Vậy là nhờ vô tình đọc được cuốn nhật ký của con mà vợ chồng tôi vỡ lẽ ra nhiều điều, hiểu con gái mình hơn và có hướng quan tâm, đối xử với các con công bằng hơn.
Tôi vừa đi làm về đến cửa thì đã thấy chồng đứng như đợi sẵn. Nhìn gương mặt anh căng thẳng, tôi nghi có chuyện gì đặc biệt đây. Mọi hôm anh giục tôi rửa mặt mũi chân tay để cho con Mi bú kẻo nó khát sữa. Hôm nay, chồng tôi dựng xe cho vợ vào góc sân rồi ghé tai thì thầm, có vẻ nghiêm trọng:
- Em vào đây! Nhanh lên! Vào đây anh cho xem cái này!
- Có việc gì mà nhìn mặt anh lo lắng thế?
- Em cứ vào tron này đã! Vào phòng con Minh nhé. Nhanh lên kẻo nó sắp đi học về đấy.
Tôi tất tả chạy theo chồng vào phòng riêng của con gái. Từ khi sinh thêm con, tôi cũng ít có thời gian quan tâm đến hai đứa lớn, nhất là Minh. Tôi luôn nghĩ con bé tự giác, chăm học nên cũng buông lỏng dần việc quản lý con.
- Em đọc đi, đọc trang này này. Ôi, anh không thể tưởng tượng được. Anh vô tình dọn phòng cho con, lau chùi các loại quạt để cất đi vì sắp đến mùa lạnh rồi. Anh bỗng phát hiện thấy quyển sổ này. Hóa ra con mình viết nhật ký em ạ. Nó còn thích một bạn cùng lớp. Ba cái tuổi ranh đã bày đặt yêu với đương thì nguy lắm. Em phải để mắt đến con nhé! - chồng tôi tuôn ra một tràng làm tai tôi ù đặc. Tôi vội đọc ngấu nghiến những trang nhật ký nắn nót của con: "Ngày...tháng... năm... Bố chẳng quan tâm gì đến mình cả, thế mà mỗi khi có khách bố cứ gọi mình là “con gái rượu”. Ngày Phụ nữ Việt Nam bố chẳng tặng cho mình món quà nào. Bố cho tiền anh Quân mua quà tặng các bạn gái ở lớp anh mà bố chẳng nhắc anh tặng quà cho mình. Bố và anh thật vô tâm. Cuối cùng chỉ có Nam tặng mình. Nam thật là ga lăng và khéo tay. Mình thích bạn ấy, thích cả ánh mắt của bạn ấy nhìn mình. Ước gì...
Ngày... tháng... năm... Mình hạnh phúc biết bao khi hôm nay mình nhận được thư tỏ tình của Nam. Bạn ấy khen mình có mái tóc dài đen nhánh, óng mượt. Mình không biết sẽ trả lời Nam như thế nào đây. Các bạn trong lớp mà biết được sẽ mách cô giáo, rồi bố mẹ mình cũng biết cho mà xem. Người lớn rất hay áp đặt mà không nghĩ đến cảm xúc của con cái. Mình cũng đã lớn rồi mà bố mẹ cứ coi mình như con nít"...
Tôi hoảng quá, mồ hôi túa ra. Tôi lật ngược lại quyển nhật ký, đọc tiếp: "Ngày...tháng... năm... Từ ngày có em Mi, mẹ bỗng dưng xa lánh mình hẳn. Mẹ không vào phòng riêng của mình nữa. Mẹ không chúc mình ngủ ngon mỗi tối. Mẹ coi Mi là trung tâm của cả nhà. Lúc đầu bị ra rìa, mình thấy ghét con bé Mi kinh khủng. Nó đã chiếm mẹ của mình. Nhưng bây giờ mình không ghét em nữa. Mình nghĩ do mẹ thôi. Tại sao mẹ thay đổi nhanh thế...
Ngày...tháng... năm... Mình ghét so sánh, vậy mà hơi một tí bố mẹ mình lại so sánh mình với con nhà người ta. Mình ghét nhất là bị đem ra so sánh với em Mi. Bà nội cũng khen nó xinh hơn mình. Cái bọn không răng thì nhìn đứa nào chả xinh, chả đáng yêu. Bà chê mình xi-ca-vâu giống bà nên mình xin mẹ cho mình đến bác sĩ nha khoa để niềng răng. Từ hồi niềng răng, mình chẳng dám hé miệng cười thoải mái như trước nên mình cũng bớt xinh tươi...".
- Thôi! Em để lại giá sách cho con đi! Nó sắp về rồi đấy. Nó mà biết mình đọc trộm nhật ký của nó thì không hay đâu. Em có thấy là con bé có những suy nghĩ rất lớn rồi không? Bây giờ phải bàn tính xem làm như nào để con bé không dính dáng gì đến chuyện yêu đương. Mới lớp 8 mà đã thế này thì nguy hiểm quá...
Sau khi thống nhất cách ứng xử với con, vợ chồng tôi cũng tự kiểm điểm lại bản thân mình. Quả thật, từ khi có thành viên mới trong gia đình, mọi sự quan tâm đều đổ dồn vào con út. Vì vậy, tôi khuyên chồng đặt một món quà cho Minh. Còn chuyện cả nhà dồn hết sự quan tâm vào bé Mi là vì ai cũng nghĩ nó bé nhất nhà. Anh chị lớn tướng rồi thì tị nạnh làm gì nữa. Lo nhất là chuyện Minh thích một bạn trai trong lớp và bạn trai đó cũng thích Minh. Tình cảm khác giới mà nảy nở thật thì ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập. Tôi lo con gái bập vào chuyện yêu sớm thì khó mà học tốt được.
Vợ chồng tôi quyết định chọn thời điểm thích hợp để thủ thỉ, tâm sự, trò chuyện với con, giúp con hiểu hơn về tâm sinh lý lứa tuổi, phân biệt được yêu và thích. Chồng tôi quả quyết: "Phải “vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng” chứ cứ e ngại, ỉm đi trong khi bọn trẻ con thiếu kỹ năng sống thì không biết hậu quả sẽ thế nào".
Vậy là nhờ vô tình đọc được cuốn nhật ký của con mà vợ chồng tôi vỡ lẽ ra nhiều điều, hiểu con gái mình hơn và có hướng quan tâm, sát sao với con, đối xử với các con công bằng hơn.
NAM HỒNG