - đôi bàn tay đã bế ẵm anh em chúng tôi từ thuở lọt lòng. Đôi bàn tay mẹ đã nâng niu, vuốt ve, bón đút để anh em tôi lớn lên từng ngày. Đôi bàn tay mẹ đã nâng đỡ anh em tôi từ những bước đi chập chững đầu tiên. Từ đôi bàn tay nhỏ bé nhưng ấm áp và tràn đầy yêu thương của mẹ, tôi luôn được chở che, bao bọc. Đôi bàn tay ấy đã xoa đầu tôi khích lệ, động viên mỗi khi tôi học hành tiến bộ. Đôi bàn tay ấy đã nắm chặt tay tôi an ủi, truyền cho tôi niềm tin rằng “thất bại là mẹ của thành công” khi tôi không đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hồi lớp 5. Đôi bàn tay ấy đã đánh cảm cho tôi mỗi khi tôi bị ốm...
Giờ đây, đôi bàn tay của mẹ qua thời gian với bao vất vả đã trở nên thô ráp, không còn mềm mại, nuột nà như xưa. Đôi bàn tay mẹ đã chăm sóc cho cả gia đình, chăm sóc ba bố con tôi thật chu đáo. Mẹ vừa làm việc ở cơ quan, vừa đảm nhiệm việc cơm nước, chợ búa, giặt giũ, lau dọn nhà cửa và đưa đón anh em tôi tới trường để bố tôi yên tâm công tác ở xa. Từ ngày bố tôi chuyển công tác về gần, mẹ đỡ vất vả hơn một chút nhưng tính mẹ vốn chu đáo, cẩn thận, chăm chỉ nên mẹ thường làm hết mọi việc để bố tôi có thời gian chơi thể thao, để chúng tôi có nhiều thời gian học hành.
Những lúc rảnh rỗi, mẹ thường may quần áo, thêu tranh, đan móc. Quần áo mặc ở nhà của anh em tôi đều tự tay mẹ cắt may. Mặc dù bố tôi không muốn mẹ làm những công việc tỉ mỉ, mất thời gian và hại mắt đó nhưng mẹ coi đấy là sở thích, là niềm vui của mẹ nên bố rất tôn trọng. Mẹ làm việc gì cũng khéo tay, đặc biệt nấu ăn. Tôi thấy món nào mẹ nấu cũng rất ngon nên mẹ chỉ đi vắng một hôm là tôi sẽ cho bố và em ăn trứng luộc hoặc trứng rán.
Vậy mà bây giờ, nhìn tay mẹ đau và nổi đầy gân xanh, tôi mới hiểu rằng không có bàn tay mẹ thì quần áo bẩn sẽ tồn đọng cả một chậu lớn, nhà cửa sẽ trở nên bừa bộn. Em gái tôi sẽ phải tự buộc tóc chứ không được tết hai bên cầu kỳ. Nhìn em sà vào lòng mẹ, bàn tay bé xíu nâng bàn tay bị đau của mẹ lên thổi phù phù “để mẹ mau khỏi” như lời em nói mà tôi thầm ghen tị. Tôi cũng muốn được bé lại để ngồi trong lòng mẹ, để được mẹ ôm ấp nhưng nghĩ đến vết thương trên bàn tay mẹ, tôi quả quyết:
- Từ mai con sẽ tranh thủ giúp mẹ làm việc nhà!
Mẹ nhìn tôi với ánh mắt trìu mến:
- Khi tay khỏi, mẹ sẽ làm cùng con!
Bố nhìn tôi khích lệ:
- Chàng trai của bố mẹ có khác! Phải thế chứ!
Bắt tay vào làm việc, tôi mới thấm thía nỗi vất vả của mẹ khi hằng ngày phải làm biết bao việc không tên. Hình ảnh đôi bàn tay mẹ đã giúp tôi nhận ra một bài học lớn. Đó là bài học về lao động, về tình yêu thương và sự sẻ chia.
VƯƠNG TUẤN KHANH (Lớp 7C, Trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách)