Khi bàn về thơ, Bùi Hải Đăng viết: “Thơ chính là nhan sắc chắt thành hương”. Có lẽ vì thế mà gần nửa thế kỷ qua, anh cần mẫn với thơ, đã xuất bản 6 tập thơ riêng - đó là số lượng không nhỏ. Bùi Hải Đăng từng hai lần được tặng giải C Giải thưởng Văn học Côn Sơn và có thơ chọn in vào các tuyển tập trong và ngoài tỉnh Hải Dương.
“Sương mùa đông” là tập thơ mới nhất của Bùi Hải Đăng do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2011, gồm 82 bài thơ, đa số trong đó là thơ về mùa, về vùng quê xứ Đông, nơi anh hành nghề thuốc và làm thơ. Trong những ngày hạ nắng lửa này, đọc “Sương mùa đông” của anh, tôi như tìm thấy sự dịu mát trong lòng mình, về tình quê, tình người. Như anh đã thổ lộ: “Điều gì từng khao khát/Đều mây trôi bên trời/Chỉ tình người như lửa/Ấm mãi hồn nhau thôi…” (Bạn còn ngược núi).
Sắp bước vào tuổi bảy mươi, nên dễ thấy trong thơ Bùi Hải Đăng sự chiêm nghiệm về cuộc đời, bàn về được, mất và nhân tình thế thái. Có những khi cả một đời với bao khát vọng, ngỡ được hạnh phúc mà chỉ như ảo giác: “Trái đất vòng quay chậm rãi/Đời người chỉ là tia chớp mà thôi” (Bất lực). Hay: “Như dã tràng nối đời hoài công lấp biển/Kiếp người ba vạn sáu ngàn ngày hóa thứ đồ chơi” (Bày đặt). Bùi Hải Đăng ý thức được sự nghiệt ngã của thời gian, về sự được mất của danh vọng: “Lần tìm trong ngăn thuốc/Chạm vân tay ai cầm/Vườn bên xao xác gió/Câu thơ rồi phù vân…” (Câu thơ rồi phù vân).
Chiêm nghiệm từ chính cuộc đời mình, trong đời sống xã hội, Bùi Hải Đăng suy tưởng, thể hiện bằng hình ảnh thơ, như việc lấy “bóng với hình” để lý giải cái thiện và cái ác, giữa giá trị thật và giả: “Đêm yên bình sau toan tính ngược xuôi/Hình chìm vào giấc mơ phiêu lãng/Trong lặng im đợi gà báo sáng/Bóng nhận ra thiện ác của chính hình!” (Bóng với hình). Cuộc sống vàng thau lẫn lộn, biến cải không ngừng là thế, nhưng giá trị cốt lõi là cái đẹp, lòng nhân hậu, tình người thì luôn bền vững, như quy luật của tạo hóa, của thiên nhiên: “Trời đất vần xoay hương sắc đã tràn về/Cành non bật mầm làm run kẽ lá/Vòng diệu kỳ nghìn năm thế cả/Người buồn đau thất thường, sao hoa vẫn nở bình yên…” (Hoa vẫn nở). Và: “Mũi tên bay vốn thẳng/Lòng người sao lòng vòng?/Cây cao bóc hết vỏ/Còn lõi già bên trong” (Khen chê).
Thơ chiêm nghiệm, suy xét nhân tình thế thái dễ làm cho người đọc mệt mỏi, nên trong “Sương mùa đông”, Bùi Hải Đăng đã pha chế với lượng vừa phải. Nhờ đó mà bạn đọc thấy con người làm thuốc, người thơ Bùi Hải Đăng lãng mạn với những câu thơ đẹp. Đấy là những hồi tưởng về làng xưa, cảnh quen, người cũ: “Mắt ai đen mực Tầu/Tóc đuôi gà, áo quần mớ bảy, mớ ba/thấp thoáng về đâu?/Chiếu chèo sân đình tiếng cười hỉ hả”. (Tìm lại ngày xưa). Rồi: “Mùa sen lấp vùi, tháng năm mê mải/Vòm lại trong veo lóng lánh ủ men thu” (Chợt thu). Và đây là câu thơ hay của Bùi Hải Đăng: “Em vầng trăng hao khuyết/Lửng lơ nghiêng mé trời/Dùng gương toan vớt bóng/Chỉ gặp toàn mây thôi!” (Vớt).
Trong “Sương mùa đông”, Bùi Hải Đăng bộc lộ trách nhiệm công dân của nhà thơ, cụ thể là trách nhiệm với gia đình, làng quê và xã hội. Anh viết về những số phận con người, từ người thân, bạn bè, những người đã đi qua chiến tranh. Anh viết về sự biến đổi cảnh vật ở làng quê, nét văn hóa thôn dã đang mai một và sự ô nhiễm môi trường sống, thảm họa thiên tai mà nguồn gốc do con người gây nên… Anh còn dành tình cảm của mình cho thiếu nhi, mà đề tài là những câu hát ru, cảnh quê nhà và đồ vật, hiện tượng thiên nhiên xung quanh mình…
“Sương mùa đông” là tập thơ phong phú, đa dạng đề tài, nhưng còn đơn điệu về cách thể hiện, người đọc có cảm giác đều đều, chưa tạo được ấn tượng sâu sắc. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng viết “Thơ chưa hay thì thơ nói thật lòng”, trong “Sương mùa đông”, ta cảm nhận rõ nét sự thật lòng và sự kiên nhẫn lao động thơ bền bỉ của Bùi Hải Đăng.
ĐÌNH XUÂN